Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005 - 2015

Thứ hai - 20/07/2020 09:11
Giai đoạn 2005 - 2015 là giai đoạn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự ổn định về công tác tổ chức cán bộ, bộ máy lãnh đạo và cán bộ, kiểm sát viên; cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ đều có trình độ Cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.
Đồng chí Nguyễn Văn Cao – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa ủy quyền của chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015
Đồng chí Nguyễn Văn Cao – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa ủy quyền của chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2015
Về an ninh chính trị, Thừa Thiên Huế vẫn là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng, lại là một địa phương rất nhạy cảm về tôn giáo. Một số đối tượng cực đoan tăng cường các hoạt động chống đối phức tạp như tuyên truyền, xuyên tạc tình hình trong nước trên mạng Internet, liên kết các lực lượng chống đối thông qua các “Tổ chức xã hội dân sự” như “Khối 8406”, “Hội cựu tù nhân lương tâm”… tán phát Bán nguyệt san “Tự do ngôn luận” và quan hệ móc nối với một số đối tượng cực đoan, các tổ chức, cá nhân phản động bên ngoài tài trợ cho các phần tử cực đoan trong nước hoạt động chống đối chính quyền. Về ma túy tăng hơn so với trước, hành vi phạm tội của các đối tượng chủ yếu là mua hêrôin từ các tỉnh phía Bắc mang về Huế để sử dụng và bán cho các con nghiện khác cùng sử dụng. Đáng chú ý là các năm trước đây, chất ma túy mà các đối tượng sử dụng là bồ đà, thuốc phiện … thì những năm gần đây đều là hêrôin.
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đạt hiệu quả cao, bên cạnh đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành các quy chế nghiệp vụ của ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động công tác kiểm sát.
Trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung giải quyết một khối lượng lớn án hình sự. Điểm nổi bật nhất là trong số các vụ án đã giải quyết, không có vụ án nào quá hạn điều tra, truy tố, xét xử, không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố mà Toà án tuyên không phạm tội, không có các trường hợp hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại. Tỷ lệ tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự sau đó phải trả tự do chuyển xử lý hành chính từ chỗ chiếm tỷ lệ đến 30,9 % năm 2000 đến nay đã không còn xảy ra. Từ năm 2003 đến nay đã không xảy ra trường hợp nào phải đình chỉ điều tra vụ án do không cấu thành tội phạm. Không có trường hợp nào quá hạn tạm giữ, tạm giam, không có trường hợp nào bắt giữ oan sai người vô tội. Tỉ lệ trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được hạn chế dưới 2%.

Ngày 15/6/2004, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự, có hiệu lực từ ngày 01/01/2005. Đây là Bộ luật đầu tiên về Tố tụng dân sự được ban hành thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế 1994; Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động 1996.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì chức năng, phạm vi và thẩm quyền của Viện kiểm sát đã có những thay đổi căn bản. Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa đối với những vụ án do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, hoặc các vụ tranh chấp dân sự do Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định. Vì vậy, việc phát hiện vi phạm của Toà án trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự nói chung gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã chủ động tích cực kiểm sát các bản án, quyết định của tòa án, phát hiện kịp thời vi phạm để kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền; nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Năm 2011, trước những yêu cầu đổi mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và qua 06 năm thực tiễn áp dụng, Bộ luật tố tụng dân sự 2004 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy ngày 29/3/2011, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Bộ luật lần này đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi tham gia phiên tòa của Viện kiểm sát, Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp: Vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ; vụ án có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng; án tranh chấp quyền sử dụng đất, nhà ở; vụ án có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Đồng thời tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm
Sau khi  Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát phải tham gia khoảng 80% phiên tòa sơ thẩm, 100% phiên họp, phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm. Qua đó, Viện kiểm sát hai cấp ở Thừa Thiên Huế đã tích cực phát hiện các vi phạm trong việc giải quyết án của Tòa án, ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị. Trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã ban hành 74 kháng nghị phúc thẩm, 20 kháng nghị giám đốc thẩm, 156 kiến nghị đối với Tòa án. Phần lớn các kháng nghị, kiến nghị của Viện đều được Tòa án chấp nhận.
dsc04282
Đồng chí Trần Quốc Vượng – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (từ năm 2007 đến 2011)  về làm việc với Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế.

Về công tác kiểm sát các vụ án hành chính, theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, trước khi khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, người khởi kiện phải thực hiện thủ tục khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với kết quả giải quyết thì mới có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Do vậy, án hành chính, mỗi năm chỉ xảy ra trên dưới 10 vụ. Phần lớn các tranh chấp khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai và chủ yếu xảy ra tại Thành phố Huế. Về phá sản doanh nghiệp, đến năm 2010 còn tồn tại 05 doanh nghiệp yêu cầu phá sản do Tòa án thụ lý từ những năm trước. Sau khi Tòa án có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản bán đấu giá thu hồi được 90% giá trị taì sản nhưng việc giải quyết các khoản nợ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên việc tuyên bố phá sản bị kéo dài.
Năm 2010, lần đầu tiên Luật tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 24/11/2010, có hiệu lực từ ngày 01/7/2011. Luật tố tụng hành chính có nhiều đổi mới căn bản theo hướng mở rộng quyền dân chủ của công dân khi khởi kiện vụ án hành chính; mở rộng thẩm quyền giải quyết của Tòa án; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khi tham gia tố tụng. Về thủ tục khởi kiện, Luật quy định công dân không thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện mà có thể khởi kiện ngay hoặc khiếu nại trước khởi kiện sau, quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc lựa chọn cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Năm 2012, năm đầu tiên thực hiện Luật tố tụng hành chính, án Hành chính thụ lý 37 vụ, tăng 35 vụ so với năm 2011. Nội dung khởi kiện chủ yếu là việc bồi thường giá trị khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đáng chú ý nhiều vụ khởi kiện liên quan quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị khiếu nại chưa được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng.

Về công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự chú trọng việc kiểm sát ra quyết định thi hành án, quyết định hoãn, đình chỉ, tạm đình chỉ chấp hành án của Tòa án nhân dân hai cấp đảm bảo bản án có hiệu lực thi hành phải được Tòa án ra quyết định thi hành; cơ quan, cá nhân, người chấp hành án phải thực hiện; đảm bảo tính căn cứ pháp luật của Tòa án trong các quyết định ủy thác, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ. đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật; đảm bảo các quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, người chấp hành án tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ được thực hiện đầy đủ, kịp thời, mọi quyết định hành vi của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền nếu vi phạm pháp luật phải được Viện kiểm sát phát hiện kịp thời, ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu chấm dứt khắc phục vi phạm.
Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII thông qua Hiến pháp mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, một số Bộ luật, Luật tiếp tục được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành về đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp: Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Thi hành án hình sự 2019. Năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng và chủ trì ký Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát và Trại giam Bình Điền thuộc Bộ Công an để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tổ chức, quản lý, thi hành án phạt tù tại Trại giam Bình Điền.

Công tác tổ chức và xây dựng Ngành
Công tác cán bộ trong giai đoạn này không có nhiều thay đổi. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và huyện; xây dựng quy hoạch các chức danh Bí thư, Phó bí thư, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015; đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và đã đề nghị Cấp uỷ cùng cấp xem xét giới thiệu các bộ lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tham gia cấp uỷ cùng cấp khoá (2010-2015), đúng theo yêu cầu của cấp uỷ, của ngành.
Ngày 22/10/2007, Đảng ủy Dân chính đảng đã có Quyết định số 165-QĐ/ĐUK chỉ định bổ sung đồng chí Trần Nhơn Vượng - Đảng viên vào Ban Chấp hành Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2005 – 2010; Chuẩn y đồng chí Trần Đại Quang - Thường vụ Đảng ủy giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2005- 2010.
Đến Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh chọn thực hiện Đại hội thí điểm bầu trực tiếp Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư. Ngày 25/03/2015, Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020. Tại các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, qua kỳ đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã có 7/10 đơn vị có cán bộ chủ chốt tham gia cấp ủy, đạt tỷ lệ 70%.
Giai đoạn này, bộ máy lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh giai đoạn này có nhiều thay đổi. Ngày 01/6/2010, đồng chí Trần Lý Thảo – Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nghỉ hưu theo chế độ; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 18/QĐ-VKSTC ngày 13/4/2010 bổ nhiệm đồng chí đồng chí Trần Nhơn Vượng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kể từ ngày 15/4/2010. Đến năm 2012, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 86, 87/QĐ-VKSTC ngày 24/7/2012 bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Lại Đình Hùng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kể từ ngày 01/8/2012.
Ngày 01/9/2012, đồng chí Hoàng Trọng Khảm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về hưu theo chế độ. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 108/QĐ-VKSTC ngày 27/8/2012 bổ nhiệm đồng chí Trần Đại Quang - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kể từ ngày 1/9/2012.
img 0532 1
Đ/c Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC trao quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Trần Đại Quang được bổ nhiệm Viện trưởng và các đồng chí Lại Đình Hùng, Nguyễn Thanh Hải được bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như vậy, Bộ máy lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh lúc này gồm có đồng chí Trần Đại Quang - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Trần Nhơn Vượng, đồng chí Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Lại Đình Hùng - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
Về cơ cấu tổ chức bộ máy có sự thay đổi, từ chỗ 07 phòng nghiệp vụ nay tách thành 09 phòng nghiệp vụ, theo đó: Phòng tổ chức cán bộ - khiếu tố tách ra thành Phòng tổ chức cán bộ và Phòng khiếu tố; Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự tách ra thành Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế và chức vụ và Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án trật tự xã hội, án an ninh, ma túy.
Tiếp tục, ngày 12/12/2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 01/QĐ-VKSTC về việc chia tách phòng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế: chia tách Văn phòng tổng hợp và Thống kê tội phạm.Trên cơ sở đó, ngày  25/12/2013, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 130,131/QĐ-VKS-P9 thành lập Văn phòng tổng hợp và Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin kể từ ngày 01/01/2014.
 
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2014
sodo2012
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: hàng năm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã cử cán bộ theo học các khoá đào tạo do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức tại Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp cấp ủy địa phương cử cán bộ tham gia học lý luận chính trị cao cấp.
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp luôn chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức hội nghị triển khai công tác, hội nghị rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát; công tác tài chính, công tác văn phòng; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra, yêu cầu tự kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát trên các lĩnh vực nhằm kịp thời giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn, các vướng mắc về nghiệp vụ, chấn chỉnh các thiếu sót, tồn tại, bàn biện pháp hoạt động để công tác kiểm sát ngày càng có chất lượng và hiệu quả.
Công tác thống kê tội phạm và công nghệ thông tin được quan tâm và chú trọng đầu tư. Tại viện kiểm sát nhân dân tỉnh 100% cán bộ, công chức đều được trang bị máy cá nhân để phục vụ công tác; đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính cá nhân đạt tỷ lệ 90% trở lên. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh trong toàn ngành. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là việc đưa vào sử dụng hệ thống họp trực tuyến trong toàn ngành, kết nối hơn 800 điểm cầu trên cả nước đã giúp cho việc tổ chức các hội nghị, tập huấn được thuận lợi hơn, hạn chế được việc đi lại tiết kiệm chi phí.
 Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường theo Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 14/8/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hằng năm, thanh tra về việc chấp hành kỷ luật nội vụ tại các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân hai cấp. Qua các cuộc thanh tra, Thanh tra Viện kiểm sát tỉnh đã tham mưu lãnh đạo kiến nghị các đơn vị kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.

Giai đoạn từ 2005 đến 2009, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba”  và đến năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhì”; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ III (giai đoạn 2010-2015).

Tin, ảnh: Nguyễn Liêm - Lược trích tài liệu "Lịch sử VKSND Thừa Thiên Huế (1975 - 2020)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây