THỂ LỆ CUỘC THI “Xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án”

Thứ tư - 21/09/2022 16:06 993 0
Căn cứ Kế hoạch số 1769/KH-VKS ngày 13/9/2022 của Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức cuộc thi “Xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi); Căn cứ Quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành Thể lệ Cuộc thi như sau:
THỂ LỆ CUỘC THI “Xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án”
I. THỂ LỆ CUỘC THI
Thể lệ được áp dụng đối với Ban Tổ chức, Tổ chấm thi, Tổ giúp việc, các cá nhân, đơn vị tham gia Cuộc thi “Xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo án”.
1. Đối tượng dự thi: Theo Kế hoạch đã ban hành thì đối tượng phải dự thi gồm các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế; các đồng chí có tham gia lớp học “Bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022”. (sau đây gọi tắt là thí sinh)
2. Đề thi:
Các đơn vị chọn những vụ án có nhiều tình tiết, phức tạp và nội dung hay để gửi về Ban Tổ chức để làm Bộ đề thi.
+ Trước ngày thi Vòng loại, Bộ đề thi (gồm 30 đề về hình sự và 20 đề về dân sự) sẽ được tập hợp đánh số thứ tự đề thi và được ký số để bảo đảm không có sự thay đổi về nội dung và số thứ tự các đề thi trong Bộ đề.
+ Sau khi đã có Bộ đề thi chính thức và được niêm phong, các thí sinh sẽ được quyền chọn cho mình số thứ tự đề thi trong Bộ đề để làm bài. (Trong một đơn vị thì số thứ tự đề thi của các thí sinh chọn không được trùng nhau).
+ Đến ngày thi Vòng loại, khi Ban Tổ chức công bố bộ đề thi thì các thí sinh căn cứ vào số thứ tự đó để lấy đề thi của mình về làm và phải làm đúng đề thi có số thứ tự mà mình đã chọn.
3. Vòng loại:
3.1. Hình thức tổ chức: Vòng loại được tổ chức tại các đơn vị.

Trong thời gian quy định (7 ngày) kể từ lúc Ban tổ chức công bố Bộ đề thi qua các phương tiện như email đơn vị, group zalo, …các thí sinh sử dụng bất cứ phần mềm nào, bất cứ phương tiện máy tính nào (của cá nhân, của đơn vị) để xây dựng sơ đồ tư duy của vụ án trong đề thi của mình. Thời điểm công bố Bộ đề thi để bắt đầu thi Vòng loại và thời điểm kết thúc thi Vòng loại và gửi bài thi sẽ được Ban Tổ chức Thông báo bằng văn bản trước khi bắt đầu thi.
Bài thi được gửi về địa chỉ vkshue@gmail.com. Hết thời gian thi vòng loại, các bài thi được gửi về sẽ không được chấp nhận.
3.2. Nội dung thi Vòng loại. 
Bài thi Vòng loại sẽ được chấm căn cứ vào các tiêu chí như sau: 
+ Tính đầy đủ: Bài thi là một sơ đồ tư duy có đầy đủ thông tin vừa phải để chuyển tải nội dung vụ án, ngắn gọn nhưng đủ ý, có tính hệ thống logich và không bị lặp ý; sơ đồ có kết cấu rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu.
+ Tính đẹp: Sử dụng hình ảnh, màu sắc hợp lý, đúng nội dung cần nhấn mạnh; sử dụng biểu tượng, hình tượng mang tính liên tưởng, để gợi cho người nghe nhiều suy tưởng liên hệ, có sự hình dung cụ thể.
+ Tính độc đáo: Có những ý tưởng thể hiện độc đáo cá tính riêng của cá nhân thí sinh.
3.3. Về Chấm thi: Tổ Chấm thi sẽ chấm thi theo các tiêu chí trên, điểm tối đa 100 điểm (Trong đó Tính đầy đủ tối đa 50 điểm, Tính đẹp tối đa 30 điểm và Tính độc đáo tối đa 20 điểm). Điểm xếp loại Vòng 1 là tổng điểm bình quân của các Thành viên chấm thi. Sau khi có kết quả sẽ chuyển Tổ giúp việc tổng hợp. Trên kết quả Tổ giúp việc tổng hợp, Tổ chấm thi sẽ chọn 20 bài thi có điểm số từ cao đến thấp để tiếp tục tham gia Vòng chung kết.
4. Vòng chung kết 
4.1. Hình thức tổ chức

Vòng chung kết sẽ được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Tầng 4 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các thí sinh có bài thi được vào Chung kết sẽ trực tiếp thuyết trình báo cáo nội dung bài thi của mình trước Tổ chấm thi. Thời gian báo cáo không quá 10 phút.
4.2. Nội dung phần thi:
Phần thi này sẽ được chấm căn cứ vào các tiêu chí sau:
+ Kỹ năng thực hành công nghệ thông tin: Bao gồm kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng trình chiếu trên màn hình (chế độ phóng to, thu nhỏ phù hợp trong khi trình chiếu, tạo điểm nhấn…)
+ Kỹ năng thuyết trình: Bao gồm phong cách, giọng nói, sự phối hợp nhịp nhàng giữa nội dung trình bày và sơ đồ trình chiếu,
+ Ở phần này, sau khi trình bày xong nếu thấy cần thiết thì Tổ chấm thi sẽ đặt thêm các câu hỏi liên quan đến nội dung để làm rõ thêm phần trình bày của thí sinh.
4.3. Về chấm thi: 
Tổ chấm thi sẽ chấm thi theo các thang điểm với hai tiêu chí trên, điểm tối đa 100 điểm (Trong đó Phần kỹ năng thực hành công nghệ thông tin điểm tối đa 50 điểm, Phần kỹ năng thuyết trình điểm tối đa 50 điểm). 
Điểm xếp loại Vòng chung kết là tổng điểm bình quân của các Thành viên chấm thi. Sau khi có kết quả sẽ chuyển Tổ giúp việc tổng hợp kết quả. 
5. Kết quả xếp loại
Kết quả xếp loại sẽ được căn cứ vào Tổng điểm của 02 vòng (Vòng loại và Vòng chung kết). Căn cứ vào tổng số điểm của mỗi bài thi ở 02 vòng thi, Tổ chấm thi xếp theo thứ tự từ điểm từ cao xuống thấp để công bố kết quả và trao giải. 
II. QUY ĐỊNH CHUNG CUỘC THI
1. Quy định đối với người dự thi và người tham dự Vòng chung kết
- Các thành viên của Ban Tổ chức, Tổ chấm thi, Tổ giúp việc mặc trang phục xuân hè ngành Kiểm sát, có đầy đủ phù hiệu, cấp hiệu, biển tên; thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Cuộc thi.
- Các thí sinh tham gia Cuộc thi phải có mặt đúng giờ, đầy đủ thành phần theo quy định của Ban Tổ chức. Thí sinh dự thi mặc trang phục xuân hè ngành Kiểm sát, có đầy đủ phù hiệu, cấp hiệu, biển tên; tuyệt đối tuân theo quy định của Ban Tổ chức, Tổ chấm thi, Tổ giúp việc.
2. Nội quy tại Hội trường thi 
- Các thí sinh tham gia Cuộc thi phải có mặt trước giờ thi 15 phút để ổn định chỗ ngồi.
- Tập trung lắng nghe nghiêm túc nội dung các phần thi; không sử dụng điện thoại, nói chuyện, đi lại làm mất trật tự ảnh hưởng đến các thí sinh đang thi.
III. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BAN CỦA CUỘC THI 
1. Đối với Tổ chấm thi 
- Tổ chấm thi có nhiệm vụ đảm bảo bí mật Bộ đề thi trước khi được công bố chính thức, xây dựng thang điểm chi tiết, chấm thi trung thực, chính xác, công bằng và khách quan ở 2 vòng thi. 
-  Tổ Trưởng  Tổ chấm thi điều hành quá trình làm việc của Tổ; chỉ có các thành viên Tổ chấm thi mới được tham gia chấm điểm các thí sinh tham dự Cuộc thi.
2. Đối với Tổ giúp việc
- Tổ giúp việc có nhiệm vụ giúp Ban Tổ chức, Tổ chấm thi in ấn tài liệu, ghi điểm, mẫu chấm điểm vòng thi, biên bản và tổng hợp kết quả Cuộc thi. Từng thành viên Tổ giúp việc làm việc tích cực, trung thực, khách quan và chính xác; không được phép thông tin kết quả trước khi Cuộc thi chưa kết thúc.
IV. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
1. Khiếu nại 

Nếu phát hiện ra có hành vi không trung thực hoặc có hành vi thực hiện trái với quy chế, thể lệ Cuộc thi này thì có quyền khiếu nại với Ban Tổ chức trước khi các giải được trao.
2. Giải quyết khiếu nại
- Các đơn vị tham dự Vòng chung kết phải tuân thủ theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Cuộc thi, các ý kiến góp ý (nếu có) về Cuộc thi được gửi bằng văn bản đến Ban Tổ chức Cuộc thi, không đóng góp ý kiến tại chỗ nhằm tiết kiệm thời gian và đảm bảo Cuộc thi hoàn thành theo kế hoạch.
- Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi sẽ giải quyết việc khiếu nại; ý kiến giải quyết của Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi là ý kiến quyết định cuối cùng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thể lệ Cuộc thi này có hiệu lực kể từ ngày được công bố. Việc sửa đổi, bổ sung chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của các thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi. Trường hợp vẫn còn có ý kiến khác nhau, quyền quyết định cuối cùng thuộc về Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi.
2. Các thành viên trong Ban Tổ chức, Tổ chấm thi, Tổ giúp việc, các thí sinh tham gia Cuộc thi nghiêm túc thực hiện Quy định này.

Tin, ảnh: Ban Tổ chức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây