Bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên các cấp, thời gian qua, Đoàn thanh niên của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế luôn chủ động nghiên cứu, tìm tòi những mô hình mới, triển khai nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, địa bàn; phạm vi tổ chức được thực hiện rộng khắp từ tỉnh đến thôn/xóm/tổ dân phố, từ người dân lao động đến học sinh, sinh viên…; các hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên các kênh thông tin đại chúng được đẩy mạnh; thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật... Đặc biệt, mô hình “Phiên toà giả định” là một trong những hình thức tuyên truyền sáng tạo và mang lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo người dân, đoàn viên thanh niên tham gia.
Đoàn thanh niên VKSND các cấp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền dưới hình thức “Phiên toà giả định”
Khác với các hình thức tuyên truyền khác, “Phiên tòa giả định” được xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết với đầy đủ thành phần (chủ tọa phiên tòa, thư ký, kiểm sát viên, hội thẩm nhân dân, bị cáo, người bị hại, nhân chứng, cán bộ công an bảo vệ phiên tòa) và diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bên cạnh đó, các vấn đề quan trọng của phiên tòa như: nội dung vụ án, bản cáo trạng và bản luận tội của Kiểm sát viên; đề cương xét hỏi giữa Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa với bị cáo, bị hại, người làm chứng, Kiểm sát viên, Luật sư; bản án của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa … yêu cầu công chức, Kiểm sát viên tham mưu kịch bản phải đầu tư “chất xám”, chắt lọc những thông tin, nội dung trọng tâm, sát với tình hình vi phạm tội phạm tại địa bàn, dễ hiểu và mang tính giáo dục cao, hướng tới đối tượng tuyên truyền là người dân và đoàn viên thanh niên.
“Phiên tòa giả định” là hình thức tuyên truyền mang tính tương tác cao, diễn biến phiên tòa phải phản ánh đầy đủ các tình tiết của vụ án trên thực tế nhưng vẫn đảm bảo sinh động, không gây nhàm chán cho người xem. Công chức, Kiểm sát viên phụ trách hoạt động đã dày công nghiên cứu, xây dựng kịch bản chi tiết, có tính logic và gần gũi với cuộc sống. Vừa nhạy bén, vừa sáng tạo trong việc lựa chọn những vụ án nổi cộm tại địa phương và bổ sung các tình tiết mới, phù hợp để tạo ra tính hấp dẫn cho vụ án; vừa cụ thể hóa các tình huống pháp lý phù hợp với tâm lý và khả năng tiếp thu thông tin của đông đảo người xem, kết hợp với dàn dựng video clip nội dung vụ án và trình chiếu tại phiên tòa.
Vì vậy, từ chỗ chưa hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật, người tham dự phiên tòa giả định sẽ nhớ đến các hành vi vi phạm của bị cáo và các chế tài pháp luật điều chỉnh có liên quan. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để khán thính giả đưa ra các câu hỏi để được giải đáp trực tiếp tại chương trình, qua đó hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật liên quan đến chủ đề của phiên tòa, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.
Điển hình như trong đại dịch Covid – 19, nhiều tầng lớp nhân dân vẫn chưa nhận thức đúng sự nguy hiểm của dịch bệnh, phần lớn vẫn còn tâm lý chủ quan, ngại khai báo với cơ quan có thẩm quyền và chưa được thông tin đầy đủ về các quy định của pháp luật liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh, do đó đã xảy ra nhiều vụ việc người dân trốn khỏi khu cách ly tập trung; khai báo y tế gian dối và hành vi chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình đó, Ban chấp hành Chi đoàn VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động phối hợp với các Trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn thành phố tổ chức phiên tòa giả định vụ án “Chống người thi hành công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19” cho hơn 400 đoàn viên sinh viên…
Hay lựa chọn địa bàn là điểm nóng về tội phạm ma túy để xây dựng phiên tòa giả định với nội dung “Mua bán trái phép chất ma túy” cho đông đảo bà con nhân dân sinh sống tại đường Trần Huy Liệu, phường Đông Ba, thành phố Huế. Điểm nhấn tại chương trình là sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là sự có mặt của một số thanh niên và đối tượng nghiện ma túy đến lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện của bản thân, qua đó nâng cao ý thức phòng, chống và hạn chế sự gia tăng loại tội phạm này cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư trong thời gian tới.
Có thể khẳng định rằng, “Phiên tòa giả định” là một hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả rõ rệt, tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân một cách trực quan sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu. Đối với cán bộ Kiểm sát trẻ, đây cũng là dịp để nghiên cứu sâu về chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Bên cạnh mục đích tuyên truyền, góp phần để mỗi công dân trong xã hội đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, các phiên tòa giả định đã góp phần giúp người dân hiểu biết về chức năng, nhiệm vụ, vị trí của Ngành Kiểm sát Nhân dân và mang lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân về hình ảnh người cán bộ Kiểm sát.