Những điểm mới cơ bản về vai trò, nhiệm vụ của Viện KSND trong lĩnh vực dân sự, hành chính và thi hành án

Thứ tư - 10/08/2011 10:28
Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân xuất phát từ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta: "Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI).
Triển khai công tác kiểm sát án dân sự, hành chính, kinh tế ... năm 2011
Triển khai công tác kiểm sát án dân sự, hành chính, kinh tế ... năm 2011

Thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp là góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp theo các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đồng thời để tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật trong lĩnh vực dân sự, hành chính và thi hành án. Vừa qua, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/01/2012); Luật tố tụng hành chính; Luật thi hành án hình sự (cùng có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2011). Có thể nói, các đạo luật nêu trên đã có những thay đổi hết sức quan trọng và cơ bản về vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung và các lĩnh vực dân sự, hành chính và thi hành án hình sự nói riêng, đòi hỏi phải có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tình hình mới.
Điểm mới quan trọng của Luật tố tụng dân sự trong lần sửa đổi, bổ sung này là mở rộng phạm vi các trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự. Theo đó, Viện kiểm sát phải có trách nhiệm tham gia hầu hết các phiên tòa sơ thẩm giải quyết các vụ án dân sự; tham gia tất cả các phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự; các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự. Với nội dung sửa đổi này, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong lĩnh vực dân sự lớn hơn rất nhiều so với hiện nay và bao trùm tất cả các giai đoạn giải quyết các vụ, việc dân sự. Cụ thể là, khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực tố tụng dân sự, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho việc giải quyết các vụ, việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân phải tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; các phiên họp, phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Điểm mới quan trọng nhất của Luật tố tụng hành chính là khẳng định một cách rõ ràng, rành mạch và cụ thể hơn về vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong lĩnh vực tố tụng hành chính. Luật tố tụng hành chính đã mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính theo tinh thần của Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị, theo đó tại Điều 28 Luật tố tụng hành chính đã quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, chỉ trừ một số lĩnh vực đặc biệt (thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức) thay vì chỉ giải quyết 22 loại khiếu kiện theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Bên cạnh đó, Luật tố tụng hành chính còn quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án mà không bắt buộc phải thực hiện điều kiện khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết rồi mới có quyền khởi kiện ra Tòa án như quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Theo quy định của Luật tố tụng hành chính, Viện kiểm sát phải tham gia từ khi Tòa án thụ lý vụ án, tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp giải quyết án hành chính từ giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm cho đến giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành án hành chính. Như vậy, có thể nói, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân đã bao trùm tất cả các giai đoạn giải quyết án hành chính, bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến giai đoạn thi hành án hành chính. Để thực hiện nhiệm vụ này, Luật tố tụng hành chính đã trao cho Viện kiểm sát nhân dân các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mặc dù đã có hiệu lực pháp luật nhưng Luật tố tụng hành chính vẫn còn có những quy định cần phải được hướng dẫn kịp thời để nhận thức đúng và thực hiện thống nhất, chúng tôi đơn cử quy định quy định về việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm: "...Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính ...". Đây là quy định mới của Luật tố tụng hành chính về vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.
Đối với lĩnh vực thi hành án hình sự, Luật thi hành án hình sự đã quy định nhiều điểm mới làm tăng thêm trách nhiệm của Viện kiểm sát trong lĩnh vực này, quy định cụ thể và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát. Điều đáng chú ý là Luật đã quy định Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu đối với trại giam đặt tại địa phương. Việc quy định giao cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trực tiếp kiểm sát trại giam đóng tại địa phương là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự kiểm sát thường xuyên, chặt chẽ, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án phạt tù. Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, Luật thi hành án dân sự đã quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, nhất là thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát và trách nhiệm trả lời kháng nghị của cơ quan thi hành án dân sự.
Với việc ban hành các đạo luật nêu trên, vai trò nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã có sự thay đổi lớn, có tính bước ngoặt, khẳng định vai trò quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Ngành Kiểm sát nhân dân không chỉ có vai trò quan trọng khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố mà còn có những nhiệm vụ quan trọng khác khi tiến hành kiểm sát các hoạt động tư pháp.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thay đổi này, trong thời gian qua, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặc biệt chú trọng công tác tổ chức, cán bộ, xem đây là yếu tố quyết định sự thành công của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp khi kiểm sát các hoạt động tư pháp. Xây dựng một đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng là một yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách, nhằm đáp ứng, yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

                     Hoàng Trọng Khảm
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây