VKSND Thừa Thiên Huế: Công tác kiểm sát tuân theo pháp luật về hành chính, kinh tế, xã hội giai đoạn 1989 đến 2002.

Thứ hai - 06/07/2020 22:44
Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 đã quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Do vậy công tác kiểm sát tuân theo pháp luật về hành chính, kinh tế xã hội ngay từ đầu đã là một khâu công tác quan trọng của ngành kiểm sát nhân dân.
Đồng chí Viện trưởng Hoàng Trọng Khảm (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát tuân theo pháp luật về hành chính, kinh tế xã hội ...năm 1995
Đồng chí Viện trưởng Hoàng Trọng Khảm (ngoài cùng bên phải) tại Hội nghị tập huấn công tác kiểm sát tuân theo pháp luật về hành chính, kinh tế xã hội ...năm 1995
Về nền kinh tế, năm 1989 tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, cơ chế quản lý kinh tế dần dần được thay đổi, tác động đến sự phát triển sức sản xuất, nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khu vực kinh tế quốc doanh đã xuất hiện những đơn vị làm ăn khá; các hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật được củng cố và phát triển. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng khó khăn, ách tắc; công tác quản lý, nhất là quản lý kinh tế còn bộc lộ nhiều sơ hở, yếu kém; đòi hỏi các cơ quan nội chính, trước hết là Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế tăng cường công tác kiểm sát lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và báo vệ quyền dân chủ của công dân.
Trên lĩnh vực kinh tế, việc thực hiện luật đất dai và Nghị quyết 10 (khoán 10) của Bộ Chính trị đã mở ra hướng làm ăn mới ở nông thôn, vai trò kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được tái khẳng định, quan hệ giữa nông dân với hợp tác xã đã có sự đổi mới về căn bản; từ sự phụ thuộc, ỷ lại hợp tác xã, hộ nông dân đã chuyển sang chủ động và bình đẳng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật đất đai và khoán 10, qua công tác kiểm sát, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã phát hiện ra các vi phạm như: tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể. Riêng huyện Hương Phú đã xảy ra 14 trường hợp. Việc phân chia đất đai và giao khoán ruộng đất còn xảy ra sự bất công và chưa hợp lý, nhất là trong việc đấu thầu, có nơi lợi dụng việc đấu thầu để lấy lại ruộng đất tốt của nông dân, như hợp tác xã Nam Sơn thuộc huyện Hương Điền. Các thành phần kinh tế nợ quá hạn đối với ngân hàng diễn ra phổ biến, riêng ở hai huyện Hương Phú và Hương Điền, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể nợ quá hạn đã lên đến 1 tỷ l52 triệu đồng. Một số công ty thương nghiệp như Công ty Thương nghiệp Phú Lộc, Hương Phú đã bị cá nhân chiếm dụng tới 600 triệu đồng không có khả năng hoàn trả. Trong 11 đơn vị thuộc 5 ngành: Ngoại thương, Thủy sản, Công nghiệp, Nông nghiệp và Lâm nghiệp, tổng số vốn chiếm dụng lên đến 551.526.048 đồng.
Trong điều kiện vừa mới tách tỉnh, lực lượng cán bộ của Viện mỏng, nhưng để phục vụ cho 3 chương trình kinh tế lớn của tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm sát hai ngành kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và ngân hàng. Qua kiểm sát tại chỗ Ngân hàng Công thương của tỉnh và Ngân hàng Phát triển nông nghiệp huyện Hương Phú, đã phát hiện vi phạm trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh tín dụng tuỳ tiện, sử dụng nguồn vốn không hợp lý, trích nộp lợi nhuận chưa đúng với quy định, tọa chi tiền mặt, hạch toán sai tài khoản... Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ngành đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 88.373.531 đồng. Việc phúc tra lĩnh vực quản lý sử dụng đất cho thấy việc cấp đất, sử dụng ruộng đất không còn tuỳ tiện, lãng phí như trước. Tuy nhiên, ở một số địa phương việc cấp đất chưa đúng thẩm quyền, việc thanh lý tài sản, khấu hao tài sản chưa chặt chẽ, như Hợp tác xã Tiến Lực thuộc huyện Phú Lộc. Qua các điểm kiểm sát việc tuân theo pháp luật, đã phát hiện tài sản bị xâm hại 590.424.454 đồng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã kiến nghị thu hồi tài sản trị giá 294.052.346 đồng cho ngân sách Nhà nước. Có thể khẳng định công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã bám sát các chủ trương lớn của Đảng và tình hình thực tế của địa phương, căn cứ vào pháp luật của Nhà nước, chức năng nhiệm vụ của ngành, tùy theo tình hình vi phạm mà đưa ra những biện pháp thích hợp để kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Trong năm 1990, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp tập trung vào lĩnh vực kinh doanh thương mại, quản lý thị trường và lĩnh vực nông nghiệp. Đối với lĩnh vực kinh doanh thương mại và quản lý thị trường, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã kiểm sát 19 đơn vị quốc doanh, 17 đơn vị hành chính sự nghiệp làm kinh tế, 17 đơn vị tập thể và 221 hộ tư nhân. Các vi phạm pháp luật diễn ra rất đa dạng và phức tạp như tư thương núp dưới bóng liên doanh, liên kết để trốn thuế... Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra, Công an, Tài chính, Quản lý thị trường; tranh thủ ý kiến lãnh đạo của cấp uỷ, sự phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh; nên công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã có những biện pháp thích hợp, tích cực, phát hiện được nhiều vụ việc, xử lý thu hồi cho ngân sách, góp phần ngăn chặn các vi phạm pháp luật, từng bước hướng hoạt động kinh doanh thương mại và quản lý các hộ kinh doanh di vào nề nếp.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù do tách huyện, lực lượng cán bộ thiếu, nhưng với sự nỗ lực cao, toàn ngành đã tiến hành kiểm sát về tình hình thực hiện luật đất đai, thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, phát hiện ra những vi phạm về cấp đất sai thẩm quyền, mua bán và chuyển nhượng đất đai, lấn chiếm đất trái phép... để xử lý.
Năm 1991 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, cũng là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện kế hoạch 5 năm 1991 - 1995. Để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo ngành hướng vào công tác kiểm sát đấu tranh ngăn chặn và bài trừ nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí; tập trung phát hiện xử lý nghiêm các tội tham ô, hối lộ và các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái những quy định của Nhà nước; đồng thời đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân, gắn với việc xây dựng ngành thực sự trong sạch và vững mạnh.
Trong 5 năm (1991 - 1995), thông qua công tác trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, đã phát hiện các vi phạm; đó là tình trạng nợ nần, chiếm dụng cũng vẫn xảy ra phổ biến, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, vỡ nợ, việc thanh toán công nợ theo chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng gặp nhiều khó khăn. Năm 1991 toàn tỉnh có số nợ phải thu là 20,101 tỷ đồng, năm 1992 có 161 đơn vị, xí nghiệp tham gia thanh toán công nợ, với tổng số nợ phải trả là 22,308 tỷ dồng. Hầu hết các đơn vị đều làm ăn thua lỗ, không có khả năng hoàn trả nợ. Đây là vấn đề nhức nhối cho nền kinh tế của tỉnh. Tình trạng xâm chiếm, bán và cấp đất trái phép, trái thẩm quyền cũng xảy ra ở khá nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là ở Hương Thuỷ, Hương Trà, Phú Lộc và thành phố Huế. Riêng năm 1993 đã có 8 trường hợp mua bán đất, tham ô tiền bán đất, thu lệ phí chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc tranh chấp đất đai xảy ra liên tục, có vụ tranh chấp gay gắt dẫn đến xô xát, đập phá tài sản, gây mất trật tự công cộng như tại xã Phú Diên huyện Phú Vang.
Trên lĩnh vực thuế và quản lý thị trường, qua kiểm sát đã phát hiện các hiện tượng tiêu cực còn xảy ra. Năm 1993 tại Chi cục thuế huyện Phú Vang, tổ trưởng tổ thu thuế nông nghiệp cùng với một số cán bộ thu thuế đã biển thủ 39 tấn thóc. Tình hình buôn bán, kinh doanh trái phép diễn ra ở nhiều nơi, chủ yếu là ở thành phố Huế. Nhiều tư thương núp bóng chở hàng hóa để nhập lậu vào cảng Thuận An. Năm 1994 buôn bán hàng cấm xảy ra 953 vụ, đã phạt và truy thu thuế tiểu ngạch trên 7 tỷ đồng; kinh doanh trái phép, trốn thuế 1.238 vụ, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thực hiện chỉ thị hàng năm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế hướng trọng tâm vào kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các ngành kinh tế trọng điểm như nông nghiệp, thương mại, quản lý thị trường, xây dựng cơ bản, ngân hàng và công tác kiểm sát văn bản.
Thông qua các đợt kiểm sát việc tuân theo pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phát hiện những vi phạm về luật đất đai. Năm 1991 kiểm sát 10 đơn vị, đã phát hiện có 763 hộ sử dụng đất nông nghiệp làm nhà trái phép, 42 trường hợp cấp đất không đúng thẩm quyền, 66 trường hợp mua bán đất đai và lấn chiếm. Năm 1992 đã phát hiện 22 trường hợp làm nhà trái phép, 5 trường hợp cấp đất trái phép. Năm 1995 kiểm sát 15 đơn vị, thì đã có tới 155 trường hợp cấp đất sai thẩm quyền, 224 trường hợp lấn chiếm đất đai, 78 trường hợp chuyển nhượng trái phép, 12 trường hợp sử dụng đất nhưng không nộp thuế và 3 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích.
Đối với lĩnh vực thương mại và quản lý thị trường, nhất là trong xuất nhập khẩu, quản lý và sử dụng ngoại tệ, năm 1991 kiểm sát 26 đơn vị thì có 1.247.210 USD không bán cho quỹ ngoại tệ tập trung, mà đưa số tiền đó ra bán ở thị trường tự do hay cho vay lấy lãi. Về quản lý vốn và tài sản, kiểm tra 5 đơn vị thì chỉ có 3 đơn vị được giao vốn, 2 đơn vị còn lại chưa được giao vốn; do vậy để có vốn kinh doanh, buộc hai đơn vị trên phải sử dụng nguồn vốn vay, vốn huy động hoặc vốn chiếm dụng trong thanh toán.
Đặc biệt, công tác kiểm sát văn bản cũng được coi trọng. Qua kiểm sát, phát hiện nhiều văn bản pháp quy vi phạm pháp luật: năm 1991 phát hiện 1 văn bản ban hành trái quy định của nhà nước, năm 1992 trong 69 văn bản kiểm sát thì đã có 9 văn bản có vi phạm, năm 1994 đã phát hiện 28 văn bản có vi phạm pháp luật, và đến năm 1995 qua kiểm sát đã phát hiện 6 văn bản có vi phạm pháp luật Hầu hết các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền hoặc sai về thể thức, nội dung văn bản ban hành có những quy định trái với pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân dã yêu cầu uỷ ban cùng cấp chấp nhận huỷ bỏ.
Năm 1996, trên lĩnh vực kinh tế, nhìn chung có những chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp cũng như năng suất sản lượng lương thực tăng, giá cả thị trường ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện. Song, công tác quản lý vẫn còn nhiều sơ hở, tình hình vi phạm và tội phạm vẫn thường xuyên xảy ra, tình trạng nợ thuế và kinh doanh trốn thuế còn nhiều. Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực thuế, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cùng với các cơ quan thi hành pháp luật đã phát hiện và xử lý nhiều vụ án kê khai thuế không đầy đủ, tính sai thuế suất, chưa chấp hành tốt chế độ kế toán tài chính, hạch toán chi phí không đúng quy định... làm thất thu ngân sách. Trong 5 năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 7.378 vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép trốn thuế, thu nộp ngân sách trên 10 tỷ 997 triệu đồng. Điều đáng quan tâm là số vụ buôn lậu, kinh doanh trái phép có chiều hướng gia tăng, từ 1.140 vụ năm 1996 tăng lên 1.691 vụ năm 1999, và năm 2000 là 1.573 vụ.
Trên lĩnh vực tín dụng ngân hàng, tình trạng vỡ nợ, làm ăn thua lỗ vẫn xảy ra với số lượng lớn. Qua kiểm sát ở 4 ngân hàng: Nông nghiệp, Công thương, Ngoại thương và Đầu tư, số dư nợ quá hạn đã lên đến 192,72 tỷ đồng, trong đó năm 1996 có số dư nợ quá hạn cao nhất là 80,7 tỷ đồng. Tình hình vỡ hụi xảy ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, riêng năm 1996 đã xảy ra trên 15 vụ với số tiền trên 20 tỷ đồng.
Năm 2002,theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, đã có bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát . Để thực hiện cải cách tư pháp, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 được Quốc hội thông qua ngày 02/4/2002 qui định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Bắt đầu từ đó Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, mà tăng cường chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Nguồn tin: Lịch sử VKSND Thừa Thiên Huế - 30 năm xây dựng và trưởng thành (1975 - 2005)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây