Hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản và biện pháp cưỡng chế trong Bộ luật TTHS

Thứ tư - 27/08/2014 10:24
Ngày 23/8/2014, VKSNDTC đã tổ chức Tọa đàm “Những nguyên tắc cơ bản và biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự”. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự dự và chủ trì buổi tọa đàm.
Hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản và biện pháp cưỡng chế trong Bộ luật TTHS
Tham dự tọa đàm có TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC; đại diện Ủy Ban tư pháp Quốc hội và các Bộ, ngành: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
 
 
Viện trưởng VKSNDTC phát biểu khai mạc tọa đàm

Tóm tắt những nội dung sửa đổi, bổ sung của BLTTHS, TS. Nguyễn Tiến Sơn, Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát nêu rõ, BL TTHS hiện hành dành một chương riêng (Chương II) quy định 30 nguyên tắc của BLTTHS. Dự thảo luật đã bổ sung mới 1 nguyên tắc; sửa đổi 27 nguyên tắc; đưa quy định (xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục) tại phần xét xử thành nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; giữ nguyên 3 nguyên tắc.

Về những biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự (Chương VI), Dự thảo luật sửa đổi theo hướng thu hút toàn bộ các biện pháp cưỡng chế quy định trong các chương, các phần của BLTTHS để điều chỉnh chung trong Chương VI nhằm đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ khi quy định về các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân. Theo đó đặt tên chương là (Những biện pháp cưỡng chế trong tố tụng) và bố cục thành hai mục: Mục I: Những biện pháp ngăn chặn; Mục II: Những biện pháp cưỡng chế khác.
Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu ý kiến bày tỏ quan điểm của cá nhân về nguyên tắc đảm bảo tranh tụng, công bằng trong xét xử (Điều 20); về quy định nguyên tắc xét xử một thẩm phán đối với những vụ án thực hiện theo thủ tục rút gọn (Điều 15, 17); bổ sung người tố giác tội phạm có quyền yêu cầu…
 
 

 
 
Các đại biểu dự tọa đàm

Một số ý kiến thống nhất với dự thảo luật cho rằng để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cần bổ sung thẩm quyền bắt khẩn cấp, tạm giữ cho một số chủ thể thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư thực hiện các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự; bổ sung thời hạn áp dụng các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; quy định chế tài phạt tiền đến 50 triệu đồng áp dụng đối với người bảo lĩnh nếu để cho bị can, bị cáo bỏ trốn; bổ sung một mục quy định về các biện pháp cưỡng chế khác trong tố tụng hình sự gồm 7 biện pháp, trong đó có 3 biện pháp đã được quy định trong BLTTHS hiện hành và bổ sung 4 biện pháp mới gồm: Bắt buộc phải có mặt theo giấy triệu tập, phong tỏa tài sản ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, tạm hoãn xuất cảnh, phạt tiền.

Cũng tại tọa đàm, vấn đề áp dụng các biện pháp tạm giam, xác định các trường hợp được coi là cản trở điều tra, truy tố, xét xử do còn có nhiều ý kiến khác nhau nên cũng được các đại biểu sôi nổi thảo luận.

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây