Những câu hỏi chung:
Bộ luật Hình sự quy định về “Đương nhiên được xóa án tích” tại Điều 70 như sau:
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Theo quy định tại Điều 87 và Điều 102 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, biên bản về hoạt động điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm là một loại nguồn chứng cứ và những tình tiết được ghi trong biên bản này có thể được coi là chứng cứ. Biên bản này được lập và đưa vào hồ sơ vụ việc. Theo Mẫu số 145 ban hành kèm theo Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự hướng dẫn về Biên bản xác minh như sau: “Biên bản này đã đọc cho những người có tên trên nghe, công nhận đúng và ký tên xác nhận dưới này".
Khoản 1 Điều 435 BLTTHS năm 2015 quy định về quyền của người đại diện của pháp nhân: "được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm; được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu...".
BLTTHS năm 2015 không có quy định pháp nhân (hoặc người đại diện của pháp nhân) được giao, cung cấp biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.
Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, doanh nghiệp (hoặc người đại diện của doanh nghiệp) đang kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm sẽ không được giao, cung cấp biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm mà chỉ được yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm; cho đọc, ghi chép bản sao tài liệu (hoặc tài liệu đã được số hóa) liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc tài liệu khác có liên quan kể từ khi kết thúc điều tra.
Câu trả lời có tính chất tham khảo.
1. Hiện nay chưa có văn bản quy định thống nhất thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo. Việc xác định thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo mới chỉ được quy định tại một số văn bản như:
- Theo Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.
- Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không định nghĩa thế nào là bệnh hiểm nghèo nhưng đã liệt kê 42 loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo.
- Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
- Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm: Các bệnh ung thư, các bệnh hệ thần kinh; các bệnh về gan; các bệnh hệ tiết niệu; các bệnh chuyển hóa; các bệnh hệ hô hấp; các bệnh hệ tuần hoàn; các bệnh hệ cơ, xương, khớp; hội chứng suy giảm miễn dịch.
Do vậy, khi áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tùy từng trường hợp có thể áp dụng các quy định nêu trên để xử lý.
2. Việc xác định có mất năng lực hành vi hay không phải thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: "Khi một người do bị bệnh tâm thân hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự".
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp mất năng lực hành vi không được coi là bệnh hiểm nghèo.