Cần sửa đổi TTLT số 04 của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính, đảm bảo chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ ngành Kiểm sát

Thứ tư - 28/12/2011 14:16

Cần sửa đổi TTLT số 04 của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính, đảm bảo chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ ngành Kiểm sát

Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ ngành tư pháp cũng đã được quan tâm đổi mới nhằm cải thiện thu nhập, góp phần để đội ngũ cán bộ tư pháp ổn định cuộc sống và an tâm công tác, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành tư pháp. Đáng chú ý nhất hiện nay là Chính phủ đã có Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; trong đó, bên cạnh việc quy định chế độ lương mới, đã có quy định bổ sung về phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ ngành tư pháp. 

Cụ thể là tại Điểm a, Khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 76/2009/NĐ-CP quy định:

a) Phụ cấp thâm niên nghề: Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, toà án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.

Theo đó, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên trong các ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm phải là “những cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành”.

Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành Tòa án, Kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm đã có nhiều điểm khác biệt giữa các ngành.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra so sánh để thấy được sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật hiện hành về chế độ phụ cấp thâm niên nghề giữa 02 ngành tư pháp là Tòa án và Viện Kiểm sát như sau:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC thì đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề của ngành Tòa án, Kiểm sát bao gồm:

1. Chánh án và Phó Chánh án Toà án nhân dân các cấp; Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp; Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên ngành Tòa án.

2. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Điều tra viên các cấp và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát.

Như vậy, đối với ngành Tòa án, phụ cấp thâm niên nghề được tính ngay từ khi có quyết định tuyển dụng vì chức danh thư ký tòa có được từ khi mới tuyển dụng. Trong khi đó, đối với ngành Kiểm sát, phải mất 3 năm làm công tác pháp luật và phải học xong chương trình Nghiệp vụ kiểm sát thì mới được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên theo quy định tại Quyết định số 208/QĐ/2005/VKSTC-V9 ngày 07/11/2005 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hoặc phải mất 04 năm làm công tác pháp luật và phải học xong chương trình nghiệp vụ kiểm sát mới được bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp theo Pháp lệnh Kiểm sát viên nhân dân năm 2002. Điều đó cũng có nghĩa là phụ cấp thâm niên nghề của ngành Kiểm sát được tính từ khi được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm tra viên hoặc từ khi được bổ nhiệm vào ngạch Kiểm sát viên chứ không phải từ khi có quyết định tuyển dụng. Do vậy, thời gian được tính phụ cấp thâm niên nghề của ngành Tòa án có lợi hơn đối với ngành Kiểm sát.

Liên hệ với cách tính phụ cấp của các ngành khác, điển hình mới nhất là phụ cấp thâm niên nghề đối với nhà giáo theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, thời gian được hưởng phụ cấp thâm niên nghề của nhà giáo được tính từ khi giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục. Như vậy, cách tính thâm niên nghề của các ngành khác đều được tính từ khi có quyết định tuyển dụng. Theo chúng tôi, đó chính là cách tính hợp lý, và cũng theo đúng tinh thần Nghị định số 76/2009/NĐ-CP là chỉ cần vào biên chế chính thức và được xếp lương vào một ngạch công chức chung, nếu đủ thời gian sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Từ cách tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nghề đối với ngành Kiểm sát như trên đã dẫn đến thực trạng khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực ngành Kiểm sát hiện nay, nhất là ở địa phương. Hầu hết sinh viên trường Đại học luật ra trường nếu có nguyện vọng muốn làm trong lĩnh vực tư pháp thì các em đều chọn ngành Tòa án cho hướng đi của mình. Như đã phân tích ở trên, nếu nhìn nhận một cách thực tế thì Tòa àn vẫn là điểm thu hút hơn ngành Kiểm sát, ngoài chế độ được hưởng phụ cấp thâm niên nghề được tính từ ngay khi có quyết định tuyển dụng còn được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc 20% cũng ngay từ khi mới vào ngành theo Quyết định số 171/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Thẩm phán, Thư ký tòa án và Thẩm tra viên ngành Tòa án. Trong khi đó, ngành Kiểm sát phải được bổ nhiệm Kiểm tra viên hoặc Kiểm sát viên mới được hưởng phụ cấp trách nhiệm 25% đối với Kiểm tra viên và 30% đối với Kiểm sát viên sơ cấp.

Chính vì vậy, hiện nay, ngành Kiểm sát phải mở rộng thêm đối tượng tuyển dụng là chuyên ngành khác như: Đại học ngữ văn, Lịch sử, Công nghệ thông tin, ngoại ngữ… mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu chỉ tiêu biên chế đang bị thiếu hụt trầm trọng và phải mất một khoản kinh phí, thời gian để các em đi đào tạo văn bằng 2 Đại học luật mới có thể về làm công tác nghiệp vụ và bảo đảm tiêu chuẩn công chức làm chuyên môn của ngành.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát có đủ bản lĩnh, tâm huyết phục vụ hết mình và có đủ trình độ nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, thiết nghĩ liên Bộ cần sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với ngành Kiểm sát cho phù hợp, theo hướng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề ngay từ khi được tuyển dụng chính thức vào Ngành như một số ngành đã và đang thực hiện.

Tin, ảnh: Nguyễn Thị Hường (VKSND tỉnh Bình Thuận)

Nguồn tin: http://tapchikiemsat.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây