Kế hoạch Triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Thứ năm - 31/05/2012 20:54
Để công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và kiểm điểm Đảng viên trong Đảng bộ thực sự có chất lượng và hiệu quả; Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) trong Đảng bộ. Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân Thừa Thiên Huế đăng toàn văn Kế hoạch, cụ thể:

ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TW
ĐẢNG ỦY VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
*
Số 286-KH/ĐU

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
 

Hà Nội, ngày 27 tháng 4 năm 2012
 
 
KẾ HOẠCH
Triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”
 
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012) và Chỉ thị số 15-CT/TW, Kế hoạch số 08-KH/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết; căn cứ các hướng dẫn của Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Kế hoạch của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về thực hiện Nghị quyết; Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) trong Đảng bộ như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong Đảng bộ nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng về một số vấn đề cấp bách để xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.
- Xác định rõ thời gian, các bước tiến hành, nội dung cụ thể từng bước: Triển khai học tập và công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.
- Triển khai Nghị quyết phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp bộ đảng và toàn Đảng bộ, trực tiếp thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đồng thời gắn với các giải pháp đồng bộ, sát với yêu cầu thực tiễn trong Đảng bộ Khối và được thực hiện thận trọng, nghiêm túc.
- Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải dựa trên các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy, đảm bảo hiệu quả thật sự.
- Sau học tập Nghị quyết, kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải tạo được sự chuyển biến thật sự trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, tập thể; tạo được sự chuyển biến trong xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
II. CÁC NỘI DUNG TIẾN HÀNH
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết và công tác tuyên truyền
Cấp ủy các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai phổ biến, quán triệt Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương và cấp ủy cấp trên, xây dựng kế hoạch triển khai của cấp mình. Tổ chức các hội nghị quán triệt, phổ biến Nghị quyết bảo đảm nghiêm túc, chất lượng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng.
1.1. Các lớp của Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm:
a. Lớp tại cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao
 Thành phần: Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng của Đảng bộ đang làm việc, công tác tại cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao số 44 Lý Thường Kiệt và số 109 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
b. Lớp tại Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát
Thành phần: Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng của Đảng bộ đang làm việc, công tác tại Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát.
c. Lớp tại Đà Nẵng
Thành phần: Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng của Đảng bộ đang làm việc, công tác tại Đà Nẵng.
d. Lớp tại thành phố Hồ Chí Minh
Thành phần: Toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng của Đảng bộ đang làm việc, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.
1.2.  Nội dung, thời gian quán triệt, học tập Nghị quyết
- Nội dung:
+ Các nội dung cơ bản Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
+ Các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên.
+ Kế hoạch thực hiện của Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thời gian: 01 ngày, tất cả các lớp hoàn thành trong tháng 5/2012.
1.3. Công tác tuyên truyền
- Cùng với việc tổ chức các lớp quán triệt, học tập Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các cấp ủy, đặc biệt là Chi uỷ Chi bộ Báo bảo vệ pháp luật, Tạp chí kiểm sát thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng trong đơn vị, cơ quan, trong ngành và trong xã hội.
- Nội dung tuyên truyền và tiến độ thời gian thực hiện theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
2. Tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ
2.1. Đối tượng, nội dung kiểm điểm
a. Đối tượng kiểm điểm
- Tập thể Ban Thường vụ, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Tập thể Ban Thường vụ, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Văn phòng.
- Tập thể Đảng ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cục điều tra hình sự, Đảng bộ Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát.
- Tập thể chi ủy, các đồng chí chi ủy viên chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.
- Tất cả đảng viên đều kiểm điểm ở chi bộ.
b. Nội dung kiểm điểm của tập thể và cá nhân
Nội dung kiểm điểm bám sát các nội dung kiểm điểm của cấp ủy và cá nhân được nêu trong Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị. Cụ thể:
Căn cứ vào 3 nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 và Quy định về những điều đảng viên không được làm, đối chiếu với tình hình hiện tại và có liên hệ những năm trước đó để kiểm điểm làm rõ khuyết điểm, yếu kém.
- Nội dung 1: Về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
+ Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, phụ hoạ theo nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc, thậm chí xuyên tạc, bôi đen; không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, không hoàn thành bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nói và làm trái với Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, quy định của Đảng.
+ Biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống: Sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, chỉ lo vun vén bản thân và gia đình, để người thân lợi dụng vị trí của mình nhằm trục lợi; cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp…; bè phái, cục bộ, kèn cựa gây mất đoàn kết; kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán; tham nhũng, bè phái vì lợi ích nhóm; quan liêu, xa dân, sống xa hoa hưởng lạc và vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân.
Kiểm điểm phải làm rõ biểu hiện, mức độ suy thoái, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và phương hướng đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng suy thoái.
Đây là nội dung trọng tâm, chi phối hai nội dung tiếp theo nên cần được kiểm điểm kỹ.
- Nội dung 2: Về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
+ Làm rõ những yếu kém của tập thể và cá nhân trong công tác tổ chức, cán bộ.
+ Kiểm điểm việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.
Trong kiểm điểm chú ý các hiện tượng (nếu có): vì người mà sinh thêm tổ chức, biên chế; độc đoán, mất dân chủ, cục bộ địa phương trong các khâu của công tác cán bộ; tác động của người thân và bên ngoài đối với công tác cán bộ; thái độ và sự đấu tranh với sai trái trong công tác cán bộ…
Xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ.
- Nội dung 3: Về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
+ Kiểm điểm chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và việc cụ thể hoá nguyên tắc này.
+ Làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và của cá nhân người đứng đầu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong công tác cán bộ và quản lý tài chính, đầu tư, mua sắm…
Xác định hiện tượng (nếu có): Lợi dụng danh nghĩa tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân; thành tích thì của cá nhân, khuyết điểm đổ cho tập thể.
Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm.
c. Đối với kiểm điểm của tập thể cần đi sâu và làm rõ hơn ở từng nội dung
- Đã có những chủ trương, biện pháp gì để lãnh đạo xây dựng lập trường tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên? Việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm được tiến hành như thế nào? Đã có những hình thức, biện pháp gì trong phát hiện, giáo dục, đấu tranh ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc cấp mình quản lý? Nội bộ cấp uỷ, tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết hoặc có mất đoàn kết không? Khi có tình hình, vụ việc sai sót, vi phạm xảy ra đã thực sự thẳng thắn tự phê bình và phê bình chưa? Đã thực sự quyết tâm xem xét, giải quyết dứt điểm những sai sót, khuyết điểm nổi cộm, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà dư luận quan tâm, bức xúc chưa?
 Nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân của người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái và giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái.
- Trong lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đã thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ như thế nào? Đã thực hiện và vận dụng nghị quyết, chỉ thị của Trung ương để đề ra những chủ trương, giải pháp gì? Công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo cán bộ ở cơ quan, đơn vị đã thực chất chưa? Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị chưa?
Kiểm điểm làm rõ những trường hợp bổ nhiệm, đề bạt, bố trí cán bộ không đúng người, đúng việc làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và sự phát triển của ngành, cơ quan, đơn vị. Xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, của cá nhân về những thiếu sót, khuyết điểm và phương hướng khắc phục.
- Kiểm điểm về quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc thực thi quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong mối quan hệ với quyền hạn, trách nhiệm của tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị như thế nào? Kiểm điểm việc thực hiện quy chế làm việc; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; trách nhiệm của tập thể trong việc thảo luận và ban hành các quyết định về công tác cán bộ và thực hiện nhiệm vụ chính trị… Kiểm điểm cá nhân người đứng đầu có biểu hiện độc đoán, gia trưởng, “lấn sân”, quyết định hoặc chỉ đạo không đúng thẩm quyền, trách nhiệm hay không? Có để mất đoàn kết nội bộ kéo dài hay không? Có chậm xử lý hoặc xử lý không dứt điểm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, để dư luận dị nghị hay không? Quan hệ giữa người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền đã thực sự đoàn kết, thống nhất chưa? Đã thực sự dân chủ trong sinh hoạt đảng, trong công tác cán bộ (đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bố trí sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ…) và trong quyết định các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án đầu tư chưa? Nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và biện pháp khắc phục.
Trong kiểm điểm tập thể cần đi sâu phân tích, làm rõ tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cục bộ, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu hình thức, biện pháp ngăn chặn, răn đe, xử lý đối với các sai phạm của tổ chức và cá nhân, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm.
d. Đối với kiểm điểm của cá nhân
- Cá nhân tự giác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung của Nghị quyết và Quy định về những điều đảng viên không được làm; theo các nội dung góp ý (nếu có) của tổ chức, cá nhân đối với mình; kiểm điểm về trách nhiệm cá nhân với những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể.
- Bám sát các nội dung thứ nhất (ở mục b nêu trên): Tự giác, trung thực, soi xét mình về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống; tinh thần thái độ trong đấu tranh phê phán quan điểm, việc làm sai trái với Cương lĩnh, Điều lệ, các nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng. Có đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân trong ý thức và việc làm cụ thể không? Có tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa? Có để người thân lợi dụng chức vụ để trục lợi không? Đã trung thực trong kê khai tài sản chưa? Đã đoàn kết nội bộ tốt chưa?
- Cá nhân là cấp uỷ viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần liên hệ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân khi tham gia cùng tập thể quyết định các vấn đề liên quan được nêu trong nội dung 2-3 (ở mục b nêu trên). Xác định trách nhiệm cá nhân về những thiếu sót. khuyết điểm của tập thể và phương hướng, biện pháp khắc phục.
2.2. Nội dung thực hiện và cách thức tiến hành ở Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Bước 1: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý trước khi kiểm điểm
- Tập thể Ban Thường vụ và cá nhân Uỷ viên Ban Thường vụ lấy ý kiến góp ý từ các tập thể và cá nhân sau: Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối (gợi ý nếu có); Ban Cán sự đảng; các đoàn thể trong cơ quan; các đảng uỷ, chi uỷ trực thuộc; các đồng chí đã nghỉ hưu nguyên là Bí thư, Phó Bí thư đảng uỷ cơ quan (ý kiến được thể hiện bằng phiếu xin ý kiến theo mẫu Đảng ủy Khối ban hành).
- Cá nhân các Uỷ viên Ban Thường vụ còn lấy ý kiến góp ý của chi uỷ nơi cư trú và chi uỷ nơi đang sinh hoạt để trình bày khi kiểm điểm.
- Thời gian thực hiện: Trong tháng 8/2012.
 Lưu ý: Ý kiến góp ý của tập thể, tổ chức được thể hiện bằng văn bản chính thức của tập thể, tổ chức. Ý kiến góp ý của cá nhân được viết bằng văn bản ghi rõ họ tên, địa chỉ. Ý kiến phát biểu tại hội nghị được ghi vào biên bản hội nghị và được đại biểu nhất trí.
Bước 2: Tiếp thu ý kiến, xây dựng báo cáo kiểm điểm, tiến hành kiểm điểm
- Ban Thường vụ Đảng ủy tiếp thu ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân được thực hiện trong bước 1, tiếp thu gợi ý chỉ đạo của Đảng uỷ Khối (nếu có) để chuẩn bị xây dựng báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và kiểm điểm của các Uỷ viên Ban Thường vụ.
- Ban Thường vụ chỉ đạo Văn phòng Đảng uỷ chuẩn bị nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Ban thường vụ. Sau khi hoàn thành dự thảo báo cáo kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ, gửi báo cáo cho các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ để viết kiểm điểm cá nhân. Trong kiểm điểm cá nhân làm rõ trách nhiệm cá nhân về những thiếu sót, khuyết điểm trong điều hành chung của tập thể Ban Thường vụ.
- Tiến hành kiểm điểm:
+ Tiến hành kiểm điểm tập thể và thông qua báo cáo kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ trước.
+ Kiểm điểm cá nhân:
Các đồng chí Uỷ viên Ban thường vụ kiểm điểm ở Ban thường vụ. Đồng chí Bí thư, các Phó Bí thư kiểm điểm trước, các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ kiểm điểm sau. Từng cá nhân trình bày bản tự kiểm điểm, các đồng chí khác góp ý, sau đó cá nhân tiếp thu để hoàn chỉnh.
 Khi tiến hành kiểm điểm có đại diện Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương dự, theo dõi.
Các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ kiểm điểm ở chi bộ nơi đang sinh hoạt.
Thời gian thực hiện: trong tháng 9/2012.
Bước 3: Báo cáo việc kiểm điểm, tiếp thu ý kiến và thông báo kết quả kiểm điểm
- Ban Thường vụ Đảng ủy báo cáo kết quả kiểm điểm (tập thể và cá nhân) trước Ban Chấp hành Đảng bộ để Ban Chấp hành thảo luận, góp ý kiến.
- Bằng hình thức phù hợp (gửi văn bản hoặc cử đại diện gặp trao đổi...) để thông báo, tiếp thu các ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân đã góp ý trong bước 1.
- Hoàn chỉnh báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ, bản kiểm điểm cá nhân của các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ.
Thời gian thực hiện: Trong tháng 10/2012.
2.3 Nội dung thực hiện và cách thức tiến hành ở các đảng bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc
Các đảng uỷ, chi uỷ trực thuộc chỉ đạo và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp uỷ và tổ chức đảng theo nội dung và cách làm tương tự ở Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thời gian thực hiện: trong tháng 10/2012
- Khi thực hiện cần chú ý các nội dung sau:
+ Tập thể Ban Thường vụ, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng thực hiện việc kiểm điểm như Ban Thường vụ Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
+Tập thể Đảng ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cục Điều tra hình sự, Đảng bộ Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát kiểm điểm tại hội nghị Ban Chấp hành.
+ Tập thể chi ủy, các đồng chí chi ủy viên, đảng viên các chi bộ kiểm điểm tại hội nghị chi bộ.
- Lấy ý kiến góp ý:
Tập thể Ban Thường vụ và cá nhân uỷ viên Ban Thường vụ lấy ý kiến góp ý từ các tập thể và cá nhân sau: Ban Thường vụ Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gợi ý nếu có); tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị; các chi uỷ trực thuộc (đối với các đảng uỷ); các đồng chí đã nghỉ hưu nguyên là Bí thư, Phó Bí thư đảng uỷ, chi uỷ cơ quan, đơn vị.
Cá nhân cấp uỷ viên (thuộc diện kiểm điểm nêu trên) lấy ý kiến góp ý của chi uỷ nơi cư trú và chi uỷ nơi đang sinh hoạt để trình bày khi kiểm điểm.
- Khi kiểm điểm có đại diện Ban Thường vụ Đảng uỷ Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự, theo dõi.
III. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Ban Thường vụ Đảng uỷ chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm ở các cấp uỷ. Qua theo dõi, kiểm tra quá trình kiểm điểm ở các đảng bộ, chi bộ, nếu đơn vị nào tiến hành không đạt yêu cầu sẽ chỉ đạo kiểm điểm lại.
- Trên cơ sở đã được phân công phụ trách, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện theo từng nội dung công tác và việc triển khai thực hiện ở các đảng bộ, chi bộ trực thuộc.
- Một số nội dung cụ thể:
+ Văn phòng Đảng ủy: Tham mưu xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, báo cáo chung về tình hình, kết quả triển khai thực hiện ở Đảng bộ để gửi về Đảng uỷ Khối trước 10/12/2012.
+ Uỷ ban kiểm tra: Tham mưu giúp Ban Thường vụ gợi ý kiểm điểm tự phê bình, phê bình với các tổ chức đảng cấp dưới và cá nhân đảng viên. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết.
+ Ban Tổ chức: Tham mưu tổ chức Hội nghị lấy ý kiến, hướng dẫn về phiếu xin ý kiến, tổng hợp các ý kiến đóng góp với Ban Thường vụ và các uỷ viên Ban Thường vụ.
+ Ban Tuyên giáo: Tham mưu chỉ đạo công tác triển khai học tập Nghị quyết và công tác tuyên truyền trong Đảng bộ; nắm diễn biến dư luận và phản ảnh kịp thời với Ban Thường vụ Đảng ủy; tổng hợp và báo cáo tình hình phổ biến, quán triệt Nghị quyết trong Đảng bộ với Ban Thường vụ.
+ Ban Dân vận: Tham mưu việc lấy ý kiến đóng góp của tập thể lãnh đạo các đoàn thể quần chúng về sự lãnh đạo của tập thể cấp ủy và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy viên.
2. Các đảng ủy, chi uỷ trực thuộc
- Căn cứ Kế hoạch của Đảng ủy cơ quan, các đảng ủy, chi uỷ trực thuộc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) trong đảng bộ, chi bộ đảm bảo nghiêm túc về nội dung, đúng tiến độ về thời gian.
- Sau khi hoàn thành, gửi báo cáo về Ban Thường vụ Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Văn phòng Đảng uỷ) trước ngày 10/11/2012, gồm:
+ Báo cáo về tình hình, kết quả kiểm điểm của đảng bộ, chi bộ (nêu kết quả, chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, của cá nhân về những khuyết điểm, yếu kém trong 3 nội dung kiểm điểm; đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục yếu kém; đề xuất kiến nghị, vấn đề cần rút kinh nghiệm).
+ Báo cáo kiểm điểm của tập thể ban thường vụ, tập thể đảng ủy, chi ủy và bản kiểm của cá nhân./.
 
Nơi nhận:
- Đảng uỷ Khối (để b/cáo);
- BCS đảng VKSNDTC (để b/cáo);
- Các đ/c Ủy viên BCH Đảng bộ (để t/hiện);
- Các đảng ủy, chi uỷ trực thuộc (để t/hiện);
- Lưu VP.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
 
 
(Đã ký)
 
 
 
Nguyễn Thị Thuỷ Khiêm

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây