17 nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2016

Thứ ba - 19/01/2016 08:05 2.909 0
Ngày 06/01/2016, VKSNDTC ban hành Thông báo số 13/TB-VKSTC-VP về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, Viện trưởng VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành quán triệt đầy đủ các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 25/12/2015 về công tác năm 2016 của Ngành. Viện trưởng yêu cầu, năm 2016 các đơn vị trong toàn Ngành tập trung, quyết tâm thực hiện tốt 17 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng,  Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2016
Một là, quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần Thứ XII, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công tác tư pháp nói chung và công tác của ngành Kiểm sát nói riêng. Viện kiểm sát các cấp cần chủ động nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch, quán triệt, thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương Đảng về công tác tư pháp ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII.

Hai là, tiếp tục triển khai, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, vê đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống oan, sai, chống tham nhũng (như: các Nghị quyết số 37, số 63, số 96 của Quốc hội,...); quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về “công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo”, Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội “tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”.

Ba là, triển khai và tổ chức thực hiện các luật về tư pháp mới được Quốc hội thông qua. Từ ngày 01/7/2016, 07 đạo luật về tư pháp mới ban hành sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, ngay khi các luật được công bố thì một số điều, khoản của luật đã có hiệu lực. Những đạo luật này có nhiều quy định rất mới; so với các đạo luật tư pháp hiện hành thì đây là một bước tiến lớn trong xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế; những tư tưởng tiến bộ về tố tụng của nhân loại và chức năng, nhiệm vụ của Ngành đã được chuyển tải vào các đạo luật này. Các đơn vị, địa phương cần có biện pháp cụ thể để triển khai, thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch của Viện trưởng VKSND tối cao về việc triển khai thi hành 07 đạo luật mới về tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Bốn là, xây dựng hệ thống các biểu mẫu, các chỉ tiêu đánh giá công tác nghiệp vụ; xây dựng các quy chế về tổ chức, hoạt động, quy chế về nghiệp vụ, quy chế phối hợp, nhất là quy chế phối hợp liên quan đến cấp kiểm sát mới là VKSND cấp cao; xây dựng các văn bàn hướng dẫn trong nội bộ từng đơn vị cũng như trong phạm vi toàn Ngành để phù hợp với những quy định mới của pháp luật và của Ngành.

Năm là, Tăng cường chất lượng của hoạt động công tố, gắn công tố với điều tra, không để xảy ra oan, sai; đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra việc giam giữ quá hạn, giam giữ không lệnh. Điều tra viên và Kiểm sát viên vi phạm đều có thể bị xử lý về hình sự; điều đó đòi hỏi trong xử lý giải quyết vụ, việc Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phải thống nhất với nhau và thực hiện theo quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng “quyền anh, quyền tôi” dẫn đến gây khó dễ cho nhau trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành.

Sáu là, tăng cường tranh tụng, phối hợp tốt với Tòa án để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng tranh tụng và chất lượng thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử. Vừa qua, Ban cán sự đảng VKSND tối cao và TAND tối cao đã tổ chức cuộc họp thống nhất nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung lớn, như: Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm ở các khu vực, lĩnh vực khác nhau; phối hợp rà soát, đánh giá, xây dựng các văn bản hướng dẫn pháp luật, nhất là pháp luật về tư pháp; kết nối truyền hình trực tuyến từ phòng xét xử đến phòng làm việc của Viện trưởng và Chánh án cấp tỉnh; phối hợp giải quyết đơn tồn các loại, rà soát các vụ án oan sai,... Các đơn vị căn cứ vào Nghị quyết của hai Ban cán sự TAND tối cao và VKSND tối cao để tố chức thực hiện chu đáo, nghiêm túc.

Bảy là, việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao, nhưng hiện nay VKSND cấp cao chưa có điều kiện để kiểm sát một cách đầy đủ đối với các bản án, quyết định này nên dễ tạo ra khoảng trống cần kiểm sát. Vì vậy, VKSND tối cao tiếp tục giao Viện kiểm sát cấp tỉnh trách nhiệm kiểm sát, phát hiện vi phạm trong các bản án của cấp huyện và đề xuất, báo cáo để VKSND cấp cao kháng nghị. Các bản án sai phải kháng nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm mà Viện kiểm sát cấp tỉnh không đề xuất kháng nghị, sau này để xảy ra khiếu kiện và kháng nghị thì lỗi và trách nhiệm thuộc về Viện kiểm sát cấp tỉnh.

Tám là, các VKSND cấp cao cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt, có những biện pháp nhằm giải quyết dứt điểm những đơn, thư thuộc thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, đáp ứng kịp thời yêu câu, nguyện vọng của người dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành. Tiến hành phân loại đơn, thư theo địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trên cơ sở đó, tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao quyết định việc trưng tập Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm và phẩm chẩt đạo đức tốt đang công tác tại VKSND các tỉnh, thành phố có đơn, thư cần giải quyết, đến các VKSND cấp cao để giúp việc nghiên cứu, tham mưu xử lý, giải quyết đơn, thư tại các đơn vị này. Phấn đấu trong 2 năm (2016, 2017) giải quyết dứt điểm số đơn, thư do các đơn vị thuộc VKSND tối cao chuyển đến, số đơn, thư tồn đọng và đang còn thời hiệu giải quyết tính đến 30/11/2015.

Chín là, tổ chức thực hiện tốt thẩm quyền mới (tăng thêm) của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. VKSND tối cao giao cho VKSND cấp tỉnh trách nhiệm thông qua hoạt động nghiệp vụ phát hiện những vi phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và thông báo cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao những vi phạm thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của đơn vị này.

Mười là, Trong công tác lãnh đạo, điều hành, tiếp tục lựa chọn những nội dung đột phá; chú ý lựa chọn những khâu yếu, còn nhiều hạn chế, những nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ đạo; đặc biệt là tâng cường công tác quản lý để chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ.

Mười một là, thực hiện Luật Tổ chức VKSND năm 2014, sẽ tổ chức thi tuyển các chức danh tư pháp qua kỳ thi quốc gia; Lãnh đạo VKSND tối cao đã hoạch định 01 năm sẽ tổ chức thi 02 lần tại hai cơ sở đào tạo của Ngành, nhằm tạo sự chủ động cho Viện kiểm sát các cấp bố trí cho cán bộ tham gia thi tuyển và có thời gian ôn thi.

Mười hai là, năm nay, sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Viện kiểm sát các cấp, trên cơ sở kinh nghiệm từ việc tham gia Đại hội Đảng các cấp, cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho các cuộc bầu cử này. Giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương chỉ đạo, tiến hành rà soát, lựa chọn những người đủ đức, đủ tài và các điều kiện theo quy định, bảo đảm chủ động về nhân sự để giới thiệu cho Cấp ủy.

Mười ba là, về công tác cán bộ, thực hiện Nghị quyết của Đảng về việc tiến hành điều chuyển cán bộ lãnh đạo để bảo đảm không phải là người địa phương. Cần thực hiện luân chuyển để đảm bảo 25% Viện trưởng cấp tỉnh, 50% Viện trưởng cấp huyện không phải là người địa phương.

Mười bốn là, về thực hiện việc tinh giản biên chế, VKSND tối cao có trách nhiệm xây dựng đề án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị đề nghị xem xét giữ nguyên biên chế của Ngành như hiện nay; trong khi đang chờ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Chính trị, toàn Ngành vẫn tiến hành việc giảm 10% biên chế (cho đến năm 2020) theo đúng Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Mười năm là, về ứng dụng công nghệ thông tin: Đối với hạ tầng thông tin hiện có, đề nghị các đơn vị khai thác cho tốt; việc học tập, đào tạo, bồi dưỡng, giao ban phải qua trực tuyến; các tài liệu phục vụ cho các hội nghị, hội thảo nếu không phải là tài liệu mật thì chuyển qua cổng thông tin điện tử cùa VKSND tối cao; sử dụng truyền hình trực tuyến trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm trên quy mô toàn tinh, thậm chí toàn quốc và tăng cường việc nối mạng với Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bôi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phổ Hồ Chí Minh để cho sinh viên, học viên tham gia các phiên tòa; két nối truyền hình trực tuyến từ phòng xét xử đến phòng làm việc của Chánh án và Viện trưởng cấp tính. Giao cho Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin thu thập tài liệu liên quan đên việc xây dựng hệ thống truyền hình trực tuyến nối mạng từ phòng xét xử để phổ biến cho toàn quốc (về kỹ thuật, hạ tầng, phần cứng, phần mềm, chủ trương,...); phấn đấu đến cuối năm 2016, sẽ có 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai được việc này bằng nguồn vốn của địa phương.

Mười sáu là, đẩy nhanh việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện giai đoạn tiếp theo cho Viện kiểm sát cấp huyện trên cơ sở kết quả làm việc với Bộ Tài chính về việc rút ngắn thời gian, thực hiện đầu tư trong năm 2016 - 2017; tăng cường quản lý, sử dụng phương tiện (nhất là xe ô tô), trang thiết bị, quản lý chi tiêu, đảm bảo tiết kiệm. Tuy nhiên, cần tránh việc tiết kiệm nhiều quá, có lợi trước mắt là tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, nhưng có tác hại lâu dài là: sẽ nảy sinh nguy cơ bị cắt kinh phí (qua kiểm toán), không đề xuất tăng kinh phí được nữa; cần sử dụng khoản tiền tiết kiệm được cho việc công.

Mười bảy là, về công tác thi đua, các đơn vị được khen thưởng mức cao đều gắn liền với những kết quả nổi bật của Ngành, có những thành tích lớn đóng góp cho Ngành. Vì vậy, đề nghị trong phong trào thi đua, các đơn vị cần tạo điểm nhấn cho đóng góp chung ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mình.

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây