Quốc hội thông qua Luật Tố cáo với 86,8% số đại biểu Quốc hội tán thành. Cũng với tỷ lệ tương tự, Quốc hội thông qua Luật Khiếu nại. Hai dự án Luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ tố tụng của tổ chức và cá nhân.
Một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Tố cáo là trách nhiệm bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo. Trường hợp nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa thì người giải quyết tố cáo phải chủ động chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan Công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền để áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo…
Theo Luật, đơn tố cáo phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo. Trường hợp tố cáo trực tiếp thì người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản ghi nội dung tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của từng người tố cáo và phải cử người đại diện.
Đối với Luật Khiếu nại, đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại thì không được thụ lý giải quyết để nâng cao ý thức trách nhiệm của người khiếu nại.
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền (không thuộc các khiếu nại không được giải quyết) thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày (vùng sâu, vùng xa là không quá 45 ngày) kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày (vùng sâu vùng xa là không quá 60 ngày)…
Đối với việc tiếp công dân, Luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày, ở cấp huyện tiếp mỗi tháng ít nhất hai ngày, cấp tỉnh và thủ trưởng các cơ quan Nhà nước tiếp mỗi tháng ít nhất một ngày. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải tiếp công dân khi có yêu cầu cấp thiết…
Đối với dự Luật Lưu trữ, 87% số đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua. Theo Luật, cá nhân có tài liệu lưu trữ liên quan đến an ninh quốc gia “chỉ được hiến tặng hoặc bán cho Lưu trữ lịch sử” chứ không buộc phải đăng ký, hiến tặng cho Nhà nước.
Luật Lưu trữ cũng cấm làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu lưu trữ; chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất tài liệu lưu trữ; sử dụng tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích Nhà nước; mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.
Các đại biểu Quốc hội cũng thông qua Luật Đo lường với tỷ lệ 86% tán thành. Luật quy định lượng hàng đóng gói sẵn phải phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa hoặc tài liệu đi kèm và phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự công bố hoặc do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường quyết định.
Bốn luật trên sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7/2012.
Tin, ảnh: Thành Chung
Nguồn tin: Chinhphu.vn