Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIII

Thứ tư - 02/11/2011 19:37
Sáng ngày 25/10/2011, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Báo cáo về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIII. Dưới đây là những nét chính của Báo cáo do Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao giới thiệu tới bạn đọc.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo công tác của ngành Kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIII
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo công tác của ngành Kiểm sát nhân dân tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIII
Trong năm qua, mặc dù tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2010; tội phạm có tổ chức, băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng để hoạt động phạm tội; tình trạng chống người thi hành công vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài xảy ra ngày càng nhiều; tính chất và hậu quả của tội phạm ngày càng nghiêm trọng.
Quán triệt Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về những nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của ngành là: Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; đổi mới công tác điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát; thực hiện tốt quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật; kiện toàn về tổ chức bộ máy, cán bộ Viện kiểm sát các cấp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Tập trung thực hiện các Đề án về cải cách tư pháp, đảm bảo các điều kiện về trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác.
Được sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các cấp, các ngành; sự cố gắng của cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp nên kết quả các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát tiếp tục có những chuyển biến tích cực; cụ thể như sau:
I. VỀ CÔNG TÁC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
1. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động t­ư pháp trong lĩnh vực hình sự
1.1. Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Viện kiểm sát các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra. Qua kiểm sát đã phát hiện, ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm… góp phần đảm bảo việc ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án được kịp thời, có căn cứ và đúng pháp luật; hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, đồng thời tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm. Đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hàng trăm vụ án, bị can; hủy hàng trăm quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án trái pháp luật. Trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra hàng chục vụ án.
1.2. Kiểm sát việc bắt, tạm giữ và tạm giam
Viện kiểm sát các cấp tăng cường trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ được nâng cao; số người bị bắt, tạm giữ hình sự chuyển khởi tố bị can, chuyển tạm giam đạt tỷ lệ trên 96% so với số đã giải quyết. Viện kiểm sát các cấp kiểm sát chặt chẽ, hạn chế việc bắt khẩn cấp; huỷ nhiều quyết định tạm giữ, không phê chuẩn nhiều lệnh bắt tạm giam, lệnh tạm giam thiếu căn cứ, góp phần bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam đúng pháp luật.
Viện kiểm sát các cấp tiếp tục kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam; khắc phục tình trạng giam giữ không đảm bảo về thủ tục, để quá hạn tạm giữ, tạm giam. Đã kiểm sát định kỳ hơn 5.000 lần nhà tạm giữ (tăng 6,4% so với cùng kỳ) và gần 300 lần trại tạm giam; đã phát hiện nhiều vi phạm và ban hành hơn 1.300 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan Công an thực hiện đúng các quy định về chế độ, chính sách đối với người bị giam, giữ; tăng cường công tác quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam. Viện kiểm sát các cấp quan tâm kiểm tra việc thực hiện yêu cầu trong kháng nghị, kiến nghị đã ban hành nhằm nâng cao hiệu lực kháng nghị và đảm bảo tuân thủ pháp luật trong công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam.
1.3. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án hình sự 
Toàn ngành Kiểm sát tiếp tục tăng cường thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra nên mặc dù số lượng công việc tăng hơn cùng kỳ năm 2010 khoảng 10% nhưng tiến độ, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra được bảo đảm và từng bước được nâng cao. Viện kiểm sát các cấp kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng căn cứ pháp luật trong trường hợp tạm đình chỉ và đình chỉ vụ án, đảm bảo việc đình chỉ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đúng quy định pháp luật. Qua kiểm sát đã huỷ nhiều quyết định đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, yêu cầu điều tra không đúng pháp luật.
Chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên quyết định truy tố chuyển Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã có những chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không xảy ra trường hợp truy tố oan sai.
Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, nên hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong kỳ là 6,4% (giảm 0,2% so với cùng kỳ).
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tổ chức, thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự thuộc thẩm quyền;đã tiếp nhận 133 văn bản về tương trợ tư pháp, 42 hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp do các nước chuyển đến; chuyển 18 hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp.
1.4. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự
Toàn ngành Kiểm sát đã chú trọng đề ra các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; tích cực phối hợp với Toà án tổ chức các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà nên trong năm qua công tác này đã đạt kết quả tích cực. Đã thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo các thủ tục hàng chục nghìn vụ án. Qua công tác kiểm sát, đã ban hành gần 1.000 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (tăng 20% so với cùng kỳ), Tòa án đã chấp nhận 59,5% số kháng nghị. Viện kiểm sát các cấp chú trọng công tác kiểm sát các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án; tập trung kiểm sát các vụ việc có đơn khiếu nại oan, sai, đơn do các cơ quan của Đảng, Quốc hội chuyển đến và những vụ việc có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Đã ban hành gần 100 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa án đã xét xử chấp nhận 83,7% kháng nghị (tăng 1,4% so với cùng kỳ).
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật bảo đảm quyền của người bào chữa được tôn trọng thực hiện khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự. Nhìn chung, người bào chữa tham gia bào chữa tuân thủ đúng pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp, luật sư có thái độ ứng xử thiếu chuyên nghiệp tại phiên tòa, vi phạm tố tụng, thiếu hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ gây khó khăn, kéo dài việc giải quyết vụ án hình sự.
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát các cấp luôn chú trọng phát hiện, tổng hợp những vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử để ban hành kiến nghị, đồng thời thông báo rút kinh nghiệm. Đã ban hành 386 kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử; ban hành 44 thông báo rút kinh nghiệm giúp cho Viện kiểm sát các cấp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, sai sót về nhận thức pháp luật, về đường lối xử lý. Chú trọng tổng hợp những vi phạm, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, ban hành 47 kiến nghị các cơ quan hữu quan tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Toàn ngành Kiểm sát đã triển khai, thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc bồi thường cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang chủ trì phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện thống nhất Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố và xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp, dư luận quan tâm, đặc biệt là những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án tham nhũng. Viện kiểm sát các cấp phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng xác định hơn 2.000 vụ án trọng điểm; phối hợp tổ chức hơn 6.000 phiên tòa xét xử lưu động (tăng 27,6%) để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân và hơn 1.000 phiên tòa để tổ chức rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng tranh tụng cho đội ngũ Kiểm sát viên, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
1.5. Hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương tiếp tục kiện toàn về tổ chức; xây dựng Quy chế công tác và đề ra nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền. Số lượng án khởi tố trong kỳ tăng 270% so với cùng kỳ). Chất lượng công tác xác minh, khởi tố điều tra các vụ án được nâng lên, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; đã khởi tố điều tra nhiều vụ phức tạp, nghiêm trọng, dư luận quan tâm, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp, được dư luận xã hội đồng tình.
Chú trọng phát hiện, tổng hợp những vi phạm, sơ hở trong hoạt động tư pháp và ban hành nhiều kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương yêu cầu khắc phục những thiếu sót, xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm góp phần chấn chỉnh việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp.
            2. Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính
Thực hiện chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát các cấp khẩn trương rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý; tập trung tổng hợp, nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc, tích cực thông báo rút kinh nghiệm trong kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính; đề ra nhiều biện pháp, như: xây dựng các chỉ tiêu kiểm sát, lập phiếu kiểm sát… nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên và vai trò, hiệu quả của Viện kiểm sát trong kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án. Tổ chức tập huấn toàn Ngành thực hiện Luật tố tụng hành chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Tích cực phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện công tác trong lĩnh vực này.
Viện kiểm sát các cấp tăng cường kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự. Qua kiểm sát, đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, về thẩm quyền giải quyết, việc xác minh, thu thập chứng cứ, việc áp dụng căn cứ pháp luật, những vi phạm trong việc tính án phí, định giá tài sản tranh chấp... Đã ban hành hơn 1.000 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (tăng 34,6%), Tòa án đã xét xử, chấp nhận 82,3% số kháng nghị. Tòa án xét xử, chấp nhận 92,2% số kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của Viện kiểm sát (tăng 6,7%); qua đó đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ án có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm bức xúc, kéo dài. Viện kiểm sát các cấp đã phát hiện ban hành 1.094 kiến nghị yêu cầu Toà án các cấp khắc phục tình trạng gửi thông báo thụ lý không đầy đủ, vi phạm về thời hạn gửi bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự cho Viện kiểm sát.
Chất lượng công tác kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được nâng cao. Viện kiểm sát các cấp quan tâm tổng hợp, kiến nghị yêu cầu Toà án các cấp khắc phục vi phạm trong giải quyết vụ án hành chính; chú trọng phát hiện những vi phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước để kiến nghị cơ quan hữu quan tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính. 
3. Công tác kiểm sát thi hành án
Kiểm sát thi hành án hình sự: Toàn Ngành đã quán triệt triển khai, thực hiện nghiêm túc Luật thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành chuyển giao công tác kiểm sát trại giam do Bộ Công an quản lý cho Viện kiểm sát cấp tỉnh, đồng thời chú trọng hướng dẫn quy trình, kỹ năng kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật tại các trại giam; bước đầu, hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực. Tập trung kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án, việc đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án; việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; đã ban hành hơn 200 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm về việc chấp hành chế độ, tiêu chuẩn đối với phạm nhân, công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, về áp dụng căn cứ ra quyết định hoãn thi hành án; yêu cầu cơ quan Công an áp giải những người bị kết án không tự nguyện thi hành và truy nã đối với những trường hợp trốn thi hành án, góp phần đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án hình sự. Đã phối hợp với cơ quan hữu quan rà soát, đã xác định những người bị kết án có mức án dưới 05 năm tù, nhưng trốn chưa thi hành án từ 31/12/1996 trở về trước và đề xuất biện pháp giải quyết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Ngành Kiểm sát đã tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quản lý, giáo dục ng­ười chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại hơn 1.000 Uỷ ban nhân dân các xã, phường; phát hiện và ban hành hơn 600 kiến nghị yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện, xã chỉ đạo, khắc phục một số vi phạm, qua đó góp phần chấn chỉnh công tác quản lý, giáo dục người bị kết án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương.
Viện kiểm sát tích cực tham gia kiểm sát việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân, thẩm định hồ sơ xét đặc xá đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện, hạn chế sai sót, vi phạm. Thực hiện quyết định số 1123/QĐ-CTN ngày 19/7/2011 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2011, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tích tham gia các Đoàn thẩm định liên ngành thẩm tra hồ sơ đặc xá tại các địa phương, không đề nghị đặc xá nhiều trường hợp chưa đủ điều kiện.
Kiểm sát thi hành án dân sự: Ngành Kiểm sát tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự, tập trung kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án; việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án; việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án và việc xét miễn giảm thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, nắm chắc số việc có điều kiện thi hành để yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có biện pháp tổ chức thi hành hiệu quả. Qua hoạt động kiểm sát đã yêu cầu Tòa án chuyển hàng trăm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đến cơ quan thi hành án dân sự, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án hơn 100 việc; đã phát hiện hơn 800 quyết định thi hành án, quyết định hoãn thi hành án, quyết định đình chỉ thi hành án... có vi phạm, ban hành hơn 400 kiến nghị, kháng nghị và yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự khắc phục. Qua công tác kiểm sát đã yêu cầu khởi tố hình sự đối với 06 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Viện kiểm sát các cấp quan tâm và tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan giải quyết dứt điểm nhiều việc thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài nhiều năm.
Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát trực tiếp tại hơn 600 cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức khác liên quan đến công tác thi hành án, ban hành gần 400 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu Cơ quan thi hành án và cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục vi phạm khi áp dụng căn cứ pháp luật ra các quyết định về thi hành án; việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án không kịp thời, triệt để; vi phạm quy định về kê biên, định giá tài sản…
          II. CÔNG TÁC XÂY DỰNG NGÀNH
1. Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp
Thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2011 nhằm nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo đúng lộ trình Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động cụ thể để toàn Ngành thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung nghiên cứu, xây dựng các Đề án “Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam”; “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách tư pháp”; triển khai, nghiên cứu đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị", đề án “Viện kiểm sát trong cơ chế kiểm soát quyền lực tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Các đề án do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì xây dựng đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, quán triệt các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung triển khai và chỉ đạo Viện kiểm sát địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, đề xuất việc thành lập Viện kiểm sát khu vực theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị. Đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang tổng hợp kết quả khảo sát, đề xuất thành lập Viện kiểm sát khu vực trong toàn Ngành.
2. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị “Cán bộ ngành Kiểm sát năm 2011” nhằm quán triệt đến đội ngũ lãnh đạo chủ chốt trong Ngành những chủ trương của Đảng và quy định mới của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong giai đoạn mới; khẩn trương ban hành các Chỉ thị về việc tổ chức triển khai thực hiện Luật thi hành án hình sự, Luật tố tụng hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân và tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn thực hiện. Hoàn thiện quy chế, quy định trong các lĩnh vực công tác của Ngành theo hướng nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm nghiên cứu chuyên đề nghiệp vụ; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; hướng dẫn, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vướng mắc của Viện kiểm sát địa phương trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng các Quy chế phối hợp nhằm tăng cường phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nhau giải quyết tốt nhiệm vụ.
3. Công tác chấp hành hoạt động giám sát
Ngành Kiểm sát nhân dân chấp hành nghiêm túc việc báo cáo phục vụ hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân về thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; khẩn trương giải quyết các vụ án trọng điểm theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong thời gian tới. Báo cáo Ban dân nguyện của Quốc hội và trả lời đầy đủ các kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội và cử tri.
4. Công tác tổ chức cán bộ
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập tổ chức cấp phòng tại các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Tiếp tục kiện toàn lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; khẩn trương triển khai, hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp thực hiện Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung). Công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ đảm bảo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành; cán bộ được bổ nhiệm đều đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, thuộc diện quy hoạch, sau khi bổ nhiệm đã phát huy được khả năng, trách nhiệm. 
Toàn Ngành đã tập trung chỉ đạo để tuyển đủ số biên chế hao hụt tự nhiên và số biên chế được giao bổ sung theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, chủ quan nên đến nay tổng số biên chế toàn Ngành vẫn chưa đủ biên chế được giao. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo việc tuyển đủ số biên chế thiếu hụt, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của Ngành. Số cán bộ mới được tuyển dụng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước, của Ngành, được bổ sung chủ yếu cho Viện kiểm sát cấp huyện, các đơn vị kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính và thi hành án.
Công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý được ngành Kiểm sát quan tâm thực hiện; chú trọng công tác quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển lãnh đạo cấp phòng và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp tỉnh giữ chức lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện phục vụ việc tăng thẩm quyền. Phần lớn cán bộ sau khi được luân chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, từng bước trưởng thành.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 05/01/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác kiểm sát phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, Hội đồng bầu cử ở địa phương tạo các điều kiện thuận lợi cho những cán bộ trong Ngành có đủ tiêu chuẩn để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Ngành đã sớm xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015; khẩn trương xây dựng Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân; xây dựng Chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, đồng thời triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án chuyển Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thành Học viện Kiểm sát để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tuyển dụng và chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát hiện nay, cũng như trong giai đoạn mới của tiến trình cải cách tư pháp.
Toàn ngành Kiểm sát quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; gắn công tác bồi dưỡng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn Ngành.
5. Công tác thanh tra, kiểm tra
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm với việc tự kiểm tra của từng cấp kiểm sát, từng đơn vị nghiệp vụ trong Ngành; tập trung kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, khiếu nại, tố cáo; đình chỉ, tạm định chỉ vụ án hình sự; việc thực hiện Quy chế dân chủ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Qua đó, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật, quy chế của Ngành và giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan. Các trường hợp cán bộ của Ngành vi phạm đều được xác minh kịp thời và xử lý nghiêm minh.
6. Công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng, tuyên truyền pháp luật
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức triển khai nghiên cứu nhiều đề tài khoa học để làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.
 Tiếp tục chủ trì, tham gia cùng các cơ quan hữu quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội và các Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật thi hành án hình sự, Thông tư liên tịch hướng dẫn công tác tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm …
Các cơ quan báo chí của Ngành và Viện kiểm sát nhân dân các cấp tập trung tuyên truyền các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; về hoạt động bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; phổ biến kịp thời quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, đưa tin về hoạt động của Ngành, quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác kiểm sát.
7. Tăng cường hợp tác quốc tế
          Ngành Kiểm sát tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia; tổ chức thực hiện các Hiệp định về tương trợ tư pháp về hình sự, nâng cao hiệu quả hợp tác tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và các nước; tiếp tục công tác chuẩn bị cho việc đàm phán ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự một số nước; rà soát để sửa đổi, bổ sung một số Hiệp định đã ban hành để phù hợp với những quy định của pháp luật hiện nay; phối hợp với Bộ Công an xây dựng Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự. Tham dự, tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các đề án, dự án quốc tế góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.
          8. Công tác tài chính và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
Toàn Ngành đã hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2011. Hoàn thành xây dựng, bảo vệ dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; tiến hành thảo luận dự toán phân bổ ngân sách năm 2012 với các Viện kiểm sát địa phương; xây dựng định mức chi thường xuyên để áp dụng thống nhất trong toàn Ngành. Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm túc kế hoạch sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định của Chính phủ. Thời gian qua, ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Kiểm sát để thực hiện đầu tư thấp so với dự toán nên các dự án không đảm bảo tiến độ. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động đối với ngành Kiểm sát chưa đáp ứng được với nhu cầu về biên chế, công việc hiện nay.     
Năm 2011, ngành Kiểm sát đã triển khai nhiều biện pháp để phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đã tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp, các quy định mới của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Mặc dù khối lượng công việc của Ngành tăng khoảng 10% so với năm 2010 nhưng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tiếp tục có chuyển biến tốt. Chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát ở các lĩnh vực được nâng cao. Công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương được tăng cường, các cấp kiểm sát đã xây dựng quy định phối hợp liên ngành trong nhiều lĩnh vực, tăng cường trao đổi, tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận nhân dân quan tâm. Công tác xây dựng Ngành có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Viện kiểm sát các cấp vẫn còn những tồn tại, hạn chế là:
Một số Viện kiểm sát địa phương chưa chủ động thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại một số nơi chưa cao. Chất lượng tranh tụng ở một số phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng, chất lượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm chưa chuyển biến tích cực.
          Công tác giải quyết các đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định về dân sự tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của công dân. Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được đẩy mạnh nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Nguyên nhân những tồn tại, hạn chế trên chủ yếu là do một số lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên còn hạn chế nhưng chưa cố gắng học tập vươn lên; sự phối hợp công tác giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Do một số văn bản pháp luật mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nên khối lượng công việc tăng, trong khi đó nhiều Viện kiểm sát chưa tuyển đủ biên chế được giao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đó có Viện kiểm sát nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu làm hạn chế chất lượng, hiệu quả công tác.
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH KIỂM SÁT TỪ NAY ĐẾN HẾT NĂM 2012 VÀ ĐẾN HẾT NĂM 2015
1. Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát từ nay đến hết năm 2012
Tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả chủ trương của Đảng về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa” góp phần làm giảm số người bị bắt, tạm giữ theo tố tụng hình sự sau phải trả tự do, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, số bản án bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại; số bị can phải đình chỉ điều tra do không phạm tội hoặc Toà án tuyên bị cáo không phạm tội. Nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị án hình sự.
Triển khai, thực hiện hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và thi hành án hình sự theo quy định của các Luật mới ban hành; bảo đảm đủ Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa dân sự, hành chính theo quy định. Tiếp tục nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị; kiểm sát chặt chẽ việc thi hành các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết triệt để các khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Tổ chức thực hiện tốt việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992. Tăng cường phối hợp với các ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng Hành chính, Luật thi hành án dân sự, Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật khác về lĩnh vực tư pháp để tháo gỡ những vướng mắc, áp dụng thống nhất pháp luật.
Tuyển dụng đủ số biên chế thiếu hụt; rà soát và xác định cơ cấu, bố trí cán bộ hợp lý ở Viện kiểm sát các cấp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới theo quy định của Luật thi hành án hình sự, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung)... Thực hiện tốt Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính cho cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác này. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh.
Xây dựng, thực hiện các Đề án về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, hoàn thiện các quy định pháp luật để thực hiện tốt hơn các yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; triển khai có hiệu quả các dự án quốc tế để tăng cường năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, đào tạo cán bộ Ngành.
2. Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát từ nay đến hết năm 2015
Tiếp tục triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị. Đổi mới hoạt động để thực hiện có chất lượng, hiệu quả chủ trương của Đảng về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”.
Tham gia xây dựng pháp luật theo Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Tham gia góp ý xây dựng Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung), nhất là những vấn đề liên quan đến ngành Kiểm sát nhân dân. Nghiên cứu, xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi, bổ sung), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung).
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ của ngành Kiểm sát trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước các vấn đề về chính sách, chế độ đối với cán bộ ngành Kiểm sát; xây dựng các Đề án về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát các cấp trong giai đoạn tới.
IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Qua kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị với Quốc hội một số vấn đề sau:
Đề nghị Quốc hội chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII quan tâm xây dựng đồng bộ các đạo luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng, như Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự...
Xuất phát từ tình hình tội phạm có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp, sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ theo quy định của các văn bản pháp luật mới ban hành. Đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng thêm biên chế và cho ngành Kiểm sát đảm nhiệm việc đào tạo trình độ cử nhân, đào tạo nghề Kiểm sát viên, đào tạo có địa chỉ, nhất là cho vùng sâu, vùng xa, tăng ngân sách cho công công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu về biên chế, chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng b­ước nâng cao chất l­ượng hoạt động của Ngành, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.   
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng ngân sách đầu tư­ xây dựng cơ bản, trang thiết bị, ph­ương tiện phục vụ công tác nghiệp vụ đảm bảo điều kiện để ngành Kiểm sát thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ; có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ của các cơ quan tư­ pháp, tạo điều kiện cho cán bộ tư pháp yên tâm công tác, đề cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao; góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Qua công tác kiểm sát các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổ chức đánh giá về cơ cấu, tổ chức, hoạt động và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý về tài chính, ngân hàng, sử dụng vốn, tài sản của Nhà n­ước.

Nguồn tin: Website Viện KSND Tối cao

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây