Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế giai đoạn 1989 - 2000: Hệ thống tổ chức và công tác xây dựng ngành.

Thứ sáu - 24/04/2020 22:43
Hệ thống tổ chức và công tác xây dựng Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế sau khi tái thành lập theo Quyết định số 84/QĐ-TC ngày 04-7-1989 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Thìn - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao trao Cờ thi đua xuất sắc cho đồng chí Trần Viết Hường Viện trưởng VKSND Thừa Thiên Huế (giai đoạn 1983 - 1994)
Đồng chí Nguyễn Văn Thìn - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao trao Cờ thi đua xuất sắc cho đồng chí Trần Viết Hường Viện trưởng VKSND Thừa Thiên Huế (giai đoạn 1983 - 1994)
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thừa Thiên Huế đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức, từng bước đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được những thành tựu đáng kể.
Bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và lãnh đạo, để có điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, ngày 07-4-1989 Hội nghị Tỉnh ủy Bình Trị Thiên lần thứ 10 đã nhất trí kiến nghị Trung ương Đảng cho tổ chức lại tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại kỳ họp thứ 16 ngày 08-4-1989, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 1985 - 1989, thể theo nguyện vọng của nhân dân đã đề nghị Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho chia lại tỉnh Bình Trị Thiên.
Ngày 14-4-1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 87/QĐ/TƯ và đến ngày 30-6-1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII đã thông qua, tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành ba tỉnh mới Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên cũng được chia tách thành ba Viện Kiểm sát cấp tỉnh. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được tái thành lập theo Quyết định số 84/QĐ-TC ngày 04-7-1989 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với số cán bộ, kiểm sát viên là 58 người. Đồng chí Trần Viết Hường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế (theo Quyết định số 662/QĐ-TC ngày 04-7-1989 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Đồng chí Lương Á Châu là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Bình Tri Thiên được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế (theo Quyết định số 668/QĐ-TC ngày 05-7-1989 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao).
Ngày 14-7-1989, theo Quyết định số 96/QĐ-TC của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế được thành lập gồm các đồng chí sau:
1.    Trần Viết Hường - Viện trưởng
2.    Lương Á Châu - Phó Viện trưởng
3.    Lại Thế Nam – Trưởng phòng
4.    Hồ Văn Ninh - Trưởng phòng
5.    Hoàng Minh Đức - Trưởng phòng
Đến cuối năm, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có 66 cán bộ viên chức, trong đó cấp tỉnh có 31 cán bộ. Viện được tổ chức thành 5 phòng và 5 đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố trực thuộc, bao gồm:
-    Phòng kiểm sát việc tuân theo pháp luật- khiếu tố: có 5 cán bộ, kiểm sát viên, do đồng chí Hồ Văn Ninh làm trưởng phòng.
-    Phòng kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự: có 7 cán bộ, kiểm sát viên, do đồng chí Lại Thế Nam làm trưởng phòng.
-    Phòng kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự, thi hành án và giam giữ cải tạo: có 4 cán bộ, kiểm sát viên, do đồng chí Hoàng Minh Đức làm trưởng phòng.
-    Phòng kiểm sát xét xử dân sự : có 3 cán bộ, kiểm sát viên, do đồng chí Hồ Phù làm trưởng phòng.
- Văn phòng tổng hợp - tổ chức cán bộ: có 10 cán bộ, kiểm sát viên, do đồng chí Phạm Đình Hưng, phó văn phòng phụ trách.
Cấp huyện và thành phố có 35 cán bộ, kiểm sát viên được phân bố như sau:
- Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Huế có 13 cán bộ, kiểm sát viên, đồng chí Tạ Quang Tịnh giữ chức vụ Viện trưởng, hai đồng chí Trần Lý Thảo và Nguyễn Trọng Phúc giữ chức vụ Phó Viện trưởng.
- Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Phú có 8 cán bộ, kiểm sát viên, đồng chí Hoàng Trọng Khảm giữ chức vụ Viện trưởng và đồng chí Hoàng Anh Dũng giữ chức vụ Phó Viện trưởng.
- Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc có 6 cán bộ, kiểm sát viên, đồng chí Trần Văn A giữ chức vụ Viện trưởng.
- Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Điền có 5 cán bộ, kiểm sát viên, đồng chí Hoàng Tín Ngưỡng giữ chức vụ Viện trưởng và đồng chí Phạm Minh Ngọc giữ chức vụ Phó Viện trưởng.
- Viện Kiểm sát nhân dân huyện A Lưới có 3 cán bộ, kiểm sát viên, đồng chí Hồ Pưn giữ chức vụ Viện trưởng.
100
Đầu năm 1990, trụ sở làm việc của Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế được chuyển về số 04 Lê Quý Đôn, phường Phú Hội, thành phố Huế. Trong năm này, công tác xây dựng bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng đã được Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Từ việc sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với công việc, khả năng của từng người, đến việc lập quy hoạch, đề bạt cán bộ... đều được chú trọng. Đây cũng là năm tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết số 345/HĐBT ngày 29-9-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc chia lại địa giới hành chính cấp huyện. Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế thành lập thêm bốn Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện trực thuộc theo địa giới hành chính mới, nhưng vẫn giữ nguyên 5 phòng nghiệp vụ tại Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Về tổ chức, ngày 01-8-1990 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm thêm đồng chí Lại Thế Nam làm Phó Viện trưởng tỉnh, đồng chí Trần Ngọc Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh văn phòng. Có 9 Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và thành phố trực thuộc, đó là:
-    Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Huế do đồng chí Tạ Quang Tịnh làm Viện trưởng và đồng chí Trần Lý Thảo làm Phó Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Thủy do đồng chí Hoàng Trọng Khảm làm Viện trưởng và đồng chí Hoàng Anh Dũng làm Phó Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Vang do đồng chí Nguyễn Trọng Phúc làm Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc do đồng chí Trần Văn A làm Viện trưởng và đồng chí Nguyễn Vĩnh làm Phó Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền do đồng chí Lê Khắc Thắng làm Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Điền do đồng chí Trần Đình Trung làm Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hương Trà do đồng chí Lê Quang Huy làm Viện trưởng và đồng chí Trần Xuân Dũng làm Phó Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện A Lưới do đồng chí Hồ Pưn làm Viện trưởng.
-    Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông do đồng chí Đoàn Quỳnh, kiểm sát viên sơ cấp phụ trách.
Về công tác tổ chức cán bộ, ngay từ sau khi chia tách Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên để tái lập lại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị... đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên thiếu hụt một cách nghiêm trọng. Lực lượng cán bộ ở nhiều Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, cấp huyện, như Hương Điền, A Lưới thiếu hơn 50%. Trong lúc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đang tập trung khắc phục tình hình thiếu hụt cán bộ, tiếp tục bổ sung lực lượng cho những đơn vị thiếu biên chế thì thực hiện Quyết định số 345/HĐBT ngày 29-9- 1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân lại địa giới hành chính cấp huyện, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh lập thêm 4 Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện càng làm cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên thiếu hụt nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, để bổ sung kịp thời lực lượng cán bộ, kiểm sát viên cho ngành, Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã tuyển chọn thêm 16 cán bộ, trong đó 8 người có trình độ đại học, 6 người có trình độ cao đẳng kiểm sát và 2 người có trình độ trung cấp kế toán. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã đề nghị và được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm 3 kiểm sát viên sơ cấp, 4 kiểm sát viên trung cấp, 4 viện trưởng và 2 phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, 1 phó phòng nghiệp vụ, 1 chánh văn phòng và 1 phó viện trưởng nhân dân cấp tỉnh. Phần lớn lực lượng cán bộ được tiếp nhận và đề bạt trong năm 1990 đều có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Việc bố trí lực lượng ở Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và thành phố, nhất là lực lượng cán bộ chủ chốt đã được chú trọng; hầu hết đều có trình độ và kinh nghiệm trong công tác.
Năm 1991, dưới sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Thường vụ Tỉnh uỷ, Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục sắp xếp và ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy; bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ đã công tác lâu năm trong ngành; tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ đại học pháp lý và cao đẳng kiểm sát cho Viện Kiểm sát hai cấp, mạnh dạn cân nhắc đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của công cuộc đổi mới. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các phòng nghiệp vụ thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nắm bắt kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, tăng cường mối quan hệ với các Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và thành phố; phòng kiểm sát điều tra - xét xử sơ thẩm án hình sự được tách ra làm hai phòng, đó là phòng kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án trị an, an ninh do đồng chí Trần Đình Châu làm quyền trưởng phòng; và phòng kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án kinh tế do đồng chí Hoàng Trọng Khảm làm trưởng phòng.

Từ năm 1991 trở đi, thực hiện hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm hằng năm về công tác tổ chức của Vụ tổ chức cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, 6 (lần 2), 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII... Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế ngoài việc kiện toàn bộ máy, đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng ngành kiểm sát nhân dân trong sạch vững mạnh, xây dựng quy chế làm việc của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ ban Kiểm sát, Ban cán sự Đảng, quy chế làm việc của các phòng, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và thành phố, sắp xếp, bổ sung đội ngũ lãnh đạo chủ chốt... đã tăng cường đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên cho Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp.
Trong 10 năm (1991 - 2000), Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã tuyển dụng 81 cán bộ, trong đó 51 người có trình độ đại học pháp lý và cao đẳng kiểm sát, chiếm tỷ lệ 63%. Đề nghị và được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm 62 kiểm sát viên hai cấp, 15 trưởng, phó phòng nghiệp vụ, 21 viện trưởng và viện phó viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành.phố
Để tăng cường cho bộ máy lãnh đạo cấp tỉnh, ngoài việc từng bước hoàn thiện các phòng nghiệp vụ, đồng chí Hoàng Trọng Khảm- Trưởng phòng kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án kinh tế, được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 450/QĐ-TC ngày 20-7-1992 bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trướng. Năm 1994, đồng chí Trần Viết Hường và Lương Á Châu nghỉ hưu, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 01/QĐ-TC ngày 03-01-1994 bổ nhiệm đồng chí Hoàng Trọng Khảm, Phó Viện trưởng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Hồ Văn Ninh được bổ nhiệm giữ chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh theo Quyết định số 02/QĐ-TC ngày 03-01-1994.
Trong năm 1994, nhằm hoàn thiện công tác nghiệp vụ, Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế thành lập thêm một phòng mới, đó là phòng Kiểm sát xét xử hình sự do đồng chí Trần Đình Châu làm Trưởng phòng, nâng số phòng nghiệp vụ trực thuộc Viện lên 7 phòng.
Đến năm 1996, tổ chức bộ máy ở cấp tỉnh được củng cố, từng bước kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cùng với việc bố trí, sắp xếp, điều chỉnh lại đội ngũ cán bộ, Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế thành lập thêm hai phòng nghiệp vụ mới, đó là Phòng tổ chức cán bộ do đồng chí Trần Đại Quang làm Trưởng phòng và Phòng kiểm sát khiếu tố do đồng chí Lê Quang Huy làm Trưởng phòng, nâng số phòng nghiệp vụ trực thuộc viện lên 9 phòng.
Đầu năm 2000, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp lại đội ngũ, kiểm sát viên giữa các phòng, tăng cường củng cố các phòng nghiệp vụ, đặc biệt là đối với các bộ phận làm công tác hình sự, tham mưu cho lãnh dạo công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cấp huyện, giúp cấp huyện giải quyết những vướng mắc trong các khâu công tác kiểm sát, góp phần hạn chế những sai sót trong chuyên môn. Cơ cấu bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có 9 phòng nghiệp vụ và 9 đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, thành phố trực thuộc. Đồng chí Lại Thế Nam được điều động nhận công tác tại Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm III Đà Nẵng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 04/QĐ-TC ngày 10-7-2000 bổ nhiệm đồng chí Hoàng Minh Đức giữ chức vụ Phó Viện trưởng.
Như vậy, bộ máy hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế được quản lý theo 3 khối do 3 đồng chí lãnh đạo của Viện phụ trách; đó là khối Kiểm sát hình sự, khối Kiểm sát tuân theo pháp luật, dân sự - khiếu tố và Khối văn phòng tổng hợp - tổ chức cán bộ.

Tin, ảnh: Trích "Lịch sử 30 năm VKSND Thừa Thiên Huế (1975 -2005)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây