Người Viện trưởng mẫu mực

Thứ sáu - 08/07/2011 16:45
Đã nhiều lần cầm bút định viết về Ông nhưng vẫn chưa thực hiện được bởi tôi biết Ông là người trung thực, khiêm tốn và thận trọng. Nếu viết về ông mà độ chính xác không cao, thì mục đích, ý nghĩa bài viết của mình sẽ không đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, việc đặt tên bài viết như thế nào để phản ánh một cách đầy đủ con người Ông là điều làm tôi phải suy nghĩ nhiều.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện -Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho đ/c Hoàng Trọng Khảm – Viện trưởng Viện KSND Thừa Thiên huế
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện -Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho đ/c Hoàng Trọng Khảm – Viện trưởng Viện KSND Thừa Thiên huế

Đắn đo mãi, cuối cùng, tôi quyết định chọn đầu đề bài viết là “Người Viện trưởng mẫu mực”. Tôi nghĩ, tiêu đề này là phù hợp với Ông hơn cả. Ông chính là Hoàng Trọng Khảm - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại quê hương xã Thuỷ Biều, thành phố Huế. Khi mới 16 tuổi (năm 1968), nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, cùng với lòng căm thù giặc sâu sắc, Ông tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà. Sau đó, Ông được ra Bắc học tập, rồi trở vào Nam chiến đấu, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975.

Sau khi nước nhà thống nhất, ông tham gia công tác Đoàn thanh niên và làm việc trong ngành lương thực huyện Hương Phú. Năm 1987, ông được điều động chuyển sang công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hương Phú, Bình Trị Thiên (nay là thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1991, Ông chuyển công tác lên Viện kiểm sát tỉnh, giữ chức vụ Trưởng phòng kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án kinh tế. Tháng 7 năm 1992, Ông được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Viện trưởng. Tháng 01 năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến nay.

Nói về ông, ai cũng chung một nhận xét: Ông là người mẫu mực về mọi mặt, trong cuộc sống cũng như trong công tác. Những nhận xét, đánh giá trên của mọi người hoàn toàn khách quan và  chính xác.

Ngoài sự nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo của gia đình và tiếp thụ những bản sắc văn hoá tốt đẹp của xứ Huế, Ông còn được rèn luyện trong chiến tranh và sự nuôi dưỡng, giáo dục của môi trường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên Ông luôn giữ vững bản lĩnh chính trị kiên định, sống giản dị, khiêm tốn, trung thực, cần, kiệm, liêm chính; không xa hoa, lãng phí. Trong sinh hoạt đời thường, Ông luôn cởi mở, đoàn kết, chân thành, đúng mực, thương yêu, giúp đỡ mọi người; không quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Mỗi khi truyền đạt các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị, Kế hoạch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Ông luôn nhắc nhở cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành, phải thường xuyên rèn luyện và trao dồi đạo đức cách mạng; nêu cao tinh thần yêu nước, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa và thực hiện tốt 5 đức tính Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát “ Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đối với cán bộ, Kiểm sát viên có thiếu sót, Ông thẳng thắn khuyên bảo, uốn nắn tận tình; cán bộ, Kiểm sát viên gặp khó khăn trong cuộc sống, Ông động viên, giúp đỡ kịp thời.

Trong công việc, Ông luôn có tinh thần và trách nhiệm cao; chấp hành nghiêm kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của đơn vị và Ngành. Hàng ngày, Ông đến cơ quan làm việc một cách nghiêm túc và khoa học. Ngoài những lúc đi kiểm tra, đôn đốc công việc chung; Ông thường ngồi tại phòng đọc và nghiên cứu văn bản, tài liệu tỉ mỷ, kỹ càng. Các công văn đến Ông đọc và phê chuyển các phòng nghiệp vụ kịp thời, đầy đủ. Những văn bản dự thảo, Ông đọc và sửa lỗi đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Các công việc đột xuất, Ông bàn với tập thể Lãnh đạo Viện giải quyết kịp thời. Chính vì vậy, mà công việc trong cơ quan luôn nhịp nhàng, trôi chảy, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Với cương vị là Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, hàng năm, Ông cùng với Lãnh đạo Viện tổ chức, xếp sắp, bố trí cán bộ một cách hợp lí, phù hợp với sở trường, khả năng của từng người; đồng thời, đề ra nhiều biện pháp, kế hoạch sát với thực tiễn, để lãnh đạo Kiểm sát hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế tạo thành một khối đoàn kết, thống nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Bởi vậy, những năm qua, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Thừa Thiên Huế luôn học tập tấm gương mẫu mực của Ông, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành kỷ luật và trách nhiệm cao trong công tác, nhằm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Do đó, thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Các khâu công tác như: Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; kiểm sát giam giữ cải tạo và thi hành án phạt tù; kiểm sát thi hành án; kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự - kinh doanh thương mại - lao động - hành chính; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác tổ chức cán bộ; văn phòng tổng hợp - thống kê tội phạm; cải cách hành chính và thực hiện Quy chế dân chủ; thi đua khen thưởng; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong tình hình mới; giáo dục chính trị tư tưởng; thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; lãnh đạo các đoàn thể... đều đạt hiệu quả cao. Điều đó được thể hiện cụ thể qua việc mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đều có phẩm chất chính trị tốt; lối sống, đạo đức trong sạch, lành mạnh; tỷ lệ giải quyết án hình sự hàng năm đạt trên 96%; các vụ việc xử lý đều đúng pháp luật, không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố Toà án tuyên không phạm tội; không để xảy ra các trường hợp khiếu nại, tố cáo tập thể hoặc kéo dài...

Từ kết quả trên, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hoá... ở địa phương và xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng vững mạnh.

Trong những năm qua, nhiều tập thể và cá nhân ngành Kiểm sát Thừa Thiên Huế đã được Đảng, Nhà nước, VKSNDTC, Bộ Công an, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các tổ chức chính trị - xã hội... tặng thưởng các danh hiệu thi đua, như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen, Kỷ niệm chương và Cờ thi đua; 17 năm liền Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh được công nhận là Đảng bộ “trong sạch, vững mạnh”, Viện tỉnh và các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, thành phố được công nhận là Cơ quan văn hoá; các đoàn thể Công đoàn, Đoàn thanh niên được công nhận đạt danh hiệu “vững mạnh”.

Có thể khẳng định rằng, những thành tích ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được những năm qua có sự đóng góp đáng kể của Viện trưởng Hoàng Trọng Khảm. Ông là một trong những người có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự lớn mạnh của ngành Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và ngành Kiểm sát nhân dân nói chung./.

Tin, ảnh: Lê Đức Khanh (VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây