Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Huếhttps://vkshue.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 01/09/2017 22:461.3710
Ngày 31/08/2017, tại Hội trường UBND phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức phiên Tòa xét xử lưu động và rút kinh nghiệm vụ án Phan Thị Hòa, phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm có Tổ tư vấn cùng Lãnh đạo, Kiểm sát viên các Phòng nghiệp vụ hình sự Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế.
Theo Cáo trạng thì từ tháng 07/2015 đến tháng 07/2016, tại nhà bà Đặng Thị Khanh ở lô 25-26-27, khu quy hoạch biệt thự Nam Vỹ Dạ, thành phố Huế. Phan Thị Hòa đã có hành vi lén lút, bí mật đột nhập vào phòng ngủ của bà Khanh mở khóa tủ gỗ và tủ két sắt 13 lần, chiếm đoạt 96 cây vàng hiệu SJC Rồng vàng 9999 có giá trị 3.211.070.000 đồng. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố đã phát huy được vị trí, vai trò công tố của Viện kiểm sát trong suốt quá trình xét xử vụ án; công bố Cáo trạng mạch lạc, rõ ràng thể hiện quyền uy của đại diện cơ quan công tố trước người phạm tội tại phiên toà. Kiểm sát viên chuẩn bị đề cương xét hỏi kỹ càng, chu đáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu nên đã tích cực, chủ động tham gia xét hỏi một số vấn đề mà HĐXX chưa xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn; động cơ mục đích phạm tội của bị cáo và các tình tiết khách quan của vụ án.
Sau khi luận tội, Kiểm sát viên đã tranh luận, đối đáp đầy đủ, sôi sổi những vấn đề mà Luật sư tranh luận và bác bỏ quan điểm đề nghị áp dụng Điều 47 BLHS để xử cho bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt của Luật sư, do bị cáo không đủ điều kiện để áp dụng. Bị cáo phạm tội chiếm đoạt tài sản của bị hại có giá trị đặt biệt lớn (3,2 tỷ đồng) nên cần xử lý nghiêm minh nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Bằng những lý lẽ của mình, Kiểm sát viên đã thuyết phục được Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến của Luật sư và tuyên phạt bị cáo Phan Thị Hòa 15 năm tù giam. Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm chung nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án tại phiên tòa, đặc biệt là nâng cao chất lượng tranh tụng, đối đáp của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.