Dao có mài mới sắc

Thứ ba - 03/07/2012 14:13
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, là người đã cùng với Đảng và nhân dân xây dựng Nhà nước cách mạng Việt Nam. Chính vì thế, suốt cả cuộc đời mình, Người luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960. Ảnh tư liệu
Người nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa những sai lầm và khuyết điểm”. Và Bác nói thang thuốc hay nhất để sửa chữa sai lầm và khuyết điểm ấy một cách tốt nhất, chính là thường xuyên nghiêm chỉnh thực hành phê bình và tự phê bình.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất nhiều lần nhắc nhở chúng ta về phê bình và tự phê bình. Trong các cuộc đến thăm, nói chuyện, hoặc trong diễn văn đọc tại các ngày lễ lớn, ngày thành lập nước, thành lập Đảng, hay trong các bài báo... Người thường xuyên dặn dò chúng ta thực hiện phê bình và tự phê bình để tiến bộ.
*

Ngày 20-5-1951, trên Báo Nhân Dân số 9 Bác viết bài “Tự phê bình”, và ngày 12-7-1951 trên Báo Nhân Dân số 16, Bác lại viết bài: “Phê bình”. Mở đầu bài “Tự phê bình”, Bác viết:
“Dao có mài, mới sắc
Vàng có thui, mới trong
Nước có lọc, mới sạch
Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế."

Tự phê bình là gì?
Là thật thà nhận, công khai nhận, trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa.
Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị.
Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng.

Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đứng đắn. Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình thì không xứng đáng là người cách mạng...”(1)

Thật là cụ thể và dễ hiểu. Bác còn viết thêm, Khổng Tử nói “Có lỗi thì chớ sợ sửa đổi”, và Tăng Tử học trò của Khổng Tử thì nói “Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm ba lần”. Còn Mác, Enghen, Lênin thì dạy chúng ta “Tự phê bình là một thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng”.

Và Bác viết: “Làm cách mạng mà không dùng cái vũ khí sắc bén nhất của cách mạng, hoặc chỉ dùng nó một cách qua loa thì cách mạng thế nào? Bác nhấn mạnh nếu không thật thà tự phê bình, chỉ phê bình cho qua chuyện hoặc hình thức thì vô ích.

Tự phê bình phải thế nào?
Bác Hồ chỉ rõ: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên... Tự phê bình phải thật thà, không giấu giếm. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm. Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa và phải kiên quyết sửa chữa. Đó là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”.(2)

*

Trong bài “Phê bình” Bác viết: “Bài trước nói về tự phê bình. Bài này nói về phê bình. Vì chúng ta phải “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc. Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là dùng thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn giúp cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải đểm mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực... và khi nói nên có thái độ đúng mực. Về phần tôi khi đã biết có vết nhọ thì phải rửa sạch...
Ý nghĩa phê bình giản đơn là vậy.

Mục đích phê bình là cốt lợi cho công việc chung.
Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Thí dụ: Vì thiếu quan điểm quần chúng mà trong công tác mắc bệnh mệnh lệnh, quan liêu.

Phê bình là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng tiến bộ.

Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình.
Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai thì phải giải thích. Phê bình đúng thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa. Dìm phê bình và phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ”.

Cuối cùng Bác kết luận: Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người ta luôn luôn cần không khí để sống thì người cách mạng và đoàn thể cách mạng cũng cần phải thường xuyên phê bình và tự phê bình để tiến bộ mãi”(3)

Thực ra, vấn đề phê bình và tự phê bình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ lâu, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” in năm 1927. Trong tác phâỉ này, điều thứ ba trong 23 điều nói về tư cách của người cách mạng là “Cả quyết sửa lỗi mình”.
Trong “Sửa đổi lề lối làm việc” năm 1947, Bác lại nói kỹ hơn ở ngay chương đầu với tên “Phê bình và sửa chữa”:
“Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch võ cả ưu điểm và khuyết điểm. “Bác còn nói, Đảng ta không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, rồi tìm mọi cách để sửa chữa cho tốt, là một Đảng tiến bộ, một Đảng chân chính”.

Nhưng Bác cũng phê phán lối phê bình không phải vì Đảng, vì công việc chung, vì sự tiến bộ của đồng chí mình, mà chỉ công khai công kích cá nhân, dùng những lời mỉa mai, chua cay, hoặc ngược lại nể nang, tránh né, che giấu cho nhau, làm qua loa hình thức, hoặc “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”, “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng” v.v...(4)

Hơn hai tháng trước ngày đi xa, ngày 21-7-1969, trong bức thư gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bác Hồ cũng dặn dò: “Phải thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa... Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn...”.

Bác Hồ không chỉ dạy chúng ta về phê bình và tự phê bình, Bác còn thường xuyên góp ý chân thành phê bình và giúp đỡ những cán bộ, nhân viên ở gần Bác.
Một lần, một cán bộ quân sự cấp cao đến làm việc với Bác. Đồng chí này rất dũng cảm và giỏi về chỉ huy quân sự, nhưng có khuyết điểm là nóng nảy, quân phiệt. Thấy đồng chí đến, Bác mời ngồi, lấy phích nước nóng rót ra cốc, rồi mời:
- Chú uống nước đi!
Đồng chí ấy bưng cốc lên, nhưng lại vội vàng đặt ngay xuống. Thấy thế, Bác lại giục:
- Chú uống nước đi cho đỡ khát!
- Thưa Bác, nước nóng lắm ạ.
Bấy giờ Bác Hồ mới ôn tồn bảo:
- Chú thấy không. Nóng là khó tiếp thu lắm, chú ạ! Xong bác rót một cốc nước lạnh, mời đồng chí ấy. Biết Bác đã nhẹ nhàng phê bình và dạy mình một bài học thấm thía. Từ đáó mỗi lần sắp nổi nóng, đồng chí ấy lại nhớ ngay tới cốc nước nóng của Bác và tính nóng giảm đi rất nhiều!

40 năm rồi Bác đã đi xa, song Người đã để lại cho chúng ta một bản Di chúc lịch sử với muôn vàn tình thương yêu của Người. Trong bản Di chúc này, một lần nữa Bác lại dặn dò chúng ta: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Trong bản Di chúc của mình, Bác đã gạch dưới chữ Tự phê bình và phê bình và nhấn mạnh: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Và nói đến phê bình và tự phê bình là bao giờ Bác cũng nói đến hai từ: thường xuyên và nghiêm chỉnh. Trong “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác còn gọi phê bình và tự phê bình là thang thuốc tốt nhất.

Nói đến phê bình và tự phê bình, chúng ta lại nhớ đến bài thơ “Nghe tiếng giã gạo” của Bác:
“Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công”
Khi xây dựng Tượng đài Bác ở Singapo người ta cũng đã khắc bài thơ ấy của Bác trên đá hoa cương.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây