Giáo dục người chưa thành niên phạm tội thành người có ích cho xã hội

Thứ tư - 22/02/2012 07:28
Giáo dục người chưa thành niên phạm tội thành người có ích cho xã hội
Ngày 17/02/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Nghị định nêu rõ, việc thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội phải tuân theo các quy định của pháp luật hình sự, thi hành án hình sự nhằm giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục sửa chữa sai phạm, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống cộng đồng, phát triển lành mạnh, trở thành người có ích cho xã hội.

UBND cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và cá nhân được giao giám sát, giáo dục có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư cơ sở và gia đình, thường xuyên gặp gỡ, giáo dục, động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của người được giáo dục để tìm biện pháp giúp đỡ; đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tạo điều kiện cho người được giáo dục ổn định cuộc sống; hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, cấp mới, cấp đổi hoặc cấp lại Giấy CMND...

Trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, người được giáo dục được tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú; được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương...

Khi người được giáo dục đã chấp hành được 1/2 thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2012 và thay thế Nghị định số 59/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ.

Cùng ngày Chính phủ cũng đã ra Nghị định số 09/2012/NĐ-CP ngày 17/02/2012 quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Người lưu trú được bố trí ở buồng tập thể theo giới tính; diện tích chỗ nằm tối thiểu là 3m2/người, có phòng vệ sinh, có chiếu, chăn và màn; tiêu chuẩn ăn của mỗi người lưu trú trong 01 tháng được tính theo định lượng: 17 kg gạo tẻ thường, 0,7 kg thịt, 0,8 cá, 0,1 kg muối, 0,5 kg đường loại trung bình... định lượng này được quy đổi ra tiền theo thời giá thị trường tại địa phương nơi có cơ sở lưu trú.

Người lưu trú được hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh trong khuôn viên của cơ sở lưu trú; mỗi phòng được trang bị 01 máy vô tuyến truyền hình màu và được mượn sách, báo của cơ sở lưu trú; được liên lạc bằng điện thoại, gửi thư cho thân nhân và cơ quan lãnh sự theo quy định của cơ sở lưu trú.

Cũng theo Nghị định này, trẻ em dưới 16 tuổi là con của người lưu trú ở cùng cha, mẹ tại cơ sở lưu trú được bố trí diện tích chỗ nằm cùng phòng với cha, mẹ tại cơ sở lưu trú phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm lứa tuổi, giới tính...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2012.


 
 Tags: n/a

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
vksndtc
kiem sat online
Bao ve Phap luat
chinhphu
tthue
tinhuy