Hội nghị công tác kế hoạch - tài chính của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012

Thứ hai - 16/04/2012 22:49
(Kiểm sát Online) - Sáng 12/04/2012, Hội nghị Tổng kết công tác kế hoạch, tài chính của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2010 - 2011 đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu của các đơn vị trực thuộc VKSNDTC: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng VKSNDTC, Cục điều tra, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 
 Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm phát biểu chỉ đạo hội nghị
Sau phần khai mạc,hội nghị đã nghe đồng chí Ngô Xuân Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính trình bày Báo cáo tổng kết công tác kế hoạch - tài chính của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2010- 2011 và tình hình thực hiện Nghị định 130, Nghị định 43 của Chính phủ.
Tiếp đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận. Các ý kiến đều thống nhất đánh giá, mặc dù trong năm 2010/ 2011, nhiều yếu tố khách quan và chủ quan trong nước và thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đời sống nhân dân, nhưng dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó có phần đóng góp không nhỏ của công tác Kế hoạch – Tài chính, với những đổi mới tích cực, nổi bật. Về công tác lập, bảo vệ, phân bổ và giao dự toán ngân sách, đã linh hoạt áp dụng định mức phân bổ thống nhất trong toàn ngành với phương pháp tách lương, phụ cấp lương, các khoản đóng góp của cán bộ ra ngoài định mức chi thường xuyên, đã tạo sự công bằng trong khâu phân bổ ngân sách và giảm bớt thiệt thòi đối với những đơn vị có nhiều Kiểm sát viên, Điều tra viên... có mức lương và phụ cấp lương cao. Ngành còn ưu tiên phân bổ ngân sách thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời tăng cường kinh phí cho các đơn vị vùng sâu, vùng cao, hải đảo...; tập trung bố trí kinh phí chi đặc thù, kinh phí nghiệp vụ cho cấp tỉnh và cấp huyện nhiều hơn các năm trước. Đối với kinh phí đầu tư, ngành Kiểm sát lập kế hoạch phân bổ cho các dự án đúng quy định, đảm bảo trình tự, thủ tục, trong đó chỉ phân bổ vốn đầu tư mới cho các dự án thực sự cấp bách. Do vậy, công tác đầu tư xây dựng trong ngành Kiểm sát trong năm vừa qua đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như chế tài quy định của Luật xây dựng, Luật đấu thầu, các Luật, Nghị định, Thông tư có liên quan... Công tác tài sản và trang phục của ngành cũng có những chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện đề án về đầu tư trang bị phương tiện làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đối với công tác chính sách tài chính, đã đảm bảo các chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho cán bộ, KSV chuyên trách nghiệp vụ đặc thù, cũng như chế độ bồi dưỡng cho các chức danh nghiệp vụ, trực nghiệp vụ, nâng mức bồi dưỡng cho KSV tham dự phiên tòa, tham gia phiên họp dân sự... Đồng thời, VKS tối cao đã chú trọng công tác nghiên cứu, giải đáp nghiệp vụ cũng như tăng cường tập huấn cho cán bộ chuyên trách kế toán tài chính của các đơn vị cấp dưới.
 
 Các đại biểu dự hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kế hoạch, tài chính trong toàn ngành cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác lập dự toán ở một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về thời gian, trình tự, thủ tục; việc lập dự toán còn chưa cụ thể, chi tiết, thuyết minh chưa đầy đủ, rõ ràng; công tác kiểm tra việc xây dựng và dự toán ngân sách năm đối với các đơn vị dự toán cấp dưới còn hạn chế. Riêng VKSND tối cao vẫn chưa đánh giá được hiệu quả thảo luận dự toán đối với các đơn vị trong ngành, việc phân bổ, điều chỉnh và giao dự toán còn thực hiện nhiều lần trong năm; tiến độ giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới vẫn còn chậm... Trong công tác đầu tư xây dựng, hạn chế lớn nhất vẫn là việc đi thực tế tại các địa phương, việc kiểm tra giám sát của VKSND tối cao chưa được thường xuyên. Trong khi đó, các chủ đầu tư vẫn tồn tại những hạn chế phổ biến như: việc giao nhiệm vụ thiết kế cho các đơn vị tư vấn còn sơ sài, chưa bám sát các quy định của Nhà nước, của ngành; một số dự án chủ đầu tư chưa tính hết được các nội dung cần thiết nên hiệu quả dự án thấp; việc lập và trình duyệt dự án còn chậm, thiếu thuyết phục. Đặc biết, một số chủ đầu tư quản lý và sử dụng vốn không tốt, dẫn đến tình trạng mất vốn như dự án VKSND  các tỉnh Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng và VKSND các huyện Côn Đảo, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), VKS huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), VKS huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái)... Việc thực hiện dự án vẫn còn nhiều hạn chế như: thực hiện chậm, kéo dài tiến độ không cần thiết; chưa giải phóng được mặt bằng đã lựa chọn nhà thầu; có dấu hiệu vượt thẩm quyền trong phê duyệt đầu tư xây dưng... Riêng công tác quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn chậm; công tác tài sản và trang phục nhiều đơn vị chưa thực hiện chế độ báo cáo và kê khai biến động tăng, giảm theo quy định. Ngoài ra, vẫn còn những tồn tại có tính phổ biến trong việc mở các loại sổ kế toán, tài khoản kế toán, việc báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm, cũng như thủ tục thanh, quyết toán...

 

 
Ông Ngô Xuân Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính VKSNDTC trình bày báo cáo
Những tồn tại, hạn chế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó đáng kể là nguyên nhân từ việc thực hiện thể chế của Nhà nước, khi liên tục có những thay đổi về chế độ, chính sách. Trong khi đó tình trạng trượt giá và lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, công chức trong ngành; một số chính sách, chế độ đặc thù của ngành Kiểm sát chưa được Nhà nước hỗ trợ tương xứng. Ngoài ra, những nguyên nhân xuất phát từ nội bộ ngành, như sự hạn chế về cơ sở vật chất và năng lực con người cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác kế hoạch, tài chính của ngành trong 2 năm qua

 Về tình hình thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính ngành Kiểm sát nhân dân theo Nghị định 130/CP và Nghị định 43/CP của Chính phủ cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc xây dựng và ban hành quy chế chi tiêu nội bộ được các đơn vị nghiêm túc thực hiện, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng đơn vị; việc thực hiện tiết kiệm theo chế độ tự chủ ở các đơn vị trong ngành đã góp phần rất lớn trong việc tiết kiệm chi tiêu hành chính, nâng cao đời sống cán bộ công chức nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động của ngành. Chỉ riêng năm 2010, kinh phí tiết kiệm được của toàn ngành đã đạt 170,064 tỷ đồng, chiếm 14% tổng kinh phí tự chủ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế nhất định, như: một số đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ chưa cụ thể, chặt chẽ, chưa đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của VKSND tối cao; việc quá chú trọng đến tăng kinh phí tiết kiệm để có thu nhập tăng thêm đã hạn chế việc đảm bảo cho một số nhiệm vụ chi thường xuyên. Cá biệt có đơn vị sử dụng sai mục đích kinh phí tiết kiệm được, sử dụng kinh phí không tự chủ vào kinh phí tiết kiệm được…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tỏ ý đồng tình cao với các nhận định, đánh giá nêu trong báo cáo tổng kết; đồng thời nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc phân bổ ngân sách; việc thực hiện phân cấp ủy quyền của VKSND tối cao trong đầu tư xây dựng cơ bản; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị làm việc…Đồng thời kiến nghị một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn trong điều hành ngân sách năm 2012, bảo đảm tính hiệu quả, đúng pháp luật, công bằng và minh bạch. Thay mặt Ban Tổ chức Hội nghị, đồng thời với tư cách là thủ trưởng đơn vị tham mưu, giúp Viện trưởng VKSND tối cao trong quản lý công tác kế hoạch – tài chính của ngành, đồng chí Ngô Xuân Thắng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính đã lần lượt giải đáp những ý kiến mà các đại biểu nêu ra; đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm ghi nhận và biểu dương công tác kế hoạch – tài chính trong những năm qua đã có nhiều cố gắng phục vụ, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của lãnh đạo VKS các cấp, đảm bảo cho hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Công tác phân bổ và giao dự toán chấp hành theo đúng quy định của Nhà nước, trong phân bổ có tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, đặc thù của ngành, đơn vị ở địa bàn khó khăn. Cùng với đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện làm việc được tăng cường, việc sử dụng tài sản công từng bước được củng cố, nề nếp theo quy định của Nhà nước. Các đơn vị dự toán cơ bản đã thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, quy định về chi tiêu nội bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Nhiều chế độ, chính sách tài chính được nghiên cứu, đề xuất, được cấp có thẩm quyền ban hành góp phần giải quyết khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, động viên cán bộ, công chức trong ngành phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm cũng chỉ ra những tồn tại chính cần khắc phục, nêu ra những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những tồn tại, hạn chế trong công tác kế hoạch- tài chính của ngành.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm chụp ảnh lưu niệm
với Ban tổ chức và lãnh đạo các đơn vị tham dự hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch- Đầu tư cũng đồng nhất quan điểm và ghi nhận cao sự nỗ lực của ngành Kiểm sát trong công tác quản lý, phân bổ ngân sách, thực hiện tốt chế độ tự chủ kinh phí, sử dụng biên chế, nhất là trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc... đã không để xảy ra tình trạng thâm thụt ngân sách, chi tiêu lãng phí cũng như tình trạng tham nhũng ngân quỹ.  Đại diện lãnh đạo các Bộ đề nghị Viện KSND tối cao tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị của các đại biểu, đặc biệt là trong công tác tham mưu điều hành ngân sách và quản lý nguồn kinh phí tự chủ của ngành; bảo đảm để công tác kế hoạch- tài chính phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của Ngành kiểm sát; góp phần cùng Chính phủ ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hạn chế tình trạng trượt giá, biến động bất ổn nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay. Theo chương trình, Hội nghị sẽ làm việc trong hai ngày, 12 và 13/4/2012.
 
Sau đây, Kiểm sát Online xin trích đăng một số ý kiến phát biểu, tham luận tại hội nghị.
 
 
 Ông Trần Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh, Bộ KH&ĐT phát biểu
Ông Trần Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Quốc phòng - An ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:... "Tình hình chung về công tác đầu tư cơ sở vật chất cho khối tư pháp nói chung và VKSNDTC nói riêng: trong những năm trước 2002, vốn đầu tư cho cơ sở vật chất của VKS chủ yếu dùng kinh phí chi thường xuyên và vốn đầu tư xây dựng trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, do nguồn vốn hạn hẹp, do vậy cơ sở vật chát của VKS các cấp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trụ sở là nhà cấp 4 đã xuống cấp, hoặc phải thuê mượn thiếu chỗ làm việc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, Vụ Quốc phòng An ninh - Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Kế hoạch tài chính VKSNDTC tham mưu cho Lãnh đạo VKSNDTC và Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo Chính phủ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Kiểm sát từ Trung ương đến cấp huyện năm sau cao hơn năm trước và tăng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của các Bộ, ngành, địa phương (mức tăng từ 15% đến 20%/năm, trong khi mức tăng bình quân chung chỉ đạt 10 đến 15%/năm). Năm 2010 tổng mức đầu tư đã đạt 245 tỷ đồng. Trong năm 2011, do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, cơ cấu lại đầu tư công, do vậy, vốn đầu tư phát triển gặp một số khó khăn. Mặt khác, do chương trình được quy mô, tổng mức, thứ tự của diện phân kỳ đầu tư hợp lý, xác định các nguồn vốn đầu tư cho đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để làm cơ sở đầu tư trong những năm tiếp theo theo kế hoạch trung hạn 5 năm và kế hoạch dài hạn 10 năm.

Về công tác giải ngân: qua theo dõi báo cáo VKSNDTC là những đơn vị giải ngân cao. Tuy nhiên đề nghị Vụ Kế hoạch - Tài chính cần theo dõi sát sao hơn nữa tình hình triển khai thực hiện của các đơn vị để có kế hoạch điều chỉnh vốn cho phù hợp trong đầu, giữa quý IV, tránh tình trạng như hiện nay phải điều chỉnh nhiều lần và thường vào cuối tháng 12 năm kế hoạch. Do vậy, rất khó khăn cho cơ quan tham mưu kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho điều chỉnh kế hoạch.

Về công tác triển khai thực hiện các dự án ở các chủ đầu tư: qua kiểm tra giám sát đánh giá đầu tư của Bộ KH&ĐT nhìn chung các đơn vị tuân thủ theo đúng quy trình quản lý đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị do không có chuyên môn trong lĩnh vực này nên hồ sơ còn nhiều sai sót trong việc lựa chọn các tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn lựa chọn nhà thầu v.v.."

 

 
 Bà Trần Thị Quỳnh Nga, đại diện Bộ Tài chính
phát biểu tại hội nghị
Bà Trần Quỳnh Nga, Phó Trưởng phòng thuộc Bộ Tài chính: ... "Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng định mức phân bổ dự toán chi ngân sách chi hoạt động thường xuyên, trong đó đã tính đến yếu tố đặc thù trong công việc của ngành kiểm sát. VKSNDTC cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trang bị tài sản, việc thực hiện Đề án này góp phần làm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các cơ quan kiểm sát các cấp". 

Kỷ luật tài chính ngày càng được tăng cường, chất lượng công tác kiểm tra, xét duyệt quyết toán được nâng cao. Tất cả các Viện kiểm sát trong ngành đã triển khai thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động sử dụng kinh phí được giao, nâng cao chất lượng công việc, tinh giản biên chế, tiết kiệm kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ công chức trong cơ quan...

Trong thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập, phân bổ dự toán cho sát nhu cầu sử dụng kinh phí, công tác tài chính cần gắn bó chặt chẽ hơn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng kinh phí, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của đơn vị dự toán cấp trên đối với đơn vị dự toán cấp dưới...

 
 

Đồng chí Lê Thị Đầy (Viện trưởng VKSND Bà Rịa – Vũng Tàu): Trong những năm qua, Lãnh đạo VKSNDTC và Vụ 11 đã có sự quan tâm đúng mức và có nhiều giải pháp, xây dựng nhiều đề án nhằm tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện công tác cho ngành. Đặc biệt kinh phí hoạt động đã được cải thiện đáng kể, tiêu chuẩn, quy mô và trụ sở làm việc đã được điều chỉnh kịp thời và ngày càng phù hợp hơn so với yêu cầu và sự phát triển của xã hội; công tác Kế hoạch - Tài chính có nhiều chuyển biến tích cực…

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa công tác Kế hoạch - Tài chính năm 2012 và những năm sau, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có một số ý kiến đóng góp, kiến nghị với Lãnh đạo VKSNDTC và Vụ 11.

 

 
 Đồng chí Lê Thị Đầy, Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cụ thể, trong công tác tài chính, đề nghị Vụ 11 sớm có Đề cương xây dựng dự toán kinh phí hàng năm (ổn định cho một số năm) để các địa phương chủ động cập nhật dữ liệu, tài liệu lập dự toán kịp thời, chính xác (ví dụ như số ngày xét xử, chi phí khám nghiệm, số bị can, bị cáo…); đồng thời tiếp tục bổ sung các dự toán chi đặc thù ngoài các khoản chi đã được xây dựng định mức như kiểm sát án văn, kiểm sát bản án, xác minh điều tra chứng cứ… nhằm giảm bớt khó khăn cho hoạt động chi thường xuyên và sát với nhiệm vụ chi cũng như nhu cầu thực tế của từng đơn vị và toàn ngành.

Trong công tác giao dự toán năm 2011 và 2012, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị sai sót (dự toán tiền lương năm 2011 bị thiếu trên 700 triệu; năm 2012 bị thiếu 1 tỷ 77 triệu). Đề nghị Vụ 11 nên thẩm kế sớm và gửi về cho các đơn vị thông qua hộp thư điện tử hoặc công khai trên diễn đàn điện tử của Vụ các khoản chi thanh toán cá nhân như: lương, phụ cấp, BHXH, BHYT, KPCĐ (là những nội dung dự toán có điều kiện xác định sớm nhưng lại dễ nhầm lẫn) để các đơn vị đối chiếu phản hồi, tránh sai sót.

Trong công tác xây dựng cơ bản, Vụ 11 nên hướng dẫn và tổ chức việc truyền dữ liệu để thẩm định (dự toán, thiết kế, các trình tự thủ tục xây dựng cơ bản khác) qua mạng nhằm tiết kiệm thời gian và tránh các sai sót do các địa phương thường không có cán bộ chuyên trách và chuyên môn về lĩnh vực này khiến cho việc lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ… phải lập lại nhiều lần làm chậm tiến độ công việc. Bên cạnh đó, trong quá trình phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán trong xây dựng cơ bản, đề nghị Vụ 11 tính dự phòng chi phí đầy đủ yếu tố trượt giá, điều chỉnh tiền lương tối thiểu, phát sinh khối lượng… nhằm giảm thiểu số lần phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và dự toán. Dự toán chủng loại vật tư, trang thiết bị cần phải phù hợp với hạng mục công trình, môi trường và phù hợp với các trang thiết bị khác, tránh lỗi thời, hư hỏng cục bộ, lãng phí… Đối với các công trình đã đủ hồ sơ, đã có kết quả kiểm toán đề nghị Vụ 11 tiến hành quyết toán kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương.

Tin, ảnh: Quang Thanh - Thy Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây