Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Hội đồng Nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt ngành Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt nhiều thành tựu lớn trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị xác định: xây dựng bộ máy tư pháp độc lập hiệu quả, bảo vệ chân lý, bảo vệ nhân phẩm và tài sản của tổ chức, công dân; trong đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân là mục tiêu quan trọng nhất của cải cách tư pháp.
Cải cách tư pháp cần được đẩy mạnh hơn nữa với lộ trình đảm bảo khoa học và phù hợp.
Về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát khu vực, Phó Thủ tướng giao Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhanh chóng đề xuất tiêu chí cụ thể trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phê duyệt để làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng thống nhất cao ý kiến đề xuất thành lập 5 Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; đồng thời đề nghị Thừa Thiên Huế chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho việc triển khai thực hiện. Trước mắt các cơ quan tư pháp ở địa phương cần xây dựng cơ chế phối hợp thực thi pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định, điều tra tài liệu trong các vụ án hình sự, hành chính, dân sự...
Tại buổi làm việc, Đoàn đã nghe lãnh đạo Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những năm qua, ngành Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt nghiêm túc trong cán bộ tư pháp nhận thức sâu sắc về Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Công tác kiểm sát hoạt động Tư pháp, công tố của ngành kiểm sát và công tác xét xử của ngành tòa án tiếp tục được nâng cao. Tòa án tỉnh Thừa Thiên - Huế được chọn làm điểm ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nhờ vậy các vụ án hình sự, dân sự, hành chính luôn được giải quyết kịp thời, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không có trường hợp nào kết án oan người vô tội. Trong các phiên điều tra, xét xử có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng Công an - Kiểm sát - Tòa án...
Tin & Ảnh: Quang Vinh
Nguồn tin: Chinhphu.vn