Sử dụng Phần mềm XMind để xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án

Thứ tư - 12/06/2024 00:25 4.581 0
Để triển khai thực hiện xây dựng Sơ đồ tư duy trong báo cáo án, Kiểm sát viên nên sử dụng phần mềm XMind - phần mềm chuyên biệt để xây dựng sơ đồ tư duy. Phần mềm XMind có thể cài đặt và sử dụng trên nhiều hệ điều hành phổ biến khác nhau.
Sử dụng Phần mềm XMind để xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án
Để sử dụng phần mềm Xmind xây dựng sơ đồ tư duy báo cáo án hình sự, Kiểm sát viên thực hiện theo các bước cụ thể như sau:
Xác định mục đích xây dựng sơ đồ và lựa chọn từ khoá chứa đựng các chứng cứ sẽ sử dụng để đưa vào sơ đồ tư duy. Kiểm sát viên mở phần mềm Xmind và lựa chọn loại sơ đồ tư duy phù hợp với mục đích cần báo cáo sau đó xây dựng hai sơ đồ tư duy thể hiện nội dung vụ án và sơ đồ hệ thống, đánh giá hoá chứng cứ.
-    Xây dựng sơ đồ tư duy phản ảnh nội dung vụ án
Thông thường để báo cáo vụ án, Kiểm sát viên phải xây dựng sơ đồ thời gian để mô tả diễn biến hành vi phạm tội và nội dung tổng quan của vụ án. Tại các ô chính trong dòng thời gian, Kiểm sát viên đưa những nội dung liên quan đến thời gian như ngày, giờ, địa điểm phạm tội. Sau đó tại các ô thể hiện thời gian, Kiểm sát viên mở rộng để thêm các thông tin thể hiện nội dung: tại thời điểm trên, ai (đối tượng hoặc bị can) đã thực hiện hành vi phạm tội như thế nào, đối với ai, xâm phạm khách thể nào được BLHS bảo vệ....
Kiểm sát viên có thể lựa chọn trình tự tố tụng vụ án thì thay vì sử dụng các mốc thời gian, Kiểm sát viên đưa các nội dung thể hiện giai đoạn tố tụng  vào trục thời gian chính trên sơ đồ như tại giai đoạn xác minh tin báo, giai đoạn điều tra, giai đoạn bắt giữ, giai đoạn khám xét... sau đó thực hiện việc đưa các thông tin, chứng cứ tương tự như trong trường hợp sử dụng thời gian.
   Xây dựng sơ đồ hệ thống, đánh giá hóa chứng cứ
Sau khi xây dựng sơ đồ thời gian để trình bày nội dung vụ án, Kiểm sát viên tiếp tục xây dựng sơ đồ hệ thống hoá chứng cứ. Thông thường, Kiểm sát viên sử dụng loại sơ đồ cây để hệ thống hoá chứng cứ. Kiểm sát viên đưa nội dung liên quan đến: tư cách tham gia tố tụng, họ tên, ngày tháng năm sinh (trong trường hợp cấu thành tội phạm có liên quan đến tuổi) vào các trường chủ đề chính. Sau đó, tại các trường chủ đề chính, Kiểm sát viên sử dụng phím “TAB” để mở rộng sơ đồ ra nhiều nhánh nhỏ và đưa các nội dung liên quan đến: nhân thân, hành vi, vai trò... để làm rõ các chứng cứ buộc tội - gỡ tội (nếu có) và các vấn đề khác cần chứng minh trong vụ án hình sự.
Giữa các đối tượng - bị can, Kiểm sát viên sử dụng đường nối thông qua công cụ “Relationship” - Xmind để thể hiện mối quan hệ giữa các đối tượng - bị can - bị hại - người liên quan.
Để nhấn mạnh và phân biệt tư cách tham gia tố tụng của những người trên sơ đồ, Kiểm sát viên sử dụng công cụ Fill trong thanh công cụ “panel” bên tay phải phần mềm Xmind để thay đổi màu sắc, đóng khung các đối tượng quan trọng trên sơ đồ hoặc để phân biệt ai là bị can, ai là bị hại trên sơ đồ.
Đối với các chứng cứ khó mô tả bằng chữ viết (hiện trường hoặc công cụ phạm tội....), Kiểm sát viên sử dụng công cụ Insert/Attachment hoặc Insert/Picture để đính kèm hình ảnh hoặc file PDF để minh hoạ cho các chứng cứ trên.
Ngoài ra, Xmind (bản có phí) cho phép Kiểm sát viên đính kèm các file ảnh, file PDF thể hiện các chứng cứ như lời khai, sơ đồ hiện trường, hình ảnh hiện trường, thương tích, nạn nhân để minh hoạ thông qua thanh công cụ Insert/Attachment hoặc Insert/Picture.
Trong trường hợp sơ đồ tư duy bắt buộc phải chứa đựng quá nhiều nội dung không thể lọc, bỏ dẫn đến việc khó khăn cho trinh chiếu và trình bày, Kiểm sát viên sử dụng thanh công cụ Insert/New sheet from topic để “cắt” nhỏ sơ đồ tổng thành các sơ đồ nhỏ và bổ sung thêm nội dung chi tiết (nếu cần thiết).
Trong trường hợp sơ đồ tư duy chứa đựng nhiều nội dung - chứng cứ để phục vụ cho nhiều mục đích, có thể Lãnh đạo Viện kiểm sát sẽ quan tâm đến một số các vấn đề trong hồ sơ cần làm rõ như các mâu thuẫn trong lời khai, tài liệu thể hiện việc bỏ trốn, nhân thân người phạm tội, các đối tượng chưa được làm rõ... Thông thường, để đảm bảo cho tính tập trung và định hướng của sơ đồ tư duy, các nội dung này có thể không được thể hiện chi tiết trong sơ đồ, tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên vẫn thề hiện các nội dung này trên sơ đồ nhưng khi báo cáo theo mục đích chính của sơ đồ, Kiểm sát viên sử dụng tính năng “ẩn-hiện” của Xmind để ẩn các nội dung này, khi Lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu thì Kiểm sát viên hiện các nội dung cần thiết để báo cáo.
Ví dụ: Sơ đồ tư duy chứa đựng các chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can để phục vụ mục đích báo cáo phê chuẩn khởi tố bị can về tội Trộm cắp tài sản và chứa đựng các nội dung liên quan đến nhân thân người phạm tội để phục vụ việc phê chuẩn Lệnh tạm giam. Khi trình bày đề xuất phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Kiểm sát viên có thể ẩn các nội dung liên quan đến nhân thân người phạm tội (trường hợp nhân thân người phạm tội không liên quan đến việc phê chuẩn khởi tố bị can).
Sau khi hoàn thành sơ đồ tư duy, Xmind cũng cho phép Kiểm sát viên trình chiếu kết quả thông qua công cụ Pitch. Việc trình chiếu thông qua Xmind cũng tương tự như trên PowerPoint, tuy nhiên do Xmind chỉ chuyên về xây dựng sơ đồ nên không cho phép thay đổi phương thức trình chiếu. 
Trường hợp không trình chiếu được trên máy tính, Kiểm sát viên có thể lưu lại sơ đồ tư duy thành định dạng file PDF, sau đó in ra để báo cáo Lãnh đạo viện bằng công cụ File/Export, chọn định dạng file PDF sau đó lưu lại và in.
Trường hợp sau khi báo cáo, Lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu thay đổi phương thức trình bày hoặc bổ sung các nội dung chi tiết trên sơ đồ tư duy, Kiểm sát viên thay đổi tại mục structure trong thanh công vụ Right panel ở bên tay phải của phần mềm để thay đồi các dạng sơ đồ và kết hợp các dạng sơ đồ tư duy với nhau trong cùng một Sơ đồ.
Ngoài hai loại sơ đồ tư duy thể hiện nội dung vụ án và sơ đồ hệ thống, đánh giá chứng cứ, Kiểm sát viên tuỳ vào mục đích, yêu cầu của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân có thể sử dụng các dạng sơ đồ tư duy khác được dựng sẵn mô hình trên phần mềm Xmind để xây dựng sơ đồ tư duy phù hợp, các bước tiến hành tương tự như đối với hai loại sơ đồ trên.
Tải Phần mềm XMind tại đây

Nguồn tin: Công văn số 4125/VKSTC-V2 ngày 28/10/2022 hướng dẫn việc xây dựng Sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết vụ án hình sự

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây