Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên những năm 1986 - 1989

Thứ bảy - 18/04/2020 15:08

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986.
Mở đầu giai đoạn này là một sự kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng phát triển đất nước, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986. Trên cơ sở đánh giá toàn diện những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, phân tích sâu sắc tình hình chính trị - kinh tế - xã hội trong nước, cục diện kinh tế thế giới và khu vực, Đại hội đã quyết định đường lối đổi mới. Đây là bước chuyển biến quan trọng có tác động đến mọi mặt kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng của cả nước.
Bình Trị Thiên là tỉnh có nhiều thành phần kinh tế, trong đó ở khu vực phía Bắc (Quảng Bình và Vĩnh Linh) nền kinh tế chủ yếu có 3 thành phần, phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp, nên khi chuyển sang kinh tế thị trường còn nhiều lúng túng; do đó đã phát sinh những vi phạm trong quản lý kinh tế, số vụ tham ô, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản công dân có chiều hướng gia tăng. Ở miền Nam nền kinh tế có nhiều thành phần, đa dạng, phức tạp, nên khi chuyển sang kinh tế thị trường thì các thành phần này nắm bắt nhanh, hình thức vi phạm tinh vi hơn, các vụ án diễn ra có chiều hướng phức tạp, đa dạng hơn. Bên cạnh các loại tội phạm hình sự như giết người, cướp của, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản công dân... thì những vụ án vi phạm chế độ quản lý kinh tế, quản lý tài chính ngày càng tăng. Đặc biệt sau đợt đổi tiền và tổng điều chỉnh giá cá, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước khá phức tạp. Giá cả thị trường tăng nhanh cùng với luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, sự phá hoại của địch; bọn đầu cơ buôn lậu tung tiền, vét hàng, găm hàng gây bất ổn tình hình kinh tế - xã hội.
Sự vận động hàng hoá tiền tệ trong lưu thông càng khó khăn, hoạt động kinh doanh của thương nghiệp càng lúng túng trong phương thức mua và bán. Trong khi đó, một số đơn vị thương nghiệp và hợp tác xã mua bán chạy theo cơ chế thị trường, tranh mua, tranh bán, tuỳ tiện nâng giá, ép giá làm cho thị trường thêm rối ren, phức tạp. Các hiện tượng tiêu cực không những chưa được chặn đứng mà còn có xu hướng phát sinh. Tội phạm trong lĩnh vực kinh tế tiếp tục phát triển, nhiều vật tư quan trọng như phân đạm, thuốc trừ sâu, xi măng, xăng dầu...và các mặt hàng thiết yếu khác bị tuồn ra thị trường tự do. Không ít cán bộ, nhân viên nhà nước thoái hoá, biến chất... Một số cơ quan nhà nước không có chức năng hoạt động ngoại thương cũng mua bán các loại hàng xuất
Trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, vi phạm nổi lên là vấn đề phân phối lưu thông vật tư nông nghiệp và vật tư ngư nghiệp như phân đạm, thuốc trừ sâu, ngư lưới cụ, xăng dầu, vi phạm trong việc khoán sản phẩm... Số vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa năm 1986 là 350 vụ, trong đó đáng lưu ý có 161 cán bộ công nhân viên, 37 cán bộ hợp tác xã vi phạm. Số vụ đầu cơ buôn lậu cũng rất lớn (riêng ngành Hải quan đã phát hiện buôn lậu qua biên giới là 1.318 vụ), ngành Kiểm sát đã phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng xử lý 900 đối tượng, trong đó có 170 đối tượng là cán bộ công nhân viên.

Nguyên nhân của tình hình vi phạm trên trước hết là do trình độ quản lý kinh tế của ta còn thấp, chưa chặt chẽ, cơ chế quản lý chưa thống nhất, các vi phạm chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh để giáo dục phòng ngừa. Tình hình an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cũng diễn biến khá phức tạp. Năm 1986 đã ngăn chặn và xử lý 61 vụ vượt biển trốn ra nước ngoài; mở các đợt truy quét tội phạm hình sự, bắt 1.030 trường hợp, tiến hành xử lý 572 trường hợp.
 
6 3
Năm 1987, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tình hình kinh tế- xã hội có nhiều khó khăn, an ninh chính trị diễn biến phức tạp. Nhưng được sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp uỷ Đảng, sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, ngành Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã tập trung lực lượng thực hiện tốt Nghị quyết VI của Đảng, các Nghị quyết 2, 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhằm phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn và 4 vấn đề cấp bách trong lĩnh vực phân phối lưu thông.
Tình hình quốc phòng an ninh trong tỉnh 6 tháng cuối năm 1987 có diễn biến phức tạp, nhất là vùng biên giới. Chấp hành chỉ thị của Thường vụ Tỉnh uỷ về việc đề phòng toán gián điệp Hoàng Cơ Minh đang tìm cách từ Lào xâm nhập vào Việt Nam, ngành Kiểm sát có phương án cùng lực lượng bộ đội biên phòng và công an phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương ở A Lưới, Nam Đông chuẩn bị tăng cường lực lượng, phương tiện để sẵn sàng phá tan âm mưu xâm nhập của địch.

Trên mặt trận đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, hưởng ứng lời kêu gọi “Những việc cần làm ngay” của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đăng trên các báo trung ương và địa phương, lên án những cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các vụ việc tiêu cực làm ảnh hưởng thanh danh của Đảng; Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên đã ra Chỉ thị số 10 (6-7-1987), yêu cầu các ngành, các cấp tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào tự phê bình, phê bình công khai, kiên quyết xử lý các vụ tiêu cực. Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Tỉnh uỷ, Viện Kiểm sát nhân dân Bình Trị Thiên đã kết hợp với Công an, Toà án và các ngành hữu quan giải quyết kịp thời một số vụ trọng án, án trọng điểm, án thời sự. Đã chú trọng giải quyết và xử lý nghiêm các tội phạm vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, từng bước lập lại công bằng trong xã hội, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án hình sự đã có sự phối hợp đồng bộ, phối hợp giải quyết vụ Lê Viết Tân là kế toán trưởng cùng đồng bọn ở Công ty Lương thực A Lưới can tội “đầu cơ và tham ô” 19.000 kg gạo. Trong năm 1987 đã phát hiện được hơn 600 vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và gần 100 vụ buôn lậu, thu hàng hoá có giá trị hàng tỉ đồng.

Năm 1988, quán triệt Chỉ thị 01 của đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngành Kiểm sát Bình Trị Thiên đã có chương trình hành động phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Với phương châm vừa chống vừa xây, lấy xây làm chính, đã kết hợp tốt hai mặt chống và xây, tạo thành một khối thống nhất có tác động hỗ trợ lẫn nhau. Viện Kiểm sát hai cấp đã tiến hành kiểm sát 87 đơn vị, trong đó kiểm sát tại chỗ 30 điểm, phối hợp kiểm sát 32 điểm, và yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra 25 điểm. Công tác kiểm sát đã bám sát 3 chương trình kinh tế, đi sâu vào các ngành trọng điểm như ngoại thương, vật tư nông nghiệp, lương thực... Riêng điểm kiểm sát ngoại thương đã triển khai sớm từ cuối năm 1987. Cả hai cấp tỉnh và huyện đã kịp thời phối hợp và hỗ trợ cho nhau để có đủ tài liệu, chứng cứ kết luận vi phạm một cách chặt chẽ, góp phần làm chuyển biến một bước ý thức tuân thủ pháp luật trong các ngành kinh tế.
Trong kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử hình sự, do tình hình diễn biến phức tạp, các loại tội phạm phát sinh nhanh. Trong năm 1988, toàn tỉnh triệt phá được 89 băng, ổ, nhóm, bắt hơn 300 tên tội phạm nguy hiểm. Các tội đầu cơ, buôn lậu, tham ô, kinh doanh trái phép đều tăng. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã chủ động bàn bạc với công an, Toà án giải quyết nhanh các vụ án điểm. Có những vụ từ lúc khởi tố điều tra, truy tố đến khi xét xử chỉ có 21 ngày... Số án kiểm sát điều tra đạt tỷ lệ cao, chất lượng được đảm bảo. Trong kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, chất lượng hồ sơ được nâng lên rõ rệt.
Về mặt an ninh quốc phòng, dựa trên tinh thần Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 26-5-1988 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ngăn chặn tình hình vượt biên trốn ra nước ngoài, và Chỉ thị 25/CT-TW ngày 20-7-1988 của Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Trị Thiên về các biện pháp ngăn chặn hiện tượng này; ngành Kiểm sát tỉnh đã có kế hoạch phối hợp các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành, các đoàn thể và nhân dân tiến hành chống âm mưu tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài, góp phần ổn định công tác an ninh trên địa bàn tỉnh.
Về công tác kiểm sát xét xử dân sự, đã đi sâu phục vụ việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, phát hiện nhiều hợp đồng kinh tế có vi phạm, nắm chắc tình hình nợ tồn đọng, chiếm dụng vốn để kịp thời xử lý. Trong năm 1988, việc thanh tra chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế được triển khai trong 261 đơn vị cơ sở trên toàn tỉnh, xem xét 4.039 hợp đồng với tổng giá trị 28,5 tỉ đồng, giải quyết 225 vụ tranh chấp đưa lại kết quá tốt.
Về công tác kiểm sát giải quyết đơn khiếu tố, vào thứ 5 hàng tuần, lãnh đạo hai cấp đã trực tiếp tiếp dân. Bộ phận chuyên trách hàng ngày theo dõi, quản lý các đơn thư khiếu nại. Đã thụ lý 1.704 đơn, trong đó có 631 đơn thuộc trách nhiệm ngành Kiểm sát giải quyết, đã giải quyết 490 đơn. Thông qua công tác giải quyết đơn, đã phát hiện khởi tố hình sự 6 vụ, 15 vụ về dân sự.

Năm 1989 là mốc đánh dấu những chuyển biến bước đầu của Bình Trị Thiên về quá trình đổi mới các hoạt động kinh tế xã hội, giải phóng sức sản xuất và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hoạt động kiểm sát đã đi vào nề nếp, các công tác triển khai đều bám sát kế hoạch của từng khâu, kết hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn để hoàn thành kế hoạch.
Tháng 7 năm 1989, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh Bình Trị Thiên được chia tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập và tiếp tục lãnh đạo cán bộ toàn ngành hoàn thành tốt kế hoạch năm 1989, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch trong giai đoạn 1989 - 2005.

Tin, ảnh: Trich "Lịch sử Viện KSND tỉnh Thừa Thiên Huế..."

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây