Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi.

Thứ sáu - 04/09/2015 16:15 5.548 0
Dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi lần này mang tính dự báo cao và tính ổn định, lâu dài. Một số quy định mới, những nội dung được sửa đổi, bổ sung của Dự thảo đã giải quyết được các vấn đề còn bất cập, tồn tại của thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 và các hành vi chưa được pháp luật hình sự điều chỉnh. Một trong số đó chính là qui định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự tại Thừa Thiên Huế (Ảnh minh họa)
Khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự tại Thừa Thiên Huế (Ảnh minh họa)
Theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Dự thảo sửa đổi lần này đã bổ sung TNHS đối với pháp nhân bằng 32 tội danh cụ thể như tội mua bán người, tội mua bán trẻ em, tội buôn lậu, tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại… Chúng tôi cho rằng, việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS vào thời điểm này là phù hợp và cần thiết, bởi lẽ:
 
Thứ nhất, tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội.
 
Thứ hai, mặc dù pháp luật đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính và có quy định trong pháp luật dân sự, kinh tế để người dân, cơ quan, tổ chức kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân có hành vi vi phạm, nhưng trên thực tế các quy định này còn bất cập, kém hiệu quả. Điều này một phần dẫn đến có tình trạng pháp nhân coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm. Mặt khác, mức phạt tiền trong Luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của pháp nhân rất thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, thủ tục kiện đòi bồi thường thiệt hại của người dân đối với pháp nhân phức tạp, nên người dân khó có điều kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
 
Thứ ba, việc quy định xử lý TNHS đối với pháp nhân là xu thế chung trên thế giới. Trong xu thế đó, nếu pháp luật không quy định TNHS đối với pháp nhân thì sẽ tạo ra môi trường bất bình đẳng trong việc xử lý pháp nhân vi phạm. Ví dụ như các pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh, nếu vi phạm có thể bị truy cứu THNS và phải chịu một mức hình phạt rất nặng, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam dù vi phạm đến mức nào cũng chỉ bị xử lý hành chính theo quy định hiện hành.
 
Về loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, chúng tôi cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi lần này; 32 tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là tương đối bao quát, đủ để xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng của pháp nhân. Tuy nhiên cũng xin được góp ý thêm, trong các tội về kinh tế, môi trường mà pháp nhân phải chịu TNHS cần quy định thêm hình phạt bổ sung "buộc khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại mà pháp nhân đã gây ra". Đối với tội mua bán, chiếm đoạt mô, tạng, bộ phận cơ thể người khác (Điều 153 Dự thảo sửa đổi), theo chúng tôi nên tách điều luật này ra thành hai tội danh khác nhau như: “Tội mua bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người” và “Tội chiếm đoạt mô, tạng, bộ phận cơ thể người”. Bởi lẽ hai hành vi này có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau, việc quy định và áp dụng hình phạt cũng cần tương xứng cho từng loại hành vị.
 
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi quy định đối với pháp nhân chủ yếu là hình phạt tiền và tước giấy phép hoạt động. Trong khi đó Điều 9 BLHS sửa đổi chỉ phân loại tội phạm dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và mức hình phạt để phân tội phạm thành 4 loại là ít nghiêm trọng (đến 3 năm), nghiêm trọng (đến 7 năm), rất nghiêm trọng (đến 15 năm tù) và đặc biệt nghiêm trọng (đến 20 năm tù, chung thân, tử hình). Như vậy, khi pháp nhân phạm tội sẽ căn cứ vào đâu để phân hóa tội phạm? Theo chúng tôi cần sửa đổi bổ sung thêm Điều 9 về phân loại tội phạm đối với hành vi phạm tội của pháp nhân. Đồng thời bổ sung các quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, án tích, xóa án tích đối với pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật hình sự lần này.

 

Tin, ảnh: Văn Luyện - Phòng 1 Viện KSND Thừa Thiên Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây