Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Thứ hai - 10/12/2018 15:38
Ngày 25/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QÐ/TW về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ban biên tập giới thiệu tới các đồng chí cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên trong đơn vị bài nói chuyện, quán triệt về Qui định nêu gương của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Ban cán sự, Viện trưởng Viện KSND tỉnh tại Hội nghị cán bộ chủ chốt VKSND hai cấp.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt
VẤN ĐỀ NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT
Trong tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập và rèn luyện, Đảng ta đã đưa “nêu gương” trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng và thành phần cốt yếu của văn hóa Đảng. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, một trong số nhiều giải pháp quan trọng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ, Đảng ta luôn đề cao vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã xác định và nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và đưa ra các giải pháp cụ thể. Thực hiện các Nghị quyết này, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm;  Quy định số 55 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và gần đây nhất là Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCHTW (Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban chấp hành Trug ương Đảng)

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, công tác cán bộ được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành năm 2018 và đã được chỉ rõ trong Kế hoạch công tác số 178/KH-VKS ngày 08/1/2018 của VKSND tỉnh: “Viện trưởng VKSND các cấp có trách nhiệm gắn công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, KSV; vừa đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, vừa phải lấy sự công tâm, công bằng, sự gương mẫu của người đứng đầu để điều hành đơn vị, gắn trách nhiệm của mình với kết quả các mặt công tác của đơn vị được giao phụ trách...”

Cách đây nhiều năm, khi thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định nêu rõ bảy nội dung nêu gương: về tư tưởng chính trị; về đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình, phê bình; về quan hệ với nhân dân; về trách nhiệm trong công tác; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đoàn kết nội bộ. Như vậy có thể thấy, vấn đề nêu gương của người lãnh đạo rất quan trọng. Quan trọng bởi vì họ là người thực hành phong cách này đầu tiên; bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dành nhiều tâm huyết nói về sự gương mẫu, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” của người công bộc của dân.

Bác căn dặn: “... Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bác nói về sự nêu gương rất mộc mạc, đó là sự làm mực thước, là cái chuẩn cho người khác theo. Người xưa nói “vệt mực Tầu làm đau thân gỗ vẹo”. Ông thợ mộc khi xẻ gỗ cứ theo vết mực, thẳng băng, dứt khoát. Người cán bộ phục vụ cách mạng thì coi phép công là chuẩn mực, dù có “thương” cũng phải bỏ trong lòng. Đó là sự nêu gương về ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật.

Từ đó, Bác Hồ chỉ rõ: Nêu gương là phương pháp dùng sự việc tốt, con người điển hình tiên tiến, để tác động mạnh mẽ đến người khác, khiến họ khâm phục, tán thành và noi theo.
Bản chất của phương pháp nêu gương xét ở góc độ tâm lí chính là sự “bắt chước”, là hiện tượng tự nhiên của con người, họ bắt chước nhau một cách có ý thức, dựa trên những hiểu biết, sự phát triển trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức và vốn sống của từng người. Vì thế, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới.
Và để nêu gương thì trước hết bản thân: phải làm gương, trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn,  thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Phải quyết liệt chống căn bệnh kinh niên: nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. có thể gọi đó là nói suông. Trong sự nêu gương không chỉ có nói đi đôi với làm, mà chú ý cả hai mặt: nêu gương nói và nêu gương làm.
Nêu gương nói là nói ít, nói trúng, nói những vấn đề thiết thực, nói đúng lòng mình, thật tâm, ko dối trá. Cán bộ ta không phải ai cũng có khả năng hùng biện, nói hay như báo cáo viên, nhưng nói thật, nói phải, nói trúng thì ai cũng nhận ra cả. Được như thế thì câu nói mang hàm ý chê trách “nói vậy mà không phải vậy” sẽ dần bị quên đi, bị xóa đi trong bầu không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.
Nêu gương nói còn là nêu gương về sự nghiên cứu thấu đáo, nắm vững tình hình. Người xưa dặn “Bất học thi, vô dĩ ngôn” ( tức là không học thì lấy cái gì mà nói). Không sát cơ sở, chỉ đạo theo kiểu ngồi bàn giấy thì chẳng bao giờ nói trúng. Còn vấn đề nêu gương làm: được hiểu một cách đơn giản nhất là dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm cao, hiệu quả công việc lớn.
Thấm nhuần tư tưởng đó của Bác Hồ, cán bộ ngành KSND- nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cần thực hiện tốt những yêu cầu sau:

Một là, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ lãnh đạo:
- Phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm,
- Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;
- Gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Việc nêu gương phải theo phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Nói đi đôi với làm theo”;
Cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên,
Đảng viên nêu gương cho quần chúng;
Cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới;
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, Kiểm sát viên.

Hai là, việc nêu gương của cán bộ chủ chốt phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong;
Tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ...
Trong đó, nêu gương về trách nhiệm trong công tác: Cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái, chia rẽ gây mất đoàn kết và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm tiêu cực”.

Ba là, đối với cấp ủy đảng, đảng bộ, chi bộ:
Có trách nhiệm lãnh đạo nâng cao nhận thức, nắm vững về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương trong mọi tổ chức và hoạt động của tổ chức; chú trọng phát hiện, tạo nguồn cán bộ cấp chiến lược, có tiêu chí để “sàng lọc” cán bộ.
Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm của lãnh đạo  đơn vị về việc đào tạo, tiến cử người kế cận; cấp ủy của cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Bốn là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo: phải tự rèn luyện, trau dồi mọi mặt để thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt.
 
Tại Hội nghị Trung ương 7, đồng chí Tổng Bí thư đã đặt ra câu hỏi: đối với cán bộ, coi trọng đức hay tài, hay coi trọng cả hai?
Cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý nói riêng: cần phải trong sạch, không lợi ích nhóm; tức là phải lấy đức làm gốc, thể hiện tính chân chính của bộ máy, bảo đảm giữ lòng tin trong nhân dân và trong nội bộ Đảng. Khi đánh mất hết lòng tin ấy thì nhất định sẽ thất bại và đổ vỡ.
Tất nhiên chỉ có đức không thôi thì chưa đủ, cần có tài nữa, phải coi trọng đồng thời, nhưng phải trên cơ sở của đức, cái nền của đức.
Như Bác Hồ từng nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì là người vô dụng”.
Chúng ta coi trọng năng lực nghiệp vụ, khả năng quản lý, chỉ đạo điều hành. Nhưng chúng ta dứt khoát phải đề cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Không có phẩm chất đạo đức tốt, người lãnh đạo quản lý không những không hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn gây tổn hại đến tổ chức, làm mất lòng tin của cán bộ trong ngành, của nhân dân, mất uy tín của cả tập thể đơn vị và của ngành Kiểm sát.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, điều hằng ngày, hằng giờ những người có chức, có quyền phải tự thắng mình là nêu gương về đạo đức, lối sống. Một câu hỏi đặt ra: cơ chế nào để ràng buộc người cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt nêu gương? Hay chỉ trông đợi vào sự tự giác? Phải nói rằng không có cơ chế nào cụ thể yêu cầu bắt buộc cán bộ, đảng viên nêu gương, nhưng toàn bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết TW 4 (khóa XII), nhất là về công tác kiểm tra, giám sát có thể coi là tiêu chí đánh giá cán bộ. Bởi khi mỗi người làm việc thật sự say mê, tận tụy, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất cho mình, cho tập thể thì không ai nghĩ mình đang làm việc này là để nêu gương cho người khác.
Cho nên nói về sự nêu gương của người cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát- nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chúng ta hôm nay, nhân dân luôn trông đợi ở những việc làm mắt thấy, tai nghe. Anh em cán bộ, KSV trong ngành muốn nhìn thấy gương sáng mà mọi người đều có thể học được, chứ không phải là những điều quá cao xa. Tính thuyết phục của sự nêu gương là ở đó. Hãy khoan nói tới những điều to tát. Hãy bắt đầu từ những việc bình thường trong cuộc sống, trong lối sống của mỗi người. Những đ/c cán bộ chủ chốt có đủ cả “uy” và “tín” chắc chắn là những người thường xuyên nêu gương về mọi mặt.
Từ những phân tích trên, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Viện đề nghị các đ/c nghiêm túc tự nhìn nhận, soi xét; cố gắng phấn đấu, rèn luyện để làm sao bản thân mỗi người thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín;  tự trau dồi, đạt trí tuệ ngang tầm để đảm nhận trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân, trước ngành. Có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, đặt lợi ích của Ðảng và nhân dân lên trên hết. Trong sạch, tiên phong đi đầu trong cuộc vận động, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc gương mẫu thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Ðẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Có như vậy, người lãnh đạo quản lý mới trở thành tấm gương cho cán bộ, KSV noi theo, góp phần xây dựng ngành trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ TRONG THỜI GIAN TỚI:
1. Xây dựng một cơ chế để phát hiện và tiến cử cán bộ nguồn:
Trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo cơ quan có kế hoạch chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ, có biện pháp và cách làm hiệu quả nhằm sớm phát hiện được nhân tài từ khi mới vào ngành, tạo điều kiện để bồi dưỡng và cơ hội cho họ thể hiện qua thực tế công việc được kiểm nghiệm, tạo nguồn cho nhiều năm về sau. Cán bộ mới vào ngành cần trải qua sự rèn luyện trong thực tiễn từ VKS cấp huyện để có cái nhìn khái quát, đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và nắm rõ các lĩnh vực công tác của ngành.
2. Sử dụng có hiệu quả lực lượng cán bộ, Kiểm sát viên:
Tập trung nguồn KSV sơ cấp và trung cấp cho các khâu công tác nghiệp vụ. Đồng thời thống nhất quan điểm: đã là cán bộ và làm công tác nào cũng không phải “nhất thành bất biến”, ở mãi một vị trí mà luôn luôn thay đổi; có sự chuyển đổi  vị trí công tác giữa các lĩnh vực nghiệp vụ để đào tạo nguồn cán bộ tinh thông pháp luật, có đủ kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ và có thể đảm nhận ngay nhiệm vụ khi cần thiết.
3. Nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành văn hóa nói không với chạy chức, chạy quyền, làm trong sạch đội ngũ.
Nếu cán bộ có năng lực, phẩm chất, được tín nhiệm thì sẽ tiến cử vào các vị trí lãnh đạo quản lý. Nếu cán bộ nào vi phạm quy chế nghiệp vụ, thoái hóa, biến chất, chúng ta cần phải dứt khoát thanh lọc đội ngũ, không để “con sâu làm rầu nồi canh”, vì thành tích thi đua mà bao che hoặc bỏ qua, lâu ngày sẽ dẫn tới tha hóa, biến chất cho cả tập thể. Nếu cán bộ không đáp ứng được yêu cầu về chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác thì đây là cơ hội để chúng ta thanh lọc chứ không nên có quan điểm “đã lên không xuống, đã vào không ra”. Có như vậy mới vừa tăng cường tính răn đe, ngăn ngừa tiêu cực, vừa tạo cơ hội cho cán bộ có đức, có tài phát triển.

Tin, ảnh: BBT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây