Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

https://vkshue.gov.vn


Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm qua một số vụ án hôn nhân gia đình bị cấp phúc thẩm sửa, hủy án

Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng và tham gia phiên tòa phúc thẩm, ngày 12/7/2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành thông báo số 896 nêu những vi phạm của cấp sơ thẩm dẫn đến án bị cấp phúc thẩm sửa, hủy để các VKSND cấp huyện rút kinh nghiệm:

1. Vụ án xin ly hôn giữa: Nguyên đơn: Ông Hồ Ngọc T, sinh năm 1965, tạm trú thành phố H; Bị đơn bà Võ Thị Mỹ Đ, sinh năm 1966, trú tại thành phố H.

Do bị đơn Đ kháng cáo bản án Hôn nhân gia đình sơ thẩm số 07/2012/HNGĐ-ST ngày 11/4/2012 của Tòa án nhân dân thành phố H
Nội dung vụ án và kết quả giải quyết của cấp sơ thẩm:
Ông T kết hôn với bà Đ trên cơ sở tự nguyện và hợp pháp vào năm 1991. Vợ chồng chung sống hạnh phúc và có 01 con chung là Hồ Võ Ngọc A, sinh năm 1992. Đến năm 2007 cuộc sống vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn, qua nhiều năm mà không thể hàn gắn được nên đến tháng 8 năm 2011 ông T xin ly hôn tại TAND thành phố H; về con chung đã trưởng thành; về tài sản không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản án số 07/2012/HNGĐ-ST ngày 11/4/2012 của Tòa án nhân dân thành phố H đã áp dụng điều 27, 33 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 89, 91 Luật hôn nhân và gia đình; khoản 8 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Hồ Ngọc T về việc xin ly hôn và Võ Thị Mỹ Đ. Về án phí ông T phải chịu 200.000 đồng. Án tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm bà Đ kháng cáo không chấp nhận bản án sơ thẩm của TAND thành phố H.
Tại bản phúc thẩm số 05/2012/HNGĐ-PT ngày 26/6/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh T đã áp dụng Điều 89, 91 Luật Hôn nhân, gia đình; Khoản 1, Khoản 2 Điều 275; Khoản 1 Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của Bà Đ xin được đoàn tụ do bản án sơ thẩm có sai sót về nội dung nên đã tuyên sửa một phần án sơ thẩm cụ thể:
-Về quan hệ hôn nhân: Ông Hồ Ngọc T được ly hôn với bà Võ Thị Mỹ Đ
- Về tài sản chung: Công nhận sự thỏa thuận của ông Hồ Ngọc T và bà Võ Thị Mỹ Đ là không yêu cầu Tòa giải quyết.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Khi giải quyết vụ án Hôn nhân và gia đình phải giải quyết cả 3 mối quan hệ đó là: Quan hệ tình cảm vợ chồng; Quan hệ về con chung; Quan hệ về tài sản chung. Trong vụ án này về phần tài sản chung của vợ chồng ông T và bà Đ thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tuyên trong phần quyết định của bán án là thiếu sót nên cấp phúc thẩm đã tuyên bổ sung cho đầy đủ, đúng pháp luật.

2. Vụ án xin ly hôn giữa: Nguyên đơn chị Trương Thị Hồng P,sinh năm 1987, trú tại Huyện QĐ, tỉnh T và bị đơn là anh Hồ Văn Q, sinh năm 1988, trú tại thị xã H, tỉnh T

Do bị đơn Hồ Văn Q kháng cáo bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 07/2012/HNGĐ-ST ngày 30/3/2012 của TAND thị xã H.
Nội dung vụ án và kết quả giải quyết của cấp sơ thẩm:
Anh Q kết hôn với chị P trên cơ sở tự nguyện và hợp pháp vào ngày 11/10/2010. Sống hạnh phúc được một thời gian ngắn thì phát sinh nhiều mâu thuẫn, từ tháng 01/2011 hai bên tự chấm dứt quan hệ vợ chồng và đến ngày 4/10/2011 chị P làm đơn xin ly hôn tại TAND thị xã H; hai vợ chồng có một con chung là Hồ Thị Như A sinh ngày 18/4/2011 do anh Q chăm sóc, nuôi dưỡng. Về tài sản không có yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản án số 07/2012/HNGĐ-ST ngày 30/3/2012 của TAND thị xã H đã áp dụng Điều 91, 92 Luật hôn nhân và gia đình xử: Chị P được ly hôn với anh Q. Về con chung giao cho chị P nuôi dưỡng; anh Q phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 300.000 đồng kể từ tháng 3/2012 đến khi con trưởng thành. Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm anh Q kháng cáo không chấp nhận giao con cho chị P nuôi dưỡng, thực tế từ khi sinh con mới 05 tháng tuổi chị P đã bỏ về nhà bố mẹ mình không mang theo con.
Tại bản án phúc thẩm số 04/2012/HNGĐ-PT ngày 26/6/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh T đã áp dụng Khoản 2 Điều 21, Điều 85, Khoản 3 Điều 132, Khoản 3 Điều 275, Khoản 2 Điều 277, Điều 279 Bộ luật tố tụng dân sự hủy án sơ thẩm của TAND thị xã H, chuyển hồ sơ vụ án cho TAND thị xã H giải quyết theo trình tự sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Về thủ tục tố tụng: Theo hồ sơ vụ án đã thể hiện Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh tình trạng hôn nhân bằng biện pháp lấy lời khai của những người có quan hệ gần gũi như cha, mẹ của các đương sự, xác minh tại chính quyền địa phương nơi thường trú của đương sự. Thực chất đây là những biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự do đó vụ án này phải được chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 nhưng Tòa án nhân dân thị xã H đã không thực hiện nên đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T đã đề nghị hủy án sơ thẩm giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thị xã H giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả xử phúc thẩm đã quyết định hủy bản án sơ thẩm nêu trên.
Về nội dung: Theo bản án sơ thẩm thì anh Q kết hôn hợp pháp với chị P ngày 11/10/2010.Cuộc sống vợ chồng chỉ phát sinh trong thời gian rất ngắn đã phát sinh mâu thuẫn. Từ tháng 01/2011 hai bên tự chấm dứt quan hệ vợ chồng; đến ngày 18/4/2011 chị P sinh con chung nhưng sau 5 tháng không nuôi con mà giao cho anh Q; đến ngày 4/10/2011 chị P làm đơn xin ly hôn tại TAND thị xã H. Như vậy vợ chồng chỉ sống với nhau khoảng 3 tháng và từ khi kết hôn đến khi ly hôn chỉ trong thời gian hơn 01 năm, do con còn nhỏ quá nên anh Q đã nhiều lần về nhà bố mẹ chị P với mong muốn hòa giải, đoàn tụ để chị P nuôi con. Trong bản tự khai tại Tòa anh Q cũng đã yêu cầu Tòa án xem xét hòa giải để vợ chồng đoàn tụ vì con còn nhỏ nhưng cấp sơ thẩm không cân nhắc những tình tiết này mà vẫn xử cho ly hôn là không có sức thuyết phục.
Do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên cấp phúc thẩm không xem xét phần nội dung và kháng cáo của anh Q.
Những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ án của Viện kiểm sát cùng cấp không phát hiện được để đề xuất lãnh đạo kháng nghị phúc thẩm là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

* Ngày 26/6/2012 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Thông báo số 19 về việc rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị sửa do có kháng nghị của Viện kiểm sát và kháng cáo của đương sự:

 Vụ tranh chấp hôn nhân gia đình giữa Nguyên đơn chị Đinh Thị M, sinh năm 1967 và Bị đơn anh Nguyễn Quang D, sinh năm 1964, cùng trú tại Huyện ĐH, tỉnh TB; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: anh Phùng Viết T, sinh năm 1978, trú tại phường TP, thành phố TB; chị Nguyễn Thị X, sinh năm 1965, trú tại huyện ĐH, tỉnh TB; ông Nguyễn Hoàng S, sinh năm 1943, trú tại huyện ĐH, tỉnh TB.
Bản án số 04/2012/HNGĐ-ST ngày 28/4/2012 của TAND huyện ĐH quyết định: áp dụng Khoản 1 Điều 202; Khoản 4 Điều 131 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự; Điểm b, Khoản 1, Điều 3; Khoản 1, điểm b, khoản 2, mục I án phí về danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009 về án phí, lệ phí của Tòa án. Căn cứ khoản 1 Điều 85 và các Điều 89, 92, 94; khoản 1, khoản 3 Điều 27; 97, 98 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 tuyên: Xử vắng mặt chị Nguyễn Thị X và anh Phùng Viết T tại phiên tòa.
- Quan hệ hôn nhân: xử cho chị Đinh Thị M và anh Nguyễn Quang D được ly hôn
- Quan hệ cha mẹ và con: Vợ chồng có 03 con chung: Cháu Nguyễn Thị H, sinh năm 1990; cháu Nguyễn Quang T, sinh năm 1992 đã qua 18 tuổi không đặt ra việc giao nuôi con và cấp dưỡng nuôi con. Cháu nào không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, có đơn yêu cầu Tòa án sẽ giải quyết bằng vụ việc khác. Giao con Nguyễn Quang H sinh năm 1999 cho chị M trực tiếp nuôi dưỡng, anh D có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là 415.000 đồng/tháng tính từ tháng 3/2012 cho đến khi H đủ 18 tuổi. Anh D có quyền thăm nom, chăm sóc và giáo dục con chung, chị M không được cản trở.
Ngoài ra bản án còn tuyên về tài sản chung của vợ chồng, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Bản án sơ thẩm có những vi phạm sau
Về quan hệ cha mẹ và con: Vợ chồng có 03 con chung, tại đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm chị M xin nuôi cả 3 con và yêu cầu anh D phải cấp dưỡng nuôi các con. Toà án đã giao con Nguyễn Quang H cho chị M nuôi và buộc anh D phải cấp dưỡng là phù hợp nhưng lại tách yêu cầu nuôi 02 con kia để giải quyết bằng một vụ án khác là không đúng bởi lẽ: Đối với con Nguyễn Thị H: chị M cung cấp cho Tòa án sổ điều trị bệnh tâm thần ngoại trú ngày 28/11/2011, trong sổ đã ghi tình trạng bệnh tật và quá trình điều trị bệnh. Theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân gia đình thì con H thuộc trường hợp được cấp dưỡng. Đối với con Nguyễn Quang T tuy còn đang đi học những đã trên 18 tuổi nên yêu cầu cấp dưỡng cho con T của chị M không được chấp nhận. Lẽ ra tại bản án Tòa phải giao con H cho chị M nuôi và buộc anh D có trách nhiệm cấp dưỡng cho con H và bác yêu cầu nuôi con T của chị M mới đúng nhưng bản án lại lập luận tách yêu cầu nuôi con T và con H để giải quyết bằng một vụ án khác là vi phạm, giải quyết không triệt để yêu cầu của đương sự làm ảnh hưởng dến quyền lợi ích của các đương sự.
Ngày 5/3/2012 VKSND huyện ĐH nhận được bản sơ thẩm trên, phát hiện có vi phạm đã ban hành kháng nghị với nội dung nêu trên, chị M cũng có đơn xin kháng cáo. Ngày 25/5/2012 Tòa án tỉnh TB đã xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát huyện ĐH, sửa một phần quyết định của bản án sơ thẩm, giao còn Nguyễn Thi H, sinh năm 1990 cho chị M nuôi dưỡng, anh D phải cấp dưỡng nuôi con H là 415.000 đồng tính từ tháng 5/2012 trở đi (cấp dưỡng lâu dài).

Nguồn tin: Trang tin điện tử VKSND tối cao

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây