Một số kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự

Thứ sáu - 17/04/2015 08:09
Tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III giai đoạn 2010 – 2015, đồng chí Nguyễn Hải Nam – Phó Trưởng phòng 1A, cá nhân được Viện kiểm sát nhân dân tối cao công nhận là “Kiểm sát viên tiêu biểu” đã chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn hải Nam trình bày tham luận tại Hội nghị điển hình tiến tiến lần thứ III (2010 - 2015)
Đồng chí Nguyễn hải Nam trình bày tham luận tại Hội nghị điển hình tiến tiến lần thứ III (2010 - 2015)
Đồng chí Nguyễn Hải Nam, được VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận vào công tác năm 1990. Từ đó đến nay trải qua 25 năm thực hiện nhiệm vụ trong nhiều khâu công tác và nhiều cương vị khác nhau, đồng chí vẫn luôn cố gắng khắc phục khó khăn, lắng nghe học hỏi, nhận và hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được tổ chức giao cho. Trong khoảng thời gian đó, có đến 22 năm thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra – kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, cá nhân đồng chí đã nhận và giải quyết hàng trăm vụ án khác nhau nhưng chưa để vụ án nào xảy ra sai sót, oan sai, chưa có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại và không có vụ án nào bị Tòa án sơ thẩm tuyên không phạm tội, Tòa án cấp phúc thẩm cải sửa, hủy án do có vi phạm.

Để đạt được kết quả đó, tại Hội nghị đồng chí Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

- Khi được lãnh đạo phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra – kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, bản thân cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi nhận án. Tập trung nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ ban đầu, nắm chắc nội dung vụ án, các chứng cứ và nguồn chứng cứ đã thu thập được nhằm xác định chính xác tội danh, điều khoản có hướng để trao đổi hoặc yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra kịp thời những vấn đề quan trọng nhất, cần làm ngay để đảm bảo việc thu thập chứng cứ đầy đủ trong quá trình xử lý vụ án. Trong quá trình kiểm sát điều tra phải bám sát tiến độ điều tra đối với những vấn đề cốt lõi của vụ án, tập trung củng cố vững chắc các chứng cứ do bị hại, bị can, người làm chứng khai nhận. Thường xuyên đánh giá lại những vấn đề đã làm được và chưa làm được trong quá trình điều tra để đốc thúc, yêu cầu điều tra việc tiến hành điều tra hoàn chỉnh. Kịp thời phát hiện các sai sót, mâu thuẫn trong vụ án để khắc phục. Khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra phải linh hoạt mềm dẻo tạo mọi điều kiện để điều tra viên thực hiện yêu cầu của mình. Kiên quyết trong việc bảo vệ chức năng, nhiệm vụ của ngành và các quy định của Luật pháp. Đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, có nhiều đối tượng tham gia phải làm tốt công tác phân loại, đánh giá chứng cứ nhằm xử lý vụ án một cách toàn diện, triệt để, tránh việc bỏ lọt tội phạm. (Trong 05 năm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự tại phòng 1A - bản thân đã đề xuất lãnh đạo VKSND tỉnh yêu cầu khởi tố thêm 16 bị can. Các yêu cầu này đều được các Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghiêm túc và hiện nay Tòa án đã xét xử án có hiệu lực pháp luật đối với 07 bị can còn 09 bị can đang trong giai đoạn điều tra).

Khi được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa, kinh nghiệm của bản thân là phải nghiên cứu kỹ toàn bộ vụ án, phần đề cương xét hỏi phải đúng trọng tâm, khi tiến hành xét hỏi phải linh hoạt, có phương pháp xét hỏi hợp lý nhằm làm nổi bật được các chứng cứ mà Viện kiểm sát đã nêu trong bản cáo trạng (cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ). Dự kiến được một số tình huống, diễn biến có thể xảy ra tại phiên tòa (như thái độ tham gia phiên tòa của bị cáo, bị hại, khả năng phản cung, thay đổi lời khai của bị can, người bị hại, người làm chứng để chuẩn bị tài liệu, chứng cứ để chứng minh). Tập trung lắng nghe, ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, chỉnh sửa kịp thời dự thảo luận tội tùy theo diễn biến. Làm tốt việc dự đoán các tình huống cần tranh luận, đối đáp nhằm chủ động, tích cực trong việc đối đáp, tranh luận với các ý kiến của người bào chữa. Thường xuyên rèn luyện phong thái tự tin, ứng xử có văn hóa, tôn trọng ý kiến của tất cả người tham gia tố tụng.

- Thường xuyên tự giác nghiên cứu, nắm chắc các quy định có liên quan đến nghiệp vụ kiểm sát, tích cực học hỏi, lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp xây dựng của lãnh đạo cơ quan cũng như của đồng chí đồng nghiệp. Khiêm tốn, đúng mực trong quan hệ công tác. Kiên định bảo vệ lập trường đúng đắn, bảo vệ pháp luật, tham mưu chính xác, kịp thời để lãnh đạo cơ quan quyết định chính xác các vấn đề có liên quan đến việc kiểm sát điều tra – kiểm sát xét xử các vụ án mà bản thân được giao.

-----------------------------------------------
Bài viết lấy từ Tham luận của đồng chí Nguyễn Hải Nam - Phó trưởng phòng 1A tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III giai đoạn 2010 - 2015.

Tin, ảnh: BBT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây