Viện kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên trong những năm 1976 - 1980

Thứ tư - 01/04/2020 00:08
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 12-1976 thành công tốt đẹp đã tạo bầu không khí phấn khởi cho người dân cả nước nói chung, người dân Bình Trị Thiên nói riêng bắt tay vào việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Ảnh chụp lưu niệm tại buổi gặp gỡ của các đồng chí cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã nghỉ hưu.
Ảnh chụp lưu niệm tại buổi gặp gỡ của các đồng chí cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã nghỉ hưu.
Đối với ngành kiểm sát, Chỉ thị số 02/CT năm 1976 của đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về một số công tác trong tình hình mới đã nêu rõ: “Yêu cầu cách mạng đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải chuyển biến sâu sắc trong cách nghĩ, cách làm, chúng ta phải đứng trên quan điểm cả nước, quan điểm sản xuất lớn chủ nghĩa xã hội, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trình độ và nghiệp vụ, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng để làm tốt hơn nữa công tác kiểm sát, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của cả nước”.
Căn cứ vào tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên dã đi vào khảo sát trên các lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Bình Trị Thiên lần thứ nhất (vòng II) nêu rõ: “Các cơ quan càng phải thể hiện quyền làm chủ của quần chúng trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trong công tác xây dựng chính quyền, kiên quyết chống tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí... Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án, Thanh tra phải đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của quần chúng”.

Cuối năm 1976 đầu năm 1977, ngành Kiểm sát Bình Trị Thiên đã đi sâu chú ý đến việc bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân lao động trong việc bầu cứ Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật xuống cơ sở, xây dựng điểm pháp chế ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh dã xây dựng điểm pháp chế tiên tiến ở xã Thuỷ Thanh huyện Hương Phú (nay thuộc Thuỷ Thanh, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), từ đó nhân ra các điểm của nhiều huyện.
Trong công tác bầu cử, Viện Kiểm sát đã phát hiện 2 trường hợp không đủ tư cách ứng cử viên, nên đã kiến nghị Hội đồng bầu cử đưa ra khỏi danh sách ứng cử. Thông qua công tác kiểm sát các trại tạm giam, trại cải tạo, Viện Kiểm sát đã phát hiện một số trường hợp bắt người, khám xét, tịch thu hàng hoá không có căn cứ; việc bắt giam, tha không có phê chuẩn của Viện Kiểm sát, vi phạm đến quyền dân chủ của công dân.
Trong công tác giải quyết đơn khiếu tố, Viện Kiểm sát cũng đã phối hợp đồng bộ giữa các khâu công tác, giữa các ban ngành nên đã kịp thời giải quyết thoả đáng.
Tuy công tác bảo vệ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động là một lĩnh vực rộng lớn, nhưng Viện Kiểm sát Bình Trị Thiên trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của ngành cũng đã cố gắng đi đúng phương hướng theo Chỉ thị 02 của đồng chí Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân tối cao và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong đấu tranh bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã đi sâu kiểm sát các lĩnh vực công - nông - ngư nghiệp trong toàn tỉnh, phát hiện những vi phạm trong quản lý, bảo quản nguyên vật liệu, khai man để hưởng tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, và các vi phạm về giao nhận hàng hoá ở một số cơ quan. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã kiểm sát tại chỗ Trạm hải sản Thuận An, góp phần giúp cho ngành chủ quản chấn chỉnh công tác quản lý, kịp thời khai thác thế mạnh của địa phương.
Đối với việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngành Kiểm sát Bình Trị Thiên đã phối hợp một số ban ngành kịp thời ngăn chặn các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản cách mạng, phối hợp với Công an, Ủy ban Mặt trận một số huyện đấu tranh chống kẻ địch lợi dụng tôn giáo phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Kết hợp với công tác chuyên môn, Viện Kiểm sát tỉnh, thành phố và các huyện, thị xã đã vận dụng chức năng kiểm sát phục vụ Nghị quyết 228/NQTW của Bộ Chính trị, cùng với các ngành hữu quan phân loại vụ việc xảy ra và vận dụng chính sách pháp luật để xử lý, góp phần ngăn ngừa sơ hở trong quản lý kinh tế và xã hội, nhất là các ngành vật tư, lương thực, giao thông vận tải...Tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phú, ngày 05-3-1977 Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên ra Nghị quyết 02 về vấn đề nhập huyện, trong đó khu vực Thừa Thiên Huế nhập các huyện Phú Lộc và Nam Đông thành huyện Phú Lộc, Hương Thuỷ và Phú Vang thành huyện Hương Phú, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thành Hương Điền, giữ nguyên huyện A Lưới và thành phố Huế.

Song song với hoạt động chuyên môn, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên còn chú ý công tác xây dựng ngành, thực hiện kiện toàn bộ máy Viện Kiểm sát từ tỉnh đến huyện. Ngày 25-02-1977 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có các Quyết định số 82, 85, 86/QĐ-TC bổ nhiệm đồng chí Trần Thường Khiêm giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên thay thế đồng chí Võ Văn An vào nhận công tác ở Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm Đà Nẵng, hai đồng chí Lê Thường Anh và Trần Viết Hường làm Phó Viện trưởng. Uỷ ban Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên cũng được thành lập theo Quyết định số 81/QĐ-V9 ngày 25-02- 1977 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, gồm 5 đồng chí là:
1.    Trần Thường Khiêm - Viện trưởng
2.    Lê Thường Anh - Phó Viện trưởng
3.    Trần Viết Hường - Phó Viện trưởng
4.    Ngô Văn Định - Kiểm sát viên
5.    Nguyễn Hữu Phước - Kiểm sát viên

Tổng số cán bộ toàn ngành Kiểm sát của Bình Trị Thiên năm 1977 là 156 đồng chí, trong dó biên chế trong 6 tổ công tác tại Viện Kiểm sát tỉnh là 59 đồng chí, biên chế trong 23 đơn vị Viện Kiểm sát thành phố, thị xã, huyện là 97 đồng chí.
Trong quá trình công tác, Viện Kiểm sát tỉnh đã kịp thời điều chỉnh số lượng và chất lượng cán bộ giữa các vùng, tiến hành thành lập mới cũng như hợp nhất một số Viện Kiểm sát huyện trong tỉnh. Sau khi chấn chỉnh bộ máy, từ chỗ toàn ngành trong tỉnh có 23 đơn vị sau còn lại 14 đơn vị; biên chế mỗi đơn vị cấp huyện, thành phố thấp nhất là 5 người (như A Lưới), cao nhất là 12 người (thành phố Huế). Về đội ngũ lãnh đạo, hầu hết các Viện Kiểm sát nhân dân huyện, thị đều có Viện trưởng và Phó Viện trưởng, có huyện 2 Phó Viện trưởng. Cấp tỉnh có 7 tổ công tác, phần lớn đều có kiểm sát viên phụ trách.

Vào thời điểm năm 1977, đội ngũ cán bộ có chức danh pháp lý ngành kiểm sát Bình Trị Thiên ở cấp tỉnh gồm các đồng chí Viện trưởng và 2 Phó Viện trưởng, 5 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm sát, 7 Kiểm sát viên; cấp huyện có 12 đồng chí Viện trưởng, 14 đồng chí Phó Viện trưởng, 17 đồng chí Kiểm sát viên. Cơ cấu tổ chức bộ máy từ tỉnh đến huyện được củng cố và hoàn thiện, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động công tác kiểm sát. Ghi nhận những đóng góp của ngành Kiểm sát tỉnh trong năm 1977, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã công nhận nhiều đồng chí dạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Để tăng cường nhân lực cho hoạt động kiểm sát của tỉnh Bình Trị Thiên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 18/QĐ-V9 ngày 06-01- 1978 cử đồng chí Hồ Ngọc Đàn, kiểm sát viên, tham gia Uỷ viên Uỷ ban Kiểm sát tỉnh. Bám sát chỉ thị của đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, năm 1978 toàn ngành tập trung phục vụ 3 nhiệm vụ chính là:
-    Bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.
-    Bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa.
-    Trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự trị an xã hội.
Đối với nhiệm vụ phục vụ việc bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, thực hiện chủ trương xây dựng điểm tiên tiến về tuân theo pháp luật, các Viện Kiểm sát huyện, thị, thành đã chú ý đến việc nâng cao một bước trình độ hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở.
Thông qua việc duy trì quyền công tố các vụ án hình sự, dân sự, kiểm sát viên đã lấy người thật việc thật để phân tích, góp phần tuyên truyền giáo dục pháp luật. Công tác kiểm sát giam giữ, kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu tố cũng đã có hoạt động tích cực, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.
Đối với nhiệm vụ bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa và chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, Viện Kiểm sát các cấp đã đi sâu vào các lĩnh vực lương thực, nông nghiệp... Trong quý I năm 1978, có 10/14 đơn vị cấp huyện có kết luận công tác kiểm sát phục vụ ngành lương thực, và đã chỉ ra những thiếu sót cho đơn vị được kiểm tra, dược các đơn vị chấp nhận sửa chữa; đã phát hiện và khởi tố điều tra 14 vụ án, nhanh chóng đưa ra truy tố xét xử 10 vụ án xâm hại lương thực Nhà nước.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số Viện Kiểm sát huyện đã đi vào kiểm sát các công trình thuỷ lợi, phát hiện vi phạm trong công tác quản lý lao động, lãng phí vật tư, tham ô, móc ngoặc, bớt xén chế độ tiêu chuẩn của nhân công của một số Ban chỉ huy công trường.

Đối với nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự trị an xã hội, nhờ nắm vững tình hình an ninh chính trị ở địa phương, các Viện Kiểm sát huyện, thị, thành đã kịp thời trấn áp bọn phản cách mạng, ngăn chặn các luận điệu phản tuyên truyền, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Kịp thời chỉ đạo việc nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử những vụ án đó. Trong thời gian này, lợi dụng tình hình khó khăn của ta về kinh tế, tình hình căng thẳng ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, bọn phản động ngóc đầu dậy tung ra những luận điệu tâm lý hết sức phản dộng. Chúng tổ chức cái gọi là “Mặt trận thống nhất dân quân phục quốc”, “Mặt trận phục quốc Trị Thiên”; tổ chức treo cờ 3 que tại nhà Thông tin thành phố Huế, Nhà hát lớn, chợ Đông Ba; phá Lễ dài trước Phu Văn Lâu, đài Phát thanh thị xã Đông Hà, ném lựu đạn vào buổi biểu diễn văn nghệ của quân đội ở Phú Vang; tổ chức người vượt biên, vượt biển trốn di nước ngoài... Cùng với Ty Công an Bình Trị Thiên, ngành Kiểm sát Bình Tri Thiên đã góp phần phát hiện, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức phản động nói trên, góp phần trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn.

Những vụ án điển hình trong thời gian này mà Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã góp phần đấu tranh thắng lợi như vào 30-5-1978 đã xoá tổ chức "Mặt trận phục quốc Trị Thiên” do Phạm Lự cầm đầu (từ cuối năm 1977 đến dầu năm 1978), bắt 31 tên, thu nhiều tang vật và vũ khí cùng nhiều tài liệu phản động khác. Cũng trong năm 1978, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên còn góp công lớn vào việc phá tan tổ chức “Mặt trận thống nhất dân quân phục quốc” do Nguyễn Nhuận và Tống Châu Khang cầm đầu.

Trong lĩnh vực trị an - xã hội, Viện Kiểm sát các cấp đã trực tiếp kiểm sát, điều tra những vụ án trị an có tính chất nghiêm trọng, sớm kết thúc điều tra chuyển toà án xét xử nhằm phát huy tác dụng giáo dục, phòng ngừa chung. Năm 1978, ngành Kiểm sát Bình Trị Thiên đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Qua một năm phấn đấu liên tục, năm 1978, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã được Chính phủ tặng Cờ luân lưu và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công nhận Tổ lao động xã hội chủ nghĩa gồm tổ KSTTPL, tổ KSĐT án kinh tế, tổ KSĐT án trị an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền. Nhiều cá nhân được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Năm 1979, bộ máy tổ chức ở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được tăng cường, từ 7 tổ công tác lên thành 9 tổ công tác theo hướng chuyên sâu về nghiệp vụ, đề cao trách nhiệm của từng khối, từng tổ, và từng cá nhân. Toàn ngành phấn đấu hoàn thành chương trình công tác, tham mưu đắc lực cho lãnh đạo và chỉ đạo chung, số cán bộ dược bố trí theo mỗi tổ từ 3 đến 8 người, trong đó có ít nhất 1 kiểm sát viên làm tổ trưởng, về bộ phận lãnh đạo Viện tỉnh, ngày 19-4-1979 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định 175/QĐ-TC bổ nhiệm đồng chí Hồ Ngọc Đàn giữ chức Phó Viện trưởng thay đồng chí Phó Viện trưởng Lê Thường Anh nghỉ hưu.

Bên cạnh việc tăng cường về số lượng cán bộ, Viện Kiểm sát tỉnh còn chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, tài liệu; đã gởi cán bộ đi học các lớp 2 tháng, 6 tháng về nghiệp vụ kiểm sát, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, mời giảng viên về mở lớp trung cấp đầu tiên cho 24 cán bộ trong ngành. Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên còn chú ý đến việc xây dựng khối đoàn kết trong toàn ngành, trong nội bộ cơ quan, kiên quyết thi hành kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm nguyên tắc hoạt động của ngành.

Trên mặt trận bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện kế hoạch “778” nhằm sẵn sàng đối phó với khả năng xảy ra chiến tranh lớn, ngành Kiểm sát đã phối hợp phát hiện ra những đầu mối hoạt động của CIA và các nhóm phản động khác, phá được 3 vụ án nhen nhóm phản cách mạng, bắt 18 tên cầm đầu nguy hiểm, ngăn chặn được một số vụ trốn đi nước ngoài. Đặc biệt vào tháng 4-1979, Viện đã phối hợp các cơ quan chức năng phá vụ án tổ chức giết người, cướp tàu thuyền trốn đi nước ngoài với mục đích phản cách mạng do Trần Minh Châu cầm đầu; phát hiện và xử lý tổ chức lấy tên là “Măt trận Thanh niên Việt Nam yêu nước” ở trại cải tạo Bình Điền; kiên quyết đấu tranh với những phần tử lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng ở thành phố Huế. Thành tích năm 1979 của ngành Kiểm sát tỉnh được ghi nhận qua việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao công nhận tổ Lao động xã hội chủ nghĩa đối với 2 tập thể tổ KSĐT án kinh tế và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Điền.

Năm 1980, tình hình chính trị - kinh tế - văn hoá trong cả nước có nhiều biến chuyển, Hiến pháp năm 1959 tỏ ra không còn phù hợp với tình hình mới. Sau một thời gian trưng cầu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, Quốc hội nước ta ban hành Hiến pháp năm 1980. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước chuyển biến trong quá trình phát triển của đất nước. Hiến pháp mới ra đời tạo tiền đề vững chắc cho việc tăng cường và hoàn thiện bộ máy Nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nói về Viện Kiểm sát nhân dân, điều 137 của Hiến pháp mới quy định: “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện Kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm của mình”.
Trên cơ sở chức năng của ngành, năm 1980, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã đáp ứng kịp thời tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, bao gồm công tác kiểm sát phục vụ phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phục vụ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, tăng cường quốc phòng và an ninh biên giới, tăng cường chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trong việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, Viện Kiểm sát đã tập trung bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhân dân, như phát hiện, kiến nghị, bãi bỏ những trạm kiểm soát gây phiền hà cho nhân dân. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã yêu cầu bãi bỏ 7 nơi giam giữ trái phép ở các phường, xã. Trong công tác giam giữ, các Viện Kiểm sát huyện đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong việc giam, giữ người quá hạn luật định, đã kiến nghị các ngành hữu trách khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Tri Thiên phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tổ chức tuyên truyền cho 49.968 lượt người nghe, thường xuyên viết bài cho các Báo, Đài để tuyên truyền, giải thích pháp luật.

Đối với nhiệm vụ thực hiện kế hoạch Nhà nước, thông qua các biện pháp nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đi vào kiểm sát 8 đơn vị, chủ yếu là các ngành Thương nghiệp, Nông nghiệp, Giao thông vận tải... đã phát hiện nhiều đơn vị vi phạm chế độ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, vi phạm trong việc sử dụng ruộng đất canh tác; hỗ trợ cho cơ quan chủ quản thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.
Với nhiệm vụ phục vụ tăng cường quốc phòng, an ninh biên giới, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã kiểm sát việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, việc chấp hành Luật nghĩa vụ quân sự, giáo dục, động viên số quân nhân đào ngũ trở lại.
Trong lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự toàn xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã phối hợp với các ngành Công an, Toà kịp thời xử lý nghiêm khắc bọn gián điệp, bọn phản cách mạng, đưa ra xét xử công khai một số vụ án điểm nhằm nâng cao công tác giáo dục phòng ngừa chung.

Song song với công tác chuyên môn, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Tri Thiên còn chú ý công tác xây dựng ngành, dần dần củng cố tổ chức từ tỉnh đến huyện. Tính đến tháng 9-1980, biên chế toàn ngành có 164 đồng chí (tỉnh 57, huyện 107). Đã thực hiện bổ nhiệm 9 đồng chí có chức năng pháp lý, giải quyết chế độ cho 10 đồng chí nghỉ hưu, 1 đồng chí nghỉ mất sức; cử 4 dồng chí đi học trường Trung cấp Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh và Cao dẳng Kiểm sát khoá II tại Hà Nội; khai giảng lớp bổ túc nghiệp vụ chương trình trung cấp cho 29 đồng chí. Ngoài ra, ngành còn chú ý chống tiêu cực, làm trong sạch nội bộ ngành. Phần lớn cán bộ trong ngành đều giữ vững phẩm chất đạo đức người cán bộ kiểm sát.
Để phù hợp hơn với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân được sửa đổi. Một lần nữa chức năng của ngành Kiểm sát lại được khẳng định trong Hiến pháp và luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đòi hỏi các Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố bằng những công tác sau đây:
-    Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các văn bản pháp quy và biện pháp của cán bộ và các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hành vi của các nhân viên Nhà nước và công dân.
-    Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan Công an và các cơ quan điều tra khác.
-    Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của Toà án nhân dân.
-    Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các bản án và quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực.
-    Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ và cải tạo.

Với những thay đổi này, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân càng nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ ngành Kiểm sát phải thật cố gắng để tự hoàn thiện mình. Đây là thời điểm đất nước dang ở trong giai đoạn khủng hoảng giá - lương - tiền, đời sống của các tầng lớp nhân dân cũng như cán bộ công nhân viên vô cùng khó khăn; tình hình tiêu cực, tệ làm ăn phi pháp ở ngoài xã hội ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát vẫn giữ được phẩm chất, đạo đức của mình, những biểu hiện tiêu cực tuy có xảy ra nhưng không đáng kể, cán bộ ngành Kiểm sát Bình Trị Thiên vẫn tập trung làm tốt chức năng nhiệm vụ của ngành. Nhờ những thành tích đạt được, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định khen thưởng Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến; các tập thể Tổ KSĐT án kinh tế và Viện Kiểm sát nhân dân Hương Điền đạt danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa; nhiều đồng chí được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây