Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết mới

Thứ tư - 06/07/2016 16:33 2.935 0

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết mới

Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP về hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính.
Theo đó, nội dung của Nghị quyết quy định về các vấn đề: Áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016; áp dụng pháp luật về án phí để giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn; áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính; áp dụng pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình.Cụ thể, như sau:
 
"Điều 1. Áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính.
 
1. Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01-7-2016), Tòa án áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị quyết số 103/2015/QH13 để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 517 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 thì được áp dụng từ ngày 01/01/2017.
 
2. Kể từ ngày Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2016), Tòa án áp dụng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị quyết số 104/2015/QH13 để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án hành chính, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 371 Luật tố tụng hành chính số93/2015/QH13 thì được áp dụng từ ngày 01-01-2017.
 
Điều 2. Áp dụng pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016.
 
1. Kể từ ngày 01/7/2016, thẩm quyền và trình tự, thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016 được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 và Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.
 
2. Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016 mà kể từ ngày 01/7/2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 326 và Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13. Khi xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm thì việc xác định thế nào là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật” quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 326 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung được áp dụng tại thời điểm ra bản án, quyết định bị đề nghị kháng nghị, bị kháng nghị.
 
Ví dụ:
 
Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 không quy định về việc Thẩm phán phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (chỉ quy định về phiên hòa giải). Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 210).
 
Năm 2015, Tòa án thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự. Trong quá trình giải quyết, Tòa án không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đã tiến hành xét xử sơ thẩm sau khi tổ chức hòa giải không thành. Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01-7-2016. Đối với trường hợp này, việc Tòa án không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ như quy định tại Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 không bị coi là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” để xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc xác định quá trình giải quyết vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không phải căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12.
 
3. Đối với những bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01/7/2016 mà kể từ ngày 01/7/2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 255 và Điều 281 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13. Khi xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm thì việc xác định thế nào là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” và “có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật” quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 255 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 phải căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung được áp dụng tại thời điểm ra bản án, quyết định bị đề nghị kháng nghị, bị kháng nghị.
 
Ví dụ:
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 quy định Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án (khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13).
 
Ngày 01/6/2015, Tòa án nhân dân huyện A ra bản án giải quyết vụ án hành chính về việc ông B khiếu kiện quyết định hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A. Bản án hành chính sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
 
Kể từ ngày 01/7/2016, Tòa án có thẩm quyền xem xét Bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm không được căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 để cho rằng Tòa án nhân dân huyện A đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 255 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13. Trong trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 để xem xét việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính.
 
4. Kể từ ngày 01/7/2016, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 và Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
 
5. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 215 Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 mà chưa bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 03 năm, kể từ ngày Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.
 
Điều 3. Áp dụng pháp luật về án phí để giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn.
 
Khi giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính theo thủ tục rút gọn, Tòa án áp dụng mức tạm ứng án phí, án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí, án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mức tạm ứng án phí, án phí áp dụng đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính giải quyết theo thủ tục rút gọn.
 
Điều 4. Áp dụng pháp luật về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính.
 
Khi thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính thì cần lưu ý như sau:
 
1. Thời điểm phát sinh tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 là ngày khởi kiện, ngày yêu cầu. Việc xác định ngày khởi kiện, ngày yêu cầu được thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
 
2. Thời điểm phát sinh vụ án hành chính quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 104/2015/QH13 là ngày khởi kiện. Việc xác định ngày khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 120 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.
 
3. Quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 65/2011/QH12 được áp dụng đến hết ngày 31/12/2016 để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
 
4.Từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
 
Điều 5. Áp dụng pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình
 
1. Vụ việc hôn nhân và gia đình đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01/7/2016 và Thẩm phán, Tòa chuyên trách đang giải quyết thì Thẩm phán, Tòa chuyên trách tiếp tục giải quyết mà không chuyển cho Tòa gia đình và người chưa thành niên.
 
2. Vụ việc hôn nhân và gia đình được Tòa án thụ lý kể từ ngày 01/7/2016 mà ở Tòa án đó đã tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền giải quyết; đối với Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì Chánh án Tòa án có trách nhiệm phân công Thẩm phán chuyên trách giải quyết."
 
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016.

Nguồn tin: Theo kiemsat.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây