Phiếu thống kê tội phạm giai đoạn xét xử

Thứ năm - 03/03/2011 07:59
Thực hiện quyết định số 114/2004/VKSTC ngày 19 tháng 08 năm 2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về ban hành bổ sung hai loại thống kê: Thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố và Thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Cục thống kê tội phạm hướng dẫn thực hiện như sau:

I. Hướng dẫn chung.

1. Nguyên tắc chung của TKTP trong giai đoạn khởi tố và xét xử sơ thẩm.

 

Điều tra thống kê là hình thức thu thập thông tin thống kê áp dụng cho thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố và giai đoạn xét xử sơ thẩm.

 

Quá trình thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố, xét xử sơ thẩm phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời.

 

Kiểm sát viên kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố vụ án hình sự cần kịp thời nghiên cứu đầy đủ, chi tiết hồ sơ vụ án để đáp ứng tối đa số lượng các thông tin cần thu thập in trong các tờ phiếu.

 

2. Đối tượng thống kê.

 

Đối tượng thống kê trong giai đoạn khởi tố là những vụ án khởi tố VKS đã thụ lý và những bị can được VKS phê chuẩn khởi tố bị can.

 

Đối tượng thống kêtrong giai đoạn xét xử sơ thẩm là các bị cáo có tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, bao gồm các trường hợp: có tội nhưng được đình chỉ theo yêu cầu bị hại; có tội nhưng được đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; đình chỉ do bị cáo chết; bản án của Toà án tuyên xử bị cáo có tội.

 

3. Trách nhiệm lập phiếu.

 

Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự có trách nhiệm lập phiếu.

 

Phiếu lập xong được chuyển đến bộ phận thống kê để đăng ký vào sổ và tổng hợp số liệu.

 

4. Lập sổ theo dõi lập phiếu.

 

Để tránh bỏ sót, trùng lặp, thất lạc, ngay sau khi phiếu được chuyển đến bộ phận thống kê phải được đăng ký vào sổ theo dõi việc lập phiếu, tương ứng với mỗi loại thống kê có 1 sổ theo dõi việc lập phiếu (Mẫu sổ kèm theo bản hướng dẫn này): Sổ đăng ký phiếu khởi tố vụ án, khởi tố bị can; Sổ đăng ký phiếu thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sở thẩm.. Số thứ tự lập phiếu trong phiếu thống kê là số thứ tự trong quyển sổ này, số thứ tự được lập lại bắt đầu mỗi năm thống kê. Khi bàn giao phiếu giữa cán bộ lập phiếu và cán bộ thống kê phải ký nhận vào quyển sổ này.

 

5. Kiểm tra phiếu.

 

Khi đăng ký vào sổ đăng ký phiếu hoặc khi nhập số liệu vào máy tính, nếu phát hiện việc ghi phiếu không đầy đủ, cán bộ thống kê chuyển lại hoặc trực tiếp trao đổi với cán bộ lập phiếu để ghi bổ sung đầy đủ.

 

6. Thời hạn gửi phiếu, gửi số liệu, tổng hợp số liệu.

 

- Đối với những VKSND cấp huyện chưa thực hiện được việc tổng hợp số liệu trên máy vi tính thì sau khi phiếu được lập gửi ngay về Phòng Thống kê tội phạm hoặc bộ phận thống kê tội phạm của cấp tỉnh để cập nhật vào máy vi tính.

 

- Đối với những VKSND cấp huyện đã thực hiện được việc cập nhật số liệu vào máy vi tính thì gửi toàn bộ số liệu đã cập nhật theo từng tháng (phiếu được lập từ ngày 1 đến ngày cuối cùng của tháng) về Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là vào ngày 5 hàng tháng theo một trong hai hình thức sao lưu ra đĩa mềm hoặc truyền trên mạng.

 

- Các phòng nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự cấp tỉnh ngay sau khi phiếu lập xong chuyển ngay cho Phòng thống kê tội phạm (hoặc bộ phận thống kê tội phạm thuộc Văn phòng) để cập nhật vào máy vi tính.

 

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh truyền số liệu (hoặc sao lưu ra đĩa mềm) gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao chậm nhất là ngày 10 hàng tháng.

 

- Phiếu Thống kê do các đơn vị trực thuộc VKSND Tối cao lập, ngay sau khi lập xong được gửi về Cục Thống kê tội phạm VKSNDTC để cập nhật vào máy vi tính.

 

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thành việc tổng hợp số liệu toàn quốc vào ngày 15 hàng tháng.

 

7. Tổng hợp số liệu.

 

Hai loại thống kê nêu trên có khối lượng tính toán là rất lớn và phức tạp, vì vậy để đảm bảo tổng hợp số liệu được nhanh chóng, chính xác thì việc tổng hợp phải được thực hiện trên máy vi tính. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm xây dựng và trang bị phần mềm thống kê cho VKSND các cấp sử dụng.

 

Cấp tỉnh là cấp thấp nhất tiến hành tổng hợp tập trung tất cả những số liệu về tội phạm trong phạm vi của tỉnh bằng máy vi tính, những số liệu tổng hợp của mỗi đơn vị cấp huyện được cấp tỉnh gửi trở lại cho cấp huyện bởi vì cấp huyện không có dữ liệu về tội phạm xảy ra ở huyện nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh.

 

Tổng hợp ở cấp trung ương: Toàn bộ số liệu ban đầu của mỗi tỉnh được chuyển về trung ương bằng cách: chuyển bằng đường mạng máy tính hoặc sao lưu ra đĩa mềm gửi bằng đường bưu điện theo một thời gian qui định. Cục Thống kê tội phạm sẽ tiến hành tổng hợp chung cho toàn quốc.

II. Phiếu thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm:

  

Mục đích của Thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm:

Số liệu thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là cơ sở để đánh giá về tình hình tội phạm; phục vụ việcnghiên cứu về nhân thân người phạm tội, tính chất tội phạm, yếu tố lỗi, động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra, tình trạng người phạm tội, tính chất nguy hiểm của tội phạm, thời gian, địa điểm, mối quan hệ giữa người thực hiện hành vi phạm tội với nạn nhân ...

Việc xác định nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm là rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trên cơ sở đó đề ra các chủ trương, giải pháp để khắc phục các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm.

Những nguyên tắc chung khi lập phiếu, nhập phiếu, quản lý phiếu:

- Phiếu lập một lần không bổ sung nên KSV lập phiếu, cán bộ thống kê cần đảm bảo số liệu ghi trên phiếu là chính xác, thông tin nhập vào máy là đúng như tờ phiếu đã ghi.

- KSV được phân công thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử lập phiếu thống kê bị cáo có tội trong giai đoạn xét xử sơ thẩm ngay sau khi nhận được quyết định đìinh chỉ hoặc bản án của Toà án cùng cấp. Sau khi lập, phiếu được chuyển ngay đến bộ phận thống kê của các cấp để đăng ký vào sổ và tổng hợp số liệu.

- KSV lập phiếu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin xác lập trên tờ phiếu.

- Những ô vuông ghi trong tờ phiếu để đánh dấu xác nhận, không cần ghi thêm hoặc chú giải. Trường hợp dấu (...) thì cần ghi chi tiết, Ví dụ: Dân tộc (11), nghề nghiệp (14)...

Cách ghi nội dung của phiếu: (những tiêu thức đã rõ thì không giải thích):

-Số thứ tự lập phiếu: Là số thứ tự khi đăng kí phiếu vào sổ lập phiếu. Số thứ tự lập phiếu nhằm để phát hiện các trường hợp phiếu bị bỏ sót, thất lạc khi cập nhật số liệu vào máy vi tính.

- Mã số phiếu: Mỗi bị cáo có một mã số do máy tính lập; lần đầu tiên khi nhập số liệu vào máy tính, máy tính sẽ cung cấp một mã số. Cán bộ thống kê ghi mã số này vào tờ phiếu để tiện tra cứu, quản lý.

- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (2): Ghi rõ tên xã, phường; quận huyện; tỉnh, thành phố. Căn cứ vào nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và địa điểm phạm tội (mục 34) sẽ thống kê được có bao nhiêu trường hợp do người ngoài tỉnh, thành phố phạm tội.

- Quyết định khởi tố vụ án (3) số ......... ngày ....... tháng ...... năm...: Trường hợp nhập nhiều vụ án thành 1 vụ thì lấy theo số, ngày... của vụ án được nhập về.

- Cơ quan khởi tố (4): Ghi rõ tên cơ quan ra quyết định khởi tố; quận, huyện; tỉnh, thành phố; trong trường hợp nhập nhiều vụ án thành 1 vụ và do nhiều cơ quan khởi tố thì ghi tên 1 cơ quan ra quyết định khởi tố ghi ở mục (3)

- Cáo trạng số ... ngày ... tháng ... năm .... (5)

- Cơ quan truy tố (6)

- Toà án thụ lý xét xử (7): Nếu toà án cấp huyện xét xử thì ghi rõ tên huyện và tên tỉnh; nếu toà án cấp tỉnh xét xử thì chỉ ghi tên tỉnh.

- Ngày toà án ra quyết định đình chỉ hoặc ngày tuyên án (8)

Căn cứ các mục nêu trên sẽ thống kê được số ngày bình quân giải quyết án theo loại án, theo loại tội phạm, theo từng giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm...

- Tôn giáo (12): Ghi rõ tên tôn giáo của người phạm tội (nếu có), nếu không theo một tôn giáo nào thì ghi là không.

- Nghề nghiệp (14): người phạm tội không có nghề nghiệp thì ghi không nghề nghiệp, những người phạm tội có nhiều nghề thì ghi nghề nghiệp khi phạm tội.

- Cán bộ, công chức nhà nước (15): là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lư­ơng từ ngân sách nhà nư­ớc (theo Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998).

- Đặc biệt khó khăn về kinh tế (25): đánh dấu vào ô tương ứng nếu có tình tiết giảm nhẹ được qui định tại điểm e khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự.

Các mục 27, 28, 29, 30 chỉ ghi đối với người phạm tội là người chưa thành niên.

Các hành vi phạm tội:

Trong một vụ án được đưa ra xét xử có thể có nhiều bị cáo, mỗi bị cáo có thể bị truy tố nhiều hành vi, có bao nhiêu hành vi phạm tội thì ghi đủ, nếu bị truy tố nhiều hơn 3 hành vi thì ghi trên nhiều tờ phiếu và được ghim cùng nhau.

- Điều luật....... khoản....... (31): Đối với những bị cáo án đã xét xử thì ghi theo bản án Toà án đã tuyên, trường hợp đình chỉ theo yêu cầu bị hại; đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; đình chỉ do bị cáo chết ghi theo cáo trạng của VKS.

Căn cứ vào điều luật và khoản sẽ thống kê được loại tội phạm : tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Địa điểm phạm tội (34) : Trường hợp phạm tội nhiều lần và phạm tội ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi địa điểm của lần phạm tội gần nhất. Ghi rõ tên xã phường, quận huyện, tỉnh thành phố.

- Ngày phạm tội gần nhất (33): Trong trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, ở các thời gian khác nhau thì ghi ngày phạm tội gần nhất.

- Hình phạt chính (35) : Ghi rõ tên hình phạt

- Mức án (36): Nếu hình phạt chính là phạt tù có thời hạn, phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không gian giữ thì ghi rõ mức án; thời gian được qui theo tháng. Nếu hình phạt chính là phạt tiền thì ghi rõ số tiền phạt theo đồng Việt nam. Nếu phạt tù cho hưởng án treo thì ghi rõ mức án và thời gian gian thử thách (ví dụ 12 tháng tù cho hưởng án treo và 18 tháng thử thách thì ghi mức án 12/18)

- Hình phạt bổ sung (37): Nếu có nhiều hình phạt bổ sung thì ghi đủ

- Thiệt hại về tài sản (38): thiệt hại về tài sản qui theo đồng Việt nam

Trên đây là một số nội dung cơ bản hướng dẫn thực hiện thống kê tội phạm trong gia đoạn khởi tố và xét xử sơ thẩm. Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc, chưa rõ hoặc cần góp ý bổ sung đề nghị các đơn vị thực hiện liên hệ về Cục Thống kê tội phạm VKSND Tối cao.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây