Một số nội dung cần nghiên cứu để triển khai thực hiện Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị

Thứ sáu - 15/07/2011 17:22
Phát biểu của Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai - Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao về "Một số nội dung cần nghiên cứu để triển khai thực hiện Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều Pháp lệnh kiểm sát viện Viện kiểm sát nhân dân năm 2002".
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai - Phó Viện trưởng Thường trực, VKSNDTC
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai - Phó Viện trưởng Thường trực, VKSNDTC

1. Về hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Kết luận 79-KL/TW)

Tổ chức và hoạt động của cơ quan Công tố trong bộ máy Nhà nước ta lần đầu tiên được qui định tại Sắc lệnh số 33C, ngày 13/9/1945 của Chính phủ qui định về việc thành lập Tòa án quân sự, trong đó cơ quan Công tố được tổ chức trong hệ thống Tòa án. Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg, quy định về tổ chức và nhiệm vụ của Viện công tố, theo đó Viện công tố được tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, VKSND được tổ chức thành 3 cấp gồm VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện (và các Viện kiểm sát quân sự). Từ đó đến nay, qua các lần sửa đổi Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của VKSND có những sửa đổi, bổ sung nhất định, nhưng hệ thống tổ chức VKSND vẫn thực hiện 3 cấp kiểm sát gắn với cấp hành chính.

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra yêu cầu: Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp. Tổ chức hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Toà án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Toà phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Toà thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án…

Ngày 28/7/2010, Bộ chính trị đã có Kết luận số 79-KL/TW xác định rõ các quan điểm, phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra; có một số điều chỉnh rõ hơn về tên gọi các Toà án và chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi xét xử như: Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Toà án (như Toà án nhân dân cấp huyện hiện nay) và từng bước mở rộng thẩm quyền xét xử các khiếu kiện hành chính. Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thành lập ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Không còn Uỷ ban thẩm phán ở Toà án cấp tỉnh. Toà án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp tỉnh có kháng cáo, kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của toà án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật nhưng có kháng nghị. Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, được tổ chức tinh gọn, với số lượng thẩm phán từ 13 - 17 người.

Đối với VKSND, Kết luận 79-KL/TW khẳng định “Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay. Tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân thành bốn cấp, phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án nhân dân. Giữ cụm từ “nhân dân” trong tên gọi các Viện kiểm sát. Cụ thể là: Viện kiểm sát nhân dân khu vực (số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực); Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Toà án nhân dân cấp cao); Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Như vậy, theo Kết luận 79-KL/TW hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân sẽ có sự đổi mới căn bản, đó là tổ chức theo bốn cấp, trong đó có hai cấp không theo cấp hành chính là VKSND khu vực và VKSND cấp cao.

Thực hiện chủ trương trên, VKSND tối cao đang triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo Kết luận 79-KL/TW”.

1.1 Đối với Viện kiểm sát nhân dân khu vực

Việc nghiên cứu thành lập VKSND khu vực là nội dung lớn và phức tạp vì đây là cấp trực tiếp giải quyết số lượng chủ yếu các vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của VKSND (chiếm khoảng 90% số lượng vụ, việc). Khi thành lập VKSND khu vực, việc giải quyết án các loại theo thẩm quyền sẽ phải được thực hiện triệt để hơn để đảm bảo mục đích cấp khu vực giải quyết theothủ tục sơ thẩm hầu hết các loại vụ, việc (lâu nay tuy đã tăng thẩm quyền cho cấp huyện nhưng cấp tỉnh vẫn trực tiếp giải quyết án cấp huyện).

Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực cần nghiên cứu các nội dung:

a. Xác định các tiêu chí và phương án thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

Để xác định số lượng Viện kiểm sát nhân dân khu vực và địa hạt tư pháp của từng khu vực (bắt buộc tương ứng với số lượng Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực) cần kết hợp các tiêu chí: Khối lượng công việc (chủ yếu dựa trên số lượng án các loại) thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát khu vực; các đặc điểm về địa lý, chính trị, xã hội như: Qui mô địa giới hành chính (diện tích), điều kiện về cơ sở hạ tầng giao thông; dân số; trình độ phát triển kinh tế, xã hội; các yếu tố về an ninh quốc phòng, các đặc điểm về dân tộc, tôn giáo và dự báo các yếu tố có ảnh hưởng đến sự biến động về số lượng án hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh tế, thương mại…; các điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất (trụ sở, phương tiện) và số lượng, chất lượng cán bộ… Vấn đề cần lưu ý là: Viện kiểm sát nhân dân khu vực cùng với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử của Toà án, còn thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra trong điều kiện Cơ quan điều tra vẫn tổ chức theo đơn vị cấp huyện; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam; kiểm sát thi hành án; kiểm sát giải quyết đơn… Quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân khu vực với với Cơ quan điều tra cấp huyện là hoạt động thường xuyên, phối hợp xử lý nhiều tình huống đột xuất như tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; kiểm sát xử lý tin báo, tố giác tội phạm; kiểm sát các hoạt động điều tra, kiểm sát nhà tạm giữ… Đối với các tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là những nơi khó khăn về giao thông, cần được cân nhắc kỹ khi nghiên cứu thành lập VKSND khu vực. Đặc biệt, việc thành lập VKSND khu vực phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi liên hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, việc sát nhập một số đơn vị VKSND cấp huyện vào một khu vực không thể thực hiện một lần mà thực hiện ở những nơi có điều kiện thuận lợi; đối với những nơi chưa đủ điều kiện thì trước mắt giữ nguyên tổ chức như hiện nay (thay đổi tên gọi VKSND cấp huyện thành VKSND), khi chuẩn bị đủ điều kiện sẽ thành lập VKSND khu vực với qui mô lớn hơn trên cơ sở sát nhập 2 hoặc 3 VKSND cấp huyện hiện nay.

b. Về cơ cấu tổ chức bộ máy

Phần lớn VKSND khu vực sẽ được tổ chức trên cơ sở một số Viện kiểm sát cấp huyện nên khối lượng công việc và con người thực hiện công việc sẽ tăng lên, nếu áp dụng cơ cấu tổ chức như một đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay là không phù hợp. Việc tổ chức công việc của VKSND khu vực cũng cần theo hướng chuyên môn hoá. Mô hình tổ chức bộ máy của VKSND khu vực có thể có các đơn vị nghiệp vụ cấp phòng và Văn phòng (thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp; hành chính, quản trị). Tuy nhiên, tuỳ theo khối lượng công việc của từng Viện kiểm sát khu vực, số lượng các phòng có thể nhiều hoặc ít.

c. Về công tác cán bộ

Biên chế cán bộ của VKSND khu vực chủ yếu là đội ngũ cán bộ của Viện kiểm sát cấp huyện, đồng thời cần tăng thêm biên chế, có sự điều chỉnh hợp lý giữa các đơn vị, nơi có điều kiện cần tăng cường số lượng và chất lượng Kiểm sát viên trung cấp cho VKSND khu vực.

Đối với các VKSND khu vực được hợp nhất từ một số Viện kiểm sát cấp huyện sẽ đặt ra vấn đề bố trí cán bộ lãnh đạo. VKSND khu vực chỉ cơ cấu một đồng chí là Viện trưởng và một số Phó Viện trưởng (không bố trí hết được số cán bộ lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay giữ chức vụ lãnh đạo). Vì vậy, ở những nơi VKSND khu vực được sát nhập từ một số Viện kiểm sát cấp huyện phải thực hiện tốt việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo quản lý đáp ứng yêu cầu, trong trường hợp cần thiết có thể lựa chọn các đồng chí KSV trung cấp là trưởng các phòng nghiệp vụ ở Viện kiểm sát cấp tỉnh trực tiếp làm Viện trưởng VKSND khu vực. Ngoài ra, khi thành lập VKSND khu vực tất yếu sẽ có sự bố trí, sắp xếp lại đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức. Trong công tác tổ chức cán bộ thì đây là vấn đề nhạy cảm, tác động đến tâm lý của cán bộ, và cũng là một khó khăn cần có cách giải quyết tốt.

Viện kiểm sát các địa phương cần rà soát toàn diện về đội ngũ cán bộ hiện có, dự kiến việc bố trí cán bộ cũng như nhu cầu cán bộ khi thực hiện mô hình tổ chức mới. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tích cực tuyển dụng đủ số lượng cán bộ theo chỉ tiêu biên chế được giao hàng năm để chủ động nguồn cán bộ khi thành lập VKSND khu vực.

d. Về cơ sở vật chất:

Đối với những VKSND khu vực được thành lập trên cơ sở từ hai VKSND cấp huyện trở lên, trước mắt sử dụng nhà làm việc của VKSND cấp huyện nơi đóng trụ sở của VKSND khu vực. Việc xây mới trụ sở đặt ra đối với những nơi thực sự có nhu cầu. Đối với những VKSND khu vực được thành lập trên cơ sở một VKSND cấp huyện trước mắt sử dụng trụ sở Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay, tiếp tục nghiên cứu đề xuất việc xây mới hoặc cải tạo nâng cấp để đáp ứng nhu cầu. Khi VKSND khu vực được thành lập, nhu cầu về nhà công vụ sẽ tăng lên vì sẽ có nhiều người phải công tác xa gia đình. Vì vậy cần giữ lại trụ sở làm việc của VKSND cấp huyện nơi không đặt trụ sở của VKSND khu vực để bố trí làm nhà công vụ. Cần đề xuất với Đảng và Nhà nước trang bị phương tiện ô tô và các trang thiết bị khác cho các VKSND khu vực để đáp ứng yêu cầu mới.

e. Việc thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Viện kiểm sát nhân dân và hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong VKSND khu vực.

Theo Kết luận số 79-KL/TW về tổ chức Đảng sẽ tổ chức Đảng bộ tại Viện kiểm sát cấp tỉnh bao gồm tổ chức đảng của VKSND khu vực trên cùng địa bàn một tỉnh, trực thuộc Đảng bộ cấp tỉnh. Vấn đề đặt ra là để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp thì VKSND khu vực chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ Viện kiểm sát cấp tỉnh, còn Cơ quan điều tra cấp huyện chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp (vì theo Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ chính trị thì Cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên như hiện nay). Để giải quyết vấn đề này, cần đề xuất Trung ương Đảng có qui định về sự lãnh đạo của đảng theo hướng: VKSND khu vực chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ Viện kiểm sát cấp tỉnh, còn Cơ quan điều tra và cơ quan Thi hành án cấp huyện chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp, trường hợp quan điểm chỉ đạo khác nhau thì Đảng bộ VKSND cấp tỉnh báo cáo cấp uỷ cấp tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.

Hiện nay tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi hội luật gia… của Viện kiểm sát cấp huyện được tổ chức trực thuộc các đoàn thể cấp huyện. Khi thành lập VKSND khu vực, tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi hội luật gia, Chi hội Phụ nữ… cần được tổ chức theo ngành, trực thuộc tổ chức đoàn thể của Viện kiểm sát cấp tỉnh (tương tự như việc tổ chức Đảng). Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần đề xuất tổng thể để các tổ chức đoàn thể liên quan (cấp Trung ương) xem xét, quyết định.

g. Về xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thành lập VKSND khu vực

Qua nghiên cứu cho thấy việc thành lập VKSND khu vực không có vướng mắc lớn theo qui định của Hiến pháp hiện hành, ngoại trừ tại Điều 140 quy định Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đối với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 1992 (sửa đổi năm 2002), để thành lập VKSND khu vực cần sửa đổi Điều 9 (quy định Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân); Điều 30 (qui định trong Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân có các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); Điều 36 (qui định về cơ cấu của Viện kiểm sát nhân dân có các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh). Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân khu vực như thế nào cũng phải được nghiên cứu đề xuất qui định cụ thể mới triển khai được.

Về thẩm quyền giải quyết án hình sự, dân sự và các việc khác của TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực, tuy Kết luận 79/KL-TW đã nêu rõ sẽ như thẩm quyền của Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nhưng cũng phải được luật hoá, vì đây là các hoạt động tố tụng, đòi hỏi tính pháp lý cao. Việc thành lập VKSND khu vực là một chủ trương lớn, có nhiều nội dung cần được triển khai thực hiện, vừa đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, vừa phúc đáp được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tham gia hoạt động tố tụng. Vì vậy quá trình triển khai cần được nghiên cứu thận trọng, xác định lộ trình phù hợp và có biện pháp thực hiện thật sự khoa học. Các VKSND địa phương cần có sự phối hợp với TAND tiến hành khảo sát, đánh giá đúng tình hình, đề xuất mô hình tổ chức phù hợp với thực tế của địa phương. Từ đó báo cáo Cấp ủy đảng và Hội đồng nhân dân để có sự chỉ đạo thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

1.2 Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

Kết luận số 79-KL/TW xác định: “Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc địa hạt của tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm. Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh có một Toà án nhân dân cấp tỉnh như hiện nay, nhưng không còn Uỷ ban Thẩm phán”. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức tương ứng với Toà án nhân dân cấp tỉnh.

Như vây, khi triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ không thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nữa. Hiện nay nhiệm vụ nói trên do phòng THQCT & KSXX phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đảm nhận nên khi thực hiện Kết luận số 79-KL/TW sẽ thu hẹp nhiệm vụ của phòng nghiệp vụ này. Đồng thời, khi VKSND và TAND cấp khu vực thực hiện đầy đủ thẩm quyền giải quyết án sơ thẩm theo qui định của BLTTHS (khắc phục được việc cấp tỉnh giải quyết nhiều án cấp huyện như hiện nay) thì số lượng án cấp tỉnh sẽ giảm nhiều. VKSND cấp tỉnh cần phối hợp với Cơ quan điều tra cấp tỉnh để phân loại chuyển án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND sơ thẩm khu vực cho Cơ quan điều tra cấp dưới điều tra ngay từ giai đoạn khởi tố. Ngoài ra, để phù hợp với nhiệm vụ được giao theo BLTTDS (sửa đổi), Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành án hình sự, dân sự, cần kiện toàn các đơn vị cấp phòng để thực hiện tốt các nhiệm vụ nói trên.

Khi thành lập VKSND khu vực cần nghiên cứu điều chuyển cán bộ có năng lực từ VKS cấp tỉnh cho các VKS khu vực trọng điểm, phức tạp; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên gia, chuyên sâu để có thể huy động hỗ trợ cho Viện kiểm sát cấp khu vực khi cần thiết. VKSND cấp tỉnh cần chuyển hướng, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo Viện kiểm sát cấp khu vực để đảm bảo hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành đạt chất lượng, hiệu quả tốt nhất.

Một số vấn đề khác đặt ra đối với VKSND cấp tỉnh khi thực hiện Kết luận số 79-KL/TW là: Tổ chức đảng bộ VKSND cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của VKSND khu vực) chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh đòi hỏi bộ máy làm công tác Đảng phải được tổ chức phù hợp và cần có cán bộ chuyên trách công tác Đảng. Xác định rõ cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với VKSND khu vực thông qua báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh; nghiên cứu đề xuất thành lập các tổ chức đoàn thể của VKSND cấp tỉnh bao gồm đoàn thể của VKSND khu vực và đối với một số đoàn thể có thể bố trí cán bộ chuyên trách, nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn.

1.3 Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

Kết luận số 79-KL/TW xác định: Toà án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh có kháng cáo, kháng nghị và giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật nhưng lại kháng nghị. Trước mắt thành lập Toà án nhân dân cấp cao tại ba khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh… Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Toà án nhân dân cấp cao.

Trên tinh thần đó, VKSND cấp cao trước mắt sẽ được tổ chức trên cơ sở bộ máy và cán bộ của các đơn vị Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm I tại Hà Nội, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm II tại Đà Nẵng và Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm III tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những vấn đề đặt ra về tổ chức bộ máy và cán bộ của VKSND cấp cao là:

- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là một cấp thực hiện thẩm quyền tố tụng chứ không phải là một cấp hành chính. Về khối lượng công việc, toàn bộ án giám đốc thẩm, tái thẩm do VKS cấp tỉnh thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết như hiện nay tới đây sẽ do Viện kiểm sát cấp cao đảm nhận. VKSND cấp cao còn thực hiện nhiệm vụ THQCT&KSXX giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, Quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật cả án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị; và bản án, Quyết định phúc thẩm (có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm).

- Quan hệ công tác: Trong quan hệ với VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp khu vực thì VKSND cấp cao là đơn vị có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (các bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh có kháng cáo, kháng nghị) và thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND các địa phương. Về chuyên môn, nghiệp vụ, các VKSND cấp cao có thể tổ chức rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với VKS cấp tỉnh, cấp khu vực. Còn đối với các khâu công tác nghiệp vụ và quản lý nhà nước khác VKSND địa phương không có quan hệ trực thuộc với VKSND cấp cao mà trực thuộc VKSND tối cao. VKSND cấp cao chịu sự lãnh đạo toàn diện, tập trung thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn của các đơn vị thuộc VKSND tối cao (với tư cách là các đơn vị giúp việc cho Lãnh đạo VKSND tối cao) về các lĩnh vực có liên quan (như nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, công tác tổ chức cán bộ…).

- Mô hình tổ chức bộ máy của VKSND cấp cao có thể kế thừa những yếu tố hợp lý về tổ chức của các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hiện nay như một phần cơ bản của các VKSND cấp cao. Tuy nhiên, do các VKSND cấp cao là một cấp trong hệ thống tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân nên đặt ra yêu cầu phải nhiên cứu cơ cấu bộ máy của cấp này như: Trong VKSND cấp cao cần có Uỷ ban Kiểm sát để quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền VKSND cấp cao; các đơn vị nghiệp vụ của VKSND cấp cao có thể là những đơn vị cấp phòng như hiện nay nhưng do thẩm quyền được mở rộng (tăng án giám đốc thẩm, tái thẩm do Viện kiểm sát cấp tỉnh hiện nay thụ lý) và với việc mở rộng thẩm quyền của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo các văn bản pháp luật mới được Quốc hội ban hành nên cần kiện toàn hợp lý hơn theo hướng tổ chức các đơn vị nghiệp vụ chuyên trách. Ngoài ra, tại VKSND cấp cao cần có Phòng Hành chính - Tổng hợp để đảm trách công tác văn phòng và hành chính.

- Theo thẩm quyền tố tụng cần tăng số lượng Kiểm sát viên, tiếp tục nghiên cứu đề xuất bổ sung ngạch KSV cao cấp (có 4 ngạch Kiểm sát viên: KSV VKSND tối cao, KSV cao cấp, KSV trung cấp và KSV sơ cấp), tại VKSND cấp cao chủ yếu bố trí ngạch Kiểm sát viên cao cấp, bổ sung thêm một số biên chế như: Cán bộ chuyên trách về tổ chức cán bộ, thi đua; kế toán, thủ quĩ, lái xe…
- Về tổ chức Đảng: theo Kết luận số 79-KL/TW sẽ thành lập Đảng bộ VKSND tối cao bao gồm các tổ chức Đảng của VKSND tối cao và các VKSND cấp cao. Mô hình tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một số đoàn thể khác của VKSND cấp cao có thể vẫn nằm trong các tổ chức tương ứng của VKSND tối cao như hiện nay.

- Về cơ sở vật chất: Đối với các VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trước mắt có thể kế thừa cơ sở vật chất của Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm II tại Đà Nẵng và Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm III tại Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cấp, bổ sung đáp ứng yêu cầu mới. Riêng VKSND cấp cao tại Hà Nội cần sớm có dự án đề nghị Nhà nước cho xây dựng trụ sở mới và trang bị các phương tiện đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo mô hình mới.

1.4 Đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Theo Kết luận số 79-KL/TW, Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; được tổ chức tinh gọn, với số lượng từ 13-17 thẩm phán, là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội. VKSND tối cao được tổ chức tương ứng với TAND tối cao. Để triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW đối với VKSND tối cao cần nghiên cứu các nội dung:

- Nhiệm vụ trọng tâm của VKSND tối cao là lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết thực tiễn, hướng dẫn áp dụng pháp luật và hoạt động nghiệp vụ đối với toàn ngành ở tất cả các lĩnh vực công tác; thực hiện công tác thanh tra nội bộ, xây dựng bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (theo phân cấp). VKSND tối cao trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với các vụ án do Cơ quan điều tra, Bộ Công an điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND tối cao; điều tra xử lí các tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

- Về tổ chức bộ máy, các đơn vị thuộc VKSND tối cao sẽ gọn hơn do tách các đơn vị Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm I, II, III để thành lập các VKSND cấp cao. Cần nghiên cứu xây dựng mô hình các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao một cách hợp lý. Đối với các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử có thể nghiên cứu chuyển đổi sang mô hình các “Viện” (VD: Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, chức vụ thuộc VKSND tối cao…). Viện trưởng của các Viện này có thể thực hiện các quan hệ công tác ngang cấp về tố tụng với Thủ trưởng Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Chánh toà các Toà chuyên trách của TAND tối cao.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao theo hướng đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra các loại tội phạm mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp (chứ không chỉ là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm của cán bộ tư pháp như hiện nay); đổi mới mô hình các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát, nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu tội phạm học thuộc VKSND tối cao.

- Về công tác cán bộ: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngạch bậc kiểm sát viên theo hướng Kiểm sát viên có 4 ngạch là KSV sơ cấp, KSV trung cấp, KSV cao cấp và KSV VKSND tối cao. Tại VKSND tối cao có thể bố trí cả 4 ngạch Kiểm sát viên nói trên, trong đó giảm số lượng Kiểm sát viên VKSND tối cao (KSV VKSND tối cao phải là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp). Tuỳ theo tính chất hoạt động nghiệp vụ, khối lượng công việc để rà soát sắp xếp lại đội ngũ Kiểm sát viên tại các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, trong đó ưu tiên bố trí Kiểm sát viên cao cấp cho các đơn vị trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử.
Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyển chọn và đào tạo cán bộ của VKSND tối cao về mọi mặt để đủ khả năng chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ, tổng kết thực tiễn, hướng dẫn áp dụng pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ đối với các Viện kiểm sát cấp cao và Viện kiểm sát các địa phương. Nghiên cứu đề xuất qui trình bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp tại VKSND tối cao (hiện nay theo Pháp lệnh Kiểm sát viên sửa đổi, bổ sung tại VKSND tối cao có Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp nhưng chưa có Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp tại VKSND tối cao).

Tóm lại, thực hiện việc tổ chức VKSND bốn cấp theo Kết luận 79-KL/TW là công việc khó khăn nhưng cũng là dịp để ngành KSND hoàn thiện bộ máy tổ chức toàn hệ thống, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tuy tổ chức theo hệ thống bốn cấp nhưng tổ chức và hoạt động của VKSND vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tập trung, thống nhất toàn ngành, đảm bảo sự độc lập của VKSND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật qui định.

2. Về việc thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh) đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011. Những nội dung cơ bản của Pháp lệnh cần quán triệt thực hiện là:

2.1 Về Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân

Theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh, cơ cấu Kiểm sát viên tại VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương có Kiểm sát viên VKSND tối cao (tại Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự Trung ương đồng thời là Kiểm sát viên VKSND tối cao), Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp. Tuy nhiên, Điều 24 Pháp lệnh qui định Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân chỉ có ở cấp tỉnh, vì vậy Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người được Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp cấp tỉnh tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm.

Cơ cấu Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu (và tương đương) chủ yếu là Kiểm sát viên trung cấp và một số Kiểm sát viên sơ cấp; cơ cấu Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Viện kiểm sát quân sự khu vực chủ yếu là Kiểm sát viên sơ cấp và có Kiểm sát viên trung cấp.

Tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh quy định mỗi cấp Viện kiểm sát được bố trí các ngạch Kiểm sát viên khác nhau, nhưng chỉ tiêu Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp trước mắt thực hiện đúng chỉ tiêu đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định (theo Nghị quyết 821/2009/UBTVQH12 ngày 17/9/2009). Vì vậy, Kiểm sát viên VKSND tối cao chỉ thực hiện nhiệm vụ tại Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều động, luân chuyển, biệt phái đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại các đơn vị.

Để có thể bố trí các ngạch Kiểm sát viên đáp ứng nhu cầu công tác của Viện kiểm sát các cấp, VKSND tối cao đang chỉ đạo rà soát, nghiên cứu xác định nhu cầu và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung chỉ tiêu, số lượng các ngạch Kiểm sát viên để thực hiện cho những năm tới; đồng thời sẽ qui định tỷ lệ Kiểm sát viên tại Viện kiểm sát các cấp cho phù hợp. Việc xác định nhu cầu số lượng từng ngạch Kiểm sát viên phải căn cứ vào thẩm quyền tố tụng, khối lượng, tính chất công việc của từng cấp Kiểm sát và của từng đơn vị. Qua rà soát, đến hết Quí I/2011, so với chỉ tiêu Kiểm sát viên các ngạch được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, hiện nay Kiểm sát viên VKSND tối cao cơ bản đã bổ nhiệm đủ, Kiểm sát viên trung cấp còn 242 chỉ tiêu, Kiểm sát viên sơ cấp còn 1.414 chỉ tiêu. Để có thể tăng cường Kiểm sát viên trung cấp cho VKSND cấp huyện (sau này sẽ là VKSND khu vực) đang thiếu nhiều chỉ tiêu (cả nước có 695 đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện). Vì vậy tới đây cần đề xuất tăng tỷ lệ Kiểm sát viên trung cấp trong tổng số chỉ tiêu Kiểm sát viên các ngạch để bố trí cho VKSND cấp huyện và các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao.

2.2 Về tiêu chuẩn Kiểm sát viên các cấp

Theo qui định tại Pháp lệnh, tiêu chuẩn Kiểm sát viên sơ cấp tương ứng với tiêu chuẩn Kiểm sát viên VKSND cấp huyện, tiêu chuẩn Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự khu vực; tiêu chuẩn Kiểm sát viên trung cấp tương ứng với tiêu chuẩn Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và tương đương; tiêu chuẩn Kiểm sát viên VKSND tối cao không có thay đổi so với Pháp lệnh kiểm sát viên năm 2002.

2.3 Về việc chuyển đổi Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, Kiểm sát viên VKSND cấp huyện sang ngạch Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp
Trên cơ sở quy định của Pháp lệnh, Nghị quyết số 1023/2011/UBTVQH12 ngày 19/02/2011 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thi hành Pháp lệnh qui định đối tượng được chuyển đổi sang ngạch Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp là: "Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đương nhiệm” và “Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự khu vực đương nhiệm". Vì vậy, kể từ khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành: Những người đang là Kiểm sát viên VKSND cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương được chuyển đổi tương ứng thành Kiểm sát viên trung cấp; những người đang là Kiểm sát viên VKSND cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự khu vực được chuyển đổi tương ứng thành Kiểm sát viên sơ cấp. Khi chuyển đổi, hệ số bậc lương của Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp VKSND được chuyển đổi tương ứng với hệ số lương đang hưởng của người thuộc đối tượng được chuyển đổi qui định tại Nghị quyết số 730/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát. Việc chuyển đổi không làm thay đổi bậc lương và thời gian nâng bậc lương, không được kết hợp với việc điều chỉnh hoặc nâng bậc lương của người được chuyển đổi. Phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tương ứng với phụ cấp trách nhiệm đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự khu vực theo qui định của pháp luật hiện hành.

2.4 Việc bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Theo quy định tại các điều 23, 24, 25 Pháp lệnh, thành phần Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của VKSND và Viện kiểm sát quân sự không có thay đổi so với Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002. Vì vậy qui trình, hồ sơ tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự trước mắt vẫn thực hiện theo Qui trình số 02/VKSTC-TCCB, ngày 02/01/2003 của VKSND dân tối cao.
Việc bổ nhiệm mới Kiểm sát viên các ngạch trong năm 2011 phải bảo đảm số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của VKSND không vượt quá số lượng cũng như tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên trên tổng biên chế của Viện kiểm sát nhân dân các cấp được qui định tại Nghị quyết số 821/2009/UBTVQH12 ngày 17/9/2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và qui định hiện hành của VKSND tối cao.

2.5 Về việc điều động Kiểm sát viên

Điều 30 Pháp lệnh đã quy định cụ thể thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trong việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên. Theo đó, từ nay việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên VKSND đến công tác tại đơn vị mới vẫn giữ nguyên ngạch, bậc Kiểm sát viên của người được điều động, biệt phái.

Những sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh Kiểm sát viên lần này mới đáp ứng yêu cầu trước mắt. Trong thời gian tới, cùng với việc đề xuất đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của VKSND, các qui định về Kiểm sát viên sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp. Để triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh Kiểm sát viên có nhiều việc đặt ra phảỉ thực hiện trong thời gian tới. Trong đó cần thực hiện kịp thời việc rà soát để sửa đổi, bổ sung qui trình, hồ sơ tuyển chọn Kiểm sát viên và các văn bản liên quan về công tác tổ chức, cán bộ phù hợp với qui định mới của Pháp lệnh; sớm nghiên cứu trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ sung biên chế và số lượng Kiểm sát viên các cấp; qui định số lượng, cơ cấu các loại Kiểm sát viên ở từng cấp Kiểm sát. Các đơn vị nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp rà soát, nghiên cứu để đề xuất Lãnh đạo VKSND tối cao quyết định việc sửa đổi, bổ sung các qui chế nghiệp vụ cho phù hợp với qui định mới của Pháp lệnh về các ngạch Kiểm sát viên, trong đó cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng ngạch Kiểm sát viên trong từng cấp Kiểm sát. Các cơ sở đào tạo rà soát nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát để sửa đổi, bổ sung phù hợp các qui định của Pháp lệnh.

(Kỷ yếu Hội nghị cán bộ ngành kiểm sát nhân dân năm 2011)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây