Rút kinh nghiệm trong việc áp dụng quy định của Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự

Thứ năm - 13/12/2012 13:24
Để bảo đảm quyền của bị can, bị cáo theo đúng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp. Viện thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm số 857 ngày 21/11/2012 về việc rút kinh nghiệm trong thực hiện quy định Khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự; Chúng tôi xin trích đăng từ Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao để bạn đọc tham khảo:
 
Khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự về lựa chọn và thay đổi người bào chữa có quy định: “Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được qui định tại Bộ luật hình sự.
b) Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;
Trong các trường hợp qui định tại điểm a và điểm b Khoản 2 điều này bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.”
Thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự những năm qua cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc khu vực phía Nam nhìn chung đã thực hiện đúng qui định tại Khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự về lựa chọn và thay đổi người bào chữa. Tuy nhiên, trong một số vụ án cụ thể vẫn còn để xảy ra những thiếu sót khi thực hiện qui định này, những thiếu sót đó thường được thể hiện dưới các dạng cụ thể như sau:
Xét hỏi bị can bằng nhiều bản cung nhưng chỉ có duy nhất một bản cung có sự tham gia của luật sư và nội dung bản cung đó lại không thể hiện hành vi phạm tội, hậu quả, phương pháp thủ đoạn, động cơ mục đích phạm tội của bị can mà chỉ thể hiện việc bị can xác nhận các bản cung đã khai trước đó là đúng hay không đúng (những bản cung trước đó không có luật sư tham gia). Từ thực tế trên các luật sư cho rằng như vậy chỉ mang tính hình thức còn thực chất chỉ là nhằm hợp pháp hoá các bản cung mà luật sư không được tham gia trước đó, tại các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm các luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo tranh luận gay gắt và kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chấp hành đúng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự, thậm chí có trường hợp luật sư còn đề nghị toà phúc thẩm huỷ án sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại vì cho rằng việc không có luật sư tham gia trong các biên bản hỏi cung bị can như vậy là vi phạm nghiêm trọng qui định tại Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự ...Ví dụ như vụ án: Nguyễn Thành Được phạm tội “Giết người”, bị cáo bị truy tố, xét xử theo Điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, xét xử phúc thẩm ngày 20/4/2011.
Một dạng thiếu sót khác cũng thường xảy ra trong thực tiễn là: Một số vụ án Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành hỏi cung lại để làm rõ thêm các tình tiết của vụ án. Mặc dù các bản cung do viện kiểm sát xét hỏi phản ánh rõ nét hơn, nhưng khi hỏi cung bị can Viện kiểm sát cũng mắc phải thiếu sót là không mời luật sư tham gia, do vậy biên bản hỏi cung do Viện kiểm sát trực tiếp lập cũng không bảo đảm tính pháp lý vì không đúng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự, làm cho cấp phúc thẩm không thể sử dụng những biên bản hỏi cung này để tranh luận với luật sư hoặc làm chứng cứ buộc tội trong các vụ án chứng cứ yếu hoặc các vụ án bị cáo chối tội, kêu oan, kêu bị bức cung, nhục hình....
Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự Viện thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện một số vụ án có dạng thiếu sót nêu trên như: Vụ án Nguyễn Hoàng Trình phạm tội “Giết người” bị cáo bị cấp sơ thẩm truy tố, xét xử theo Điều 93 Khoản 1 Điểm n BLHS, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm ngày 09/8/2012; Vụ Hồ Văn Lắm phạm tội “Tham ô tài sản”, bị cáo bị cấp sơ thẩm truy tố, xét xử theo Điều 278 Khoản 4 BLHS, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm ngày 09/8/2012. Trong hồ sơ các vụ án nêu trên, các biên bản hỏi cung do viện kiểm sát lập đều không có luật sư tham gia.
Tại công văn số 45/C16 (P6) ngày 26/01/2007của Bộ công an tại mục 5 có nêu: Đối với trường hợp phải bắt buộc có người bào chữa (khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự) thì cơ quan điều tra phải chủ động thực hiện, đây là vấn đề bắt buộc, nếu không thực hiện thì các biên bản hỏi cung sẽ không có giá trị pháp luật...
Tại Công văn số: 26/KHXX ngày 28/02/2007của Toà án nhân dân tối cao cũng hướng dẫn khá cụ thể việc thực hiên công văn số 45/C16 (P6) ngày 26/01/2007 của Bộ công an trong quá trình xét xử án hình sự khi đối tượng thuộc quy định của khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự.
Việc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp sơ thẩm không thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan pháp luật trung ương đối với trường hợp phải bắt buộc có người bào chữa tham gia theo qui định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật TTHS trong một số vụ án như nêu trên không những đã vi phạm qui định của Bộ luật tố tụng hình sự mà còn làm cho việc đánh giá tính pháp lý của các biên bản hỏi cung bị can và sử dụng làm chứng cứ tài liệu khi truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm gặp không ít khó khăn, nhất là đối với những vụ án bị can, bị cáo kêu oan, chối tội, chứng cứ yếu hoặc bị can, bị cáo khai bị bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra ….

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây