Nâng cao chât lượng kháng nghị thông qua tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm

Thứ hai - 31/03/2014 08:31
Ngày 24/3/2014, Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Lê Viết Hất cùng đồng bọn phạm tội: “Cố ý gây thương tích”. Tại phiên toà đại diện VKSND tỉnh đã bảo vệ toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện trưởng VKSND huyện Phú Vang.
Các bị cáo tại phiên toà Phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên toà Phúc thẩm
Tới dự phiên toà phúc thẩm, ngoài cán bộ, Kiểm sát viên Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, còn có đại diện lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND huyện Phú Vang tham gia.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Phú Vang thì do có mâu thuẫn từ trước, nên vào khoảng 15 giờ ngày 07/2/2012, Lê Viết Hất, Lê Viết Chờ, Lê Viết Cu đã đón đường, đóng cổng nhốt anh Lê Viết Nam trong nhà Hất, rồi dùng tay, chân, đùi tre, ghế nhựa đánh và dùng mác chém anh Nam, gây thương tích ở đầu, mặt, lưng, tay, chân với tỷ lệ thương tổn hại sức khoẻ 17%, anh Nam điều trị thương tích hết số tiền: 7.055.900 đồng.

Bản án sơ thẩm ngày 23/12/2013 của Toà án nhân dân huyện Phú Vang nhận định người bị hại cũng có lỗi (với lý do ngày 02/02/2012 anh Nam có hành vi đập phá tài sản nhà Hất) coi đó là tình tiết giảm nhẹ, do vậy đã áp dụng khoản 2 Điều 104, các điểm b, p khoản 1; khoản 2 Điều 46; Điều 47 BLHS để xử phạt bị cáo Lê Viết Hất 01 năm 06 tháng tù; áp dụng thêm Điều 60 BLHS xử phạt bị cáo Lê Viết Chờ 01 năm tù;  bị cáo Lê Viết Cu 09 tháng tù nhưng cả hai đều được cho hưởng án treo. Về dân sự đã áp dụng Điều 609 BLDS, buộc các bị cáo Chờ và Bình, mỗi người phải bồi thường cho Nam 2.500.000 đồng, bị cáo Hất phải bồi thường 2.055.900 đồng; đồng thời mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 200.000 án phí dân sự sơ thẩm.

Nhận thấy, bản án nêu trên của Toà án nhân dân huyện Phú Vang xác định người bị hại có lỗi và cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 46 BLHS; áp dụng Điều 47 BLHS xử bị cáo Hất mức án dưới khung hình phạt; không áp dụng Điều 616 BLDS buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho anh Nam và tính án phí dân sự không có giá ngạch (trên 4.000.000 đồng) là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27/02/2009.

Ngày 06/01/2014, Viện trưởng VKSND huyện Phú Vang đã ban hành Kháng nghị phúc thẩm đối với bản án này và đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng không áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS đối với các bị cáo; không áp dụng Điều 47 BLHS đối với bị cáo Hất, tăng hình phạt lên 02 năm tù; áp dụng thêm Điều 616 BLDS buộc các bị cáo  Hất, Chờ và Cu phải liên đới bồi thường cho bị hại số tiền 7.055.900 đồng; áp dụng các Điều 20, 24 và 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27/02/2009 buộc mỗi bị cáo phải chịu án phí dân sự số tiền là: 352.795 đồng.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 24/3/2014, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Vang và tuyên sửa bàn án theo đúng các nội dung mà Viện kiểm sát đã đề nghị: không áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS đối với cả 03 bị cáo Hất, Chờ và Cu; không áp dụng Điều 47 BLHS, xử bị cáo Hất  02 năm tù; áp dụng thêm Điều 616 BLDS, buộc các bị cáo Hất, Chờ và Cu phải liên đới bồi thường cho anh Nam số tiền: 7.055.900 đồng.

Đây là vụ án điển hình về việc nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm và tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, với những vụ án do Viện kiểm sát cấp huyện, thị xã và thành phố kháng nghị được Viện KSND tỉnh chấp nhận,  thì Lãnh đạo và Kiểm sát viên đơn vị đó phải tới dự phiên toà phúc thẩm để rút kinh nghiệm chung, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự (đặc biệt là công tác kháng nghị phúc thẩm) theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, giúp cho việc áp dụng pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất


Tin, ảnh: Tin, ảnh: Phòng KSXX phúc thẩm – Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây