Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp trong ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ ba - 04/09/2012 15:08
Trong hai ngày 30-31/8/2012, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác văn phòng. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC cùng các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Hoàng Nghĩa Mai, Trần Phước Tới, Trần Công Phàn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có Thủ trưởng, Trưởng phòng tham mưu tổng hợp các đơn vị trực thuộc VKSNDTC; Viện trưởng, Chánh văn phòng, cán bộ tổng hợp VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Lãnh đạo, Chánh văn phòng VKSQS Trung ương; Viện trưởng, Chánh văn phòng các VKSQS quân khu, quân đoàn, quân chủng.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình khai mạc Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: công tác văn phòng hết sức quan trọng đối với hoạt động của toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Đây là hoạt động trực tiếp phục vụ và gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của VKSND các cấp;Văn phòng là bộ phận hoạch định chương trình, kế hoạch và tham mưu những chủ trương lớn, những quyết sách lớn cho Lãnh đạo VKSNDTC.
 
 
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Để công tác văn phòng trong ngành Kiểm sát ngày càng đạt hiệu quả và chất lượng, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các đại biểu dự hội nghị tập trung nghiên cứu và nắm bắt những vấn đề cốt lõi được phổ biến, hướng dẫn tại Hội nghị, đồng thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện tại địa phương, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp, công tác hậu cần phục vụ hoạt động của ngành. Thay mặt Lãnh đạo VKSNDTC, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh VKSND tỉnh Quảng Nam, Văn phòng VKSNDTC đã phối hợp tổ chức Hội nghị tại một địa điểm du lịch nổi tiếng, có điều kiện tốt, chất lượng cao, góp phần làm cho Hội nghị thành công tốt đẹp.

Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Hội nghị cũng đã nghe Lãnh đạo văn phòng VKSNDTC trình bày các nội dung của “Báo cáo Tổng kết 5 năm công tác Văn phòng ngành KSND”, chuyên đề về công tác văn thư lưu trữ trong ngành Kiểm sát nhân dân; “Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 198/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2008, của Viện trưởng VKSNDTC ban hành kèm theo quy chế về thông tin báo cáo và quản lý công tác trong Ngành KSND”; Hướng dẫn thực hiện “Quy chế thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành KSND (sửa đổi bổ sung) theo Quyết định 397/QĐ-VKSTC ngày 13/7/2012 của Viện trưởng VKSNDTC; “Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND”; “Phương pháp tham mưu, tổng hợp và xây dựng báo cáo trong ngành KSND”.
 
Có 16 ý kiến tham luận tại Hội nghị. Các tham luận chủ yếu tập trung phân tích các nội dung cơ bản về thực trạng hoạt động công tác văn phòng trên các lĩnh vực như: Tham mưu tổng hợp, thi đua khen thưởng, hành chính, lưu trữ, cơ yếu, hậu cần và các công tác khác liên quan đến hoạt động văn phòng. Các ý kiến tham luận cũng đã đề cập, phân tích sâu về những hạn chế, khó khăn vướng mắc, đồng thời nêu đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của văn phòng VKS các  cấp.
 
Trong những năm qua, Văn phòng VKSND các cấp đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ: tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức theo dõi việc nắm và quản lý thông tin về chấp hành pháp luật, tình hình vi phạm và tội phạm, kết quả hoạt động của các đơn vị trong toàn Ngành để tham mưu cho lãnh đạo Viện xử lý thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Tham mưu giúp Viện trưởng, Lãnh đạo Viện xây dựng các chỉ thị, chương trình kế hoạch công tác, các loại báo cáo, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy chế, quy định về quản lý, chỉ đạo, điều hành trong Ngành; xây dựng hệ thống các chỉ tiêu về nghiệp vụ, các chỉ tiêu thi đua cụ thể ở tất cả các mặt công tác, đồng thời đề ra những biện pháp thực hiện đạt hiệu quả. Thực hiện quản lý hành chính nhà nước, hành chính tư pháp, công tác hậu cần phục vụ các hoạt động đảm bảo hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức các cuộc họp giao ban, hội nghị, hội thảo, tập huấn, sơ kết, tổng kết… Công tác Văn phòng của VKS các cấp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và có sự đổi mới tích cực cả về phương pháp và nội dung hoạt động. Tham mưu giúp lãnh đạo Viện thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị theo đúng Chỉ thị công tác hàng năm của Viện trưởng VKSNDTC, bám sát các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Đồng thời, giúp lãnh đạo Viện kiểm tra việc triển khai, thực hiện chỉ thị, chương trình, kế hoạch công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành và địa phương.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác tham mưu tổng hợp, phục vụ hậu cần vẫn còn thiếu tính  chủ động, giải quyết chưa kịp thời, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Việc tham mưu, đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra… Chưa xây dựng hệ thống mẫu báo cáo thống nhất trong toàn Ngành. Số liệu trong báo cáo kết quả công tác của VKS địa phương gửi Văn phòng và các vụ nghiệp vụ còn chưa khớp với số liệu thống kê gửi Cục Thống kê tội phạm. Việc chấp hành thông tin, báo cáo, quản lý công tác trong ngành KSND còn chưa đầy đủ, kịp thời…
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai chỉ rõ: Xuất phát từ vị trí quan trọng của công tác Văn phòng trong hệ thống tổ chức bộ máy của VKS các cấp. Lãnh đạo VKS các cấp cần đặc biệt quan tâm tới chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác văn phòng; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp, xây dựng các văn bản theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn; xây dựng nhiều phong trào thi đua, điển hình tiên tiến để nhân rộng trong toàn Ngành; toàn Ngành phấn đấu mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng công tác văn thư lưu trữ…
 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo VKS các cấp tiếp tục có sự quan tâm đến điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác văn phòng, phục vụ tốt cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; góp phần tích cực trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị…
 
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác văn phòng những tháng cuối năm 2012, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai nhấn mạnh: VKS các cấp tập trung tổ chức thực hiện tốt chức năng THQCT và KS các hoạt động tư pháp, nhất là trong giai đoạn toàn ngành đang tích cực thực hiện tiến trình cải cách tư pháp. Tiếp tục  quan tâm, tham gia quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, BLTTHS, Luật Tổ chức VKSND năm 2002… Tham gia đóng góp xây dựng văn bản pháp luật nhằm nâng cao thẩm quyền CQĐT của VKSND. Tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ KS: Giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh và kỷ cương, công tâm và trách nhiệm; Tổ chức các cuộc thi KSV giỏi, KSV tiêu biểu; Thực hiện việc kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn kết luận Hội nghị
Qua Hội nghị, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai đã thông tin nhanh về việc triển khai các Nghị quyết của UBTV Quốc hội về hoạt động của ngành KSND như: tăng thêm thành viên UBKS VKSNDTC; điều chỉnh tên gọi một số đơn vị trực thuộc của VKSNDTC; tăng thêm biên chế, các chức danh tư pháp của VKS các cấp; đổi mới trang phục ngành kiểm sát nhân dân; chuyển đổi, nâng cấp trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát trở thành trường Đại học Kiểm sát.
 
Kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng của các tham luận. Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nhấn mạnh: công tác văn phòng của ngành Kiểm sát trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, đã tham mưu một cách thiết thực cho lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phục vụ tốt hơn công tác của Ngành cũng như công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
 
Qua Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đề nghị các đơn vị cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau: Trước hết cần phải xác định công tác văn phòng là công tác tham mưu, đề xuất, phục vụ. Lãnh đạo các đơn vị phải quan tâm về cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nhân lực cho văn phòng để bộ phạn này thực hiện tốt nhiệm vụ, nắm bắt được thông tin một cách đầy đủ, toàn diện và tham mưu kịp thời, chính xác. Thứ hai, phải tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng VKSNDTC với các đơn vị nghiệp vụ của VKSNDTC trong công tác văn phòng của hệ thống văn phòng cũng như phối hợp với cấp trên, cấp dưới. Đồng thời sự hướng dẫn của VKSNDTC về công tác văn phòng phải nhanh chóng, kịp thời. Thứ ba, cần phải tăng cường kiểm tra công tác văn phòng, đồng thời cũng quyết liệt kiểm tra thực hiện chỉ thị công tác, gắn với việc kiểm tra thường xuyên để văn phòng thuận lợi trong việc báo cáo. Thứ tư, hệ thống sổ sách và hệ thống báo cáo phải thống nhất từ trên xuống dưới, hệ thống sổ sách biểu mẫu văn phòng phải thống nhất được với bộ phận thống kê để số liệu phải trùng khớp từ trên xuống dưới. Thứ năm, công tác thi đua khen thưởng cần có sự đổi mới mạnh mẽ để tổ chức được phong trào thi đua, tạo không khí thi đua trong đội ngũ cán bộ, KSV góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

Tin, ảnh: Tin – Ảnh: Trần Tùng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây