Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020

Thứ hai - 20/07/2020 11:25
Trong 5 năm gần đây (giai đoạn từ 2016 - 2020) Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã áp dụng nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả trong hoạt động công tác nghiệp vụ, trong xây dựng và phát triển đã đem lại nhiều thành tích cho đơn vị, để lại dấu ấn đậm nét, được chính quyền địa phương đánh giá cao.
Đồng chí Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trao cờ Thi đua Chính Phủ cho VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.
Đồng chí Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trao cờ Thi đua Chính Phủ cho VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019.
Trong những năm từ 2016 - 2020, tình hình tội phạm tăng so với những năm trước, xuất hiện một số dạng tội phạm khá mới như lợi dụng mạng internet, dữ liệu điện tử để đánh bạc, lừa đảo, chống phá chế độ. Về tình hình tội phạm liên quan đến an ninh chính trị xảy ra không đáng kể. Tuy nhiên, tình hình tôn giáo vẫn diễn biến phức tạp. Các cá nhân, tổ chức phản động tiếp tục có nhiều hoạt động chống phá chính quyền như soạn thảo, tán phát nhiều tài liệu phản động có nội dung xấu, kích động biểu tình, tuần hành trái pháp luật; móc nối, liên kết trong ngoài để hoạt động chống phá chế độ, sử dụng mạng xã hội facebook để đăng tải, tán phát nhiều thông tin, tài liệu có nội dung xuyên tạc, vu cáo lãnh đạo, tuyên truyền những thông tin sai sự thật nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động biểu tình nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Trước tình hình đó, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã ban hành kiến nghị, công văn yêu cầu khắc phục các vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ quyết định không khởi tố. Yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị can khi có đủ căn cứ. Trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan điều tra hai cấp, ban hành kết luận, kiến nghị. Nhờ phát huy những kết quả tốt đã thực hiện trong những năm trước, chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố ngày càng được nâng cao, vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ theo yêu cầu của Nghị quyết 37/QH13 và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề ra.
Thực hiện các nội dung Chỉ thị 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện kiểm sát hai cấp tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp, các kiểm sát viên đã tham gia cùng Điều tra viên trong các hoạt động điều tra. Qua việc thực hiện có hiệu quả trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nên chất lượng công tố xét xử cũng được nâng cao, việc bảo vệ cáo trạng, tranh tụng tại phiên tòa có chất lượng. Các trường hợp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra đều được kiểm sát chặt chẽ, nhất là các trường hợp ở cấp huyện đều được Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh thẩm định. Không có trường hợp đình chỉ điều tra do không cấu thành tội phạm.
Trong 5 năm, Viện kiểm sát hai cấp thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra 3028 vụ/ 4798 bị can. Trong đó có một số vụ án hình sự đáng chú ý như: vụ án Phạm Hồng Hải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền 12.118.600.000 đồng; vụ án “Giết người” do đối tượng Hồ Vinh Minh Quang, Hồ Minh Thắng gây ra trên địa bàn thành phố Huế; vụ án Lâm Đại Phi tội “Mua bán trái phép chất ma túy” với tăng vật thu được gồm nhiều loại ma túy tổng hợp với số lượng gần 2,4kg .v.v.

Một bước ngoặt lớn trong giai đoạn này là Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời, thay thế cho Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 và Bộ luật tố tụng hình sự 2003, tạo tiền đề cho các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều kết quả xuất sắc trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện yêu cầu của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc triển khai thực hiện số hóa hồ sơ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân, từ ngày 01/8/2019, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện đồng bộ công tác số hóa hồ sơ án hình sự đối với các vụ án hình sự có một trong bốn tiêu chí: vụ án có nhiều bị can, bị cáo; vụ án có mâu thuẫn trong các lời khai, chứng cứ; vụ án phức tạp; vụ án có Luật sư tham gia. Tính đến tháng 6 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp triển khai thực hiện đồng bộ công tác số hóa hồ sơ án hình sự và đã tiến hành số hóa 100% hồ sơ án hình sự, đã phối hợp với Tòa án nhân dân hai cấp tổ chức gần 100 phiên tòa có trình chiếu tài liệu, chứng cứ đã được số hóa tại phiên tòa. Việc số hóa hồ sơ đã phục vụ có hiệu quả cho công tác tranh tụng tại phiên tòa, giúp Kiểm sát viên chủ động tranh tụng và đối đáp thuyết phục với luật sư, bị cáo và người tham gia tố tụng khác. Ngoài ra, còn cung cấp tài liệu cho người bào chữa, bị can nhanh chóng và khoa học, đặc biệt là việc lưu trữ hồ sơ dữ liệu điện tử.
Về công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội và Thông tư liên ngành Trung ương, từ ngày 01/10/2019, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã đồng loạt triển khai và thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung, lấy lời khai. Từ  01/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đều đã bố trí phòng ghi âm, ghi hình có âm thanh riêng, đảm bảo thực hiện tốt việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra cùng cấp thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh 100% vụ án hình sự kể từ khi Cơ quan điều tra thụ lý vụ án, đảm bảo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Ngày 25/11/2015 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính có hiệu từ ngày 01/7/2016, đã trực tiếp tác động đến công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn mới. Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính 2015 đã khẳng định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên, kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng. Luật lần này đã có những quy định cụ thể các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa; quy định nội dung phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát khi tham gia phiên tòa; quy định thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát.
Theo Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định từ ngày 01/7/2016 các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện do Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết, do vậy các vụ án hành chính trong giai đoạn này phần lớn liên quan đến các tranh chấp về quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết nên khi phát sinh vụ kiện đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và Viện kiểm sát cấp tỉnh.
Năm 2020, điểm nổi bật trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động đó là việc số hóa hồ sơ án dân sự, hành chính... Nhận thấy hiệu quả từ việc số hóa hồ sơ đã giúp Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu, giải quyết vụ án, đặc biệt là việc lưu trữ, tra cứu hồ sơ, nên ngay từ đầu năm 2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành số hóa hồ sơ án dân sự. Tính đến tháng 6 năm 2020, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tiến hành 100% hồ sơ án dân sự, hành chính.
img 1727 1
Toàn thể đảng viên của Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm tại Đại Hội Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Về hệ thống tổ chức và công tác xây dựng ngành
Viện kiểm sát nhân dân tình Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của nhà nước và của Ngành về công tác tổ chức cán bộ. Kiện toàn, sắp xếp, bố trí biên chế hợp lý, tập trung bố trí lực lượng Kiểm sát viên cho công tác nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các luật mới về tư pháp.
Ngày 01/9/2018, đồng chí Trần Đại Quang - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nghỉ hưu theo chế độ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 66/QĐ-VKSTC ngày 20/9/2018 bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thanh Hải -  Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ ngày 01/10/2018.
Nhằm tằng cường bộ máy lãnh đạo, ngày 24/02/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 09/QĐ-VKSTC bổ nhiệm đồng chí Hồ Thanh Hải giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ ngày 01/3/2020.
Như vậy, bộ máy lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có 04 đồng chí: đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng; các đồng chí  Trần Nhơn Vượng, Lại Đình Hùng, Hồ Thanh Hải - Phó Viện trưởng.
Năm 2019, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về luân chuyển, điều động, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến năm 2026, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với việc bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý cấp huyện không phải là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (không giữ chức vụ cấp trưởng liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, đơn vị); gắn công tác luân chuyển cán bộ với công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ trên tinh thần đổi mới công tác cán bộ theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.
Về tổ chức bộ máy có sự thay đổi, thực hiện Quyết định số 38/QĐ-VKSTC ngày 20/3/2017 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thành lập Thanh tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 12/5/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 678/QĐ-VKS-P15 về việc thành lập Thanh tra kể từ ngày 01/6/2017.
Thực hiện Quyết định số 38/HD-VKSTC ngày 31/01/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc sáp nhập đơn vị cấp phòng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã sáp nhập Phòng Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với Thanh tra; Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự với Phòng Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin với Văn phòng tổng hợp. Sau khi sáp nhập, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế từ 11 đơn vị cấp phòng còn 8 đơn vị cấp phòng.
 
SƠ ĐỒ TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ HIỆN NAY
sodo2020
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn này có sự thay đổi căn bản, thay vì cử cán bộ đi học tại các trường nghiệp vụ, hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mở nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát cho công chức nghiệp vụ ngay tại đơn vị để mở rộng số lượng cán bộ, công chức được bồi dưỡng về nghiệp vụ. Nhằm tăng cường về trình độ lý luận chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với Trường đào tạo chính trị Nguyễn Chí Thanh và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở lớp Trung cấp lý luận chính trị cho 80 học viên (trong đó công chức Viện kiểm sát nhân dân tỉnh là 40 người).
Ngày 16/11/2019, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Quy định số 44- QĐ/BCSĐ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, ký cam kết thực hiện Quy định trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, công chức của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, tập trung vào các nội dung chủ yếu như: về tư tưởng chính trị; về đạo đức lối sống; về ý thức tổ chức kỷ luật; về phê bình và tự phê bình; về đoàn kết nội bộ đơn vị; quan hệ với nhân dân và trách nhiệm trong công tác được giao.
Mối quan hệ hợp tác quốc tế về tư pháp giữa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với Viện kiểm sát nhân dân các nước luôn được chú trọng, quan tâm, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới. Tháng 6 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp đón Đoàn Đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào sang thăm và làm việc; tháng 8 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sang thăm và làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào. Tại các buổi gặp mặt, Viện kiểm sát nhân dân hai bên đã tiến hành hội đàm trao đổi kinh nghiệm về công tác tương trợ tư pháp, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Viện kiểm sát nhân dân của hai nước. Tháng 9 năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp đón Đoàn đại biểu Viện kiểm sát tối cao Hungary do ông Péter Polt - Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Hungary dẫn đầu sang thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
img 8825
Đoàn Đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đầu sang thăm và làm việc  với VKSND tỉnh Salavan, nước Cộng hoà DCND Lào năm 2019
 Công tác xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn này của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được thể hiện đậm nét và được Chính quyền địa phương đánh giá cao. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được phân công tổ chức các hoạt động giúp đỡ 97 hộ nghèo tại hai thôn Lê Triêng 2 và thôn Đụt, xã Hồng Trung, huyện A Lưới. Từ nguồn kinh phí thường xuyên, hằng năm mỗi cán bộ, công chức ở Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp một đến hai ngày lương cùng với nguồn lực tự nguyện của các cá nhân trong và ngoài cơ quan, nguồn lực từ các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhằm phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã xóa được 07 ngôi nhà tạm, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng cùng với kỷ thuật nuôi trồng cho 30 hộ gia đình với tổng kinh phí hỗ trợ gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ người nghèo thuộc dự án di dời, tái định cư và giải phóng mặt bằng kinh thành Huế với số tiền gần 20 triệu đồng.
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” và "Nói không với túi ni lông sử dụng một lần" theo lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường góp phần thực hiện thành công Đề án Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng” của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, công chức và người lao động Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tham gia nhiệt tình các hoạt động của cơ quan, đoàn thể làm vệ sinh cơ quan và các tuyến đường, nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh.
Những tháng đầu năm 2020, sự bùng phát đột ngột của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt của toàn thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ nguồn đóng góp từ 01 - 02 ngày lương của công chức, người lao động Viện kiểm sát nhân dân hai cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã trao tặng 05 bộ máy vi tính và 05 máy in có trị giá 53,5 triệu đồng đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế (Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh) nhằm trang bị cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch Covid-19; trao tặng 100 suất quà có trị giá 20 triệu đồng cho 100 hộ nghèo thuộc 02 thôn của xã Hồng Trung (nay là xã Trung Sơn), huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa vượt qua khó khăn trong đợt dịch Covid-19, trao tặng cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Salavan một số nhu yếu phẩm và vật tư y tế với tổng giá trị là 50 triệu đồng tại cửa khẩu La Lay,  qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dụng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tô thắm thêm tình hữu nghị gắn bó lâu nay giữa, nhằm tăng cường nguồn lực cùng với cả nước, cả tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân tại địa phương.

Trong giai đoạn này, chính nhờ sự chủ động, sáng tạo, nhạy bén, nhất trí đồng lòng của tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động Viện kiểm sát nhân dân hai cấp trong việc áp dụng các mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả tại đơn vị đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động Viện kiểm sát nhân dân hai cấp. Chính vì vậy, vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và hình ảnh người cán bộ Kiểm sát ngày càng được nhiều người dân biết đến và tin yêu.
ANHTOANTHE
Toàn thể cán bộ, công chức Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Lê Minh Trí - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, để có được những thành tựu trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, giúp đỡ kịp thời của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp ủy Đảng; sự giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng cấp; sự phối hợp, tạo điều kiện có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; sự động viên, khích lệ, ủng hộ to lớn của các thế hệ cán bộ, lãnh đạo ngành Kiểm sát qua các thời kỳ; sự cống hiến, đóng góp nhiệt tình của các thế hệ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát và sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân trong suốt quá trình hoạt động của ngành. Ngành Kiểm sát tỉnh Thừa Thiên Huế có quyền tự hào về những thành tựu mà mình đã đạt được, vững bước tiến lên giành nhiều thắng lợi mới, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Tin, ảnh: Nguyễn Liêm - Lược trích tài liệu "Lịch sử VKSND Thừa Thiên Huế (1975 - 2020)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây