Bác Hồ góp ý dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960

Thứ ba - 25/12/2012 10:59
(Ghi theo lời kể của đồng chí Phan Hữu Chi, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế VKSNDTC, trong dịp thảo luận Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, năm 1989).

Trong không khí đón chào Năm mới 2013, nhân dịp ngành Kiểm sát nhân dân đã và đang tích cực, khẩn trương triển khai các hoạt động tổng kết, thi hành, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), tôi xin kể lại một câu chuyện mà tôi được nghe, cũng là một kỷ niệm của ngành Kiểm sát với Bác Hồ khi Đảng đoàn Viện công tố Trung ương báo cáo với Bác về Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960.
 
Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
Lời căn dặn của Bác khi Viện công tố Trung ương báo cáo Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát năm 1960

Tháng 12 năm 1959, Đảng đoàn Viện công tố Trung ương có trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, sau đó Quốc hội giao cho Hội đồng Chính phủ chuẩn bị. Theo chỉ thị của Ban Bí thư, Đảng đoàn Viện công tố cử đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Viện trưởng Viện công tố Trung ương và đồng chí Phan Hữu Chi, chuyên viên cao cấp, người chắp bút soạn thảo Dự luật để báo cáo với Bác.
Như chúng ta đã biết, lúc đó Viện kiểm sát nhân dân là một trong những cơ quan mới của nhà nước ta. Bác hỏi kỹ về cơ sở pháp lý cho việc thành lập cơ quan Viện kiểm sát nhân dân. Đồng chí Phan Hữu Chi đã báo cáo những nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước là tập trung dân chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, trong đó Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan nhà nước độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, tổ chức và hoạt động, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Khi soạn thảo Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân Liên-xô có một số ý kiến cho rằng Viện kiểm sát nhân dân nên song trùng trực thuộc Xô-viết địa phương và Xô-viết tối cao liên bang. Nhưng trong tác phẩm “Bàn về chế độ song trùng trực thuộc và pháp chế”,V.I.Lê Nin đã phân tích rằng tổ chức Viện kiểm sát theo nguyên tắc song trùng trực thuộc như các cơ quan nhà nước khác là một sai lầm. Viện kiểm sát, theo Lê Nin là cơ quan kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước, viên chức nhà nước và mọi công dân. Nó bảo đảm cho “bất cứ quyết định nào của bất cứ một cơ quan hành chính địa phương nào cũng không đi ngược pháp luật”.  Cho nên “Viện kiểm sát địa phương chỉ trực thuộc vào Trung ương”.
Theo Bản dự thảo này, “Viện kiểm sát nhân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân”… Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững.”
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tại Điều 3 của Dự thảo quy định “ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương các cấp thi hành nhiệm vụ trên bằng cách: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết , quyết định, thong tư, chỉ thị của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước ở địa phương, kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước, và của công dân. Các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản phải gửi sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát.
Nghe xong, Bác nói đại ý: Các chú đưa vào luật buộc các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản phải gửi sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để kiểm sát là không được, muốn phát hiện văn bản có vi phạm phải qua công tác thực tế, ngành kiểm sát của các chú có bao nhiêu người có trình độ và năng lực cao? Chính phủ phải chi bao nhiêu tiền để làm kho lưu trữ. Nếu các chú lưu trữ mà không phát hiện được sai phạm của văn bản thì các chú chịu trách nhiệm gì với Đảng, Bác?
Sau đó, Bác căn dặn rằng: Nhiệm vụ, chức năng của các chú rất nặng nề, Đảng và Bác tin tưởng các chú. Các chú phải hết sức cố gắng làm tốt nhiệm vụ chức năng được giao. Phải thật “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”.
Thiết nghĩ, câu chuyện tôi vừa kể về những lời căn dặn của Bác với ngành Kiểm sát nhân dân khi xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 sẽ có một ý nghĩa sâu sắc khi chúng ta đang nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi).

 

Tin, ảnh: Tăng Thảnh - Nguyên Vụ phó Vụ 1, 2 A - VKSNDTC

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây