Hội nghị khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự 2003 tại Thừa Thiên Huế

Thứ tư - 15/08/2012 15:11 2.580 0
Ngày 14/08/2012, tại Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Khoa học Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Dự án Hỗ trợ cải cách tư pháp JICA Nhật Bản và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị “Khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”. Tham dự Hội nghị có đồng chí Hoàng Trọng Khảm, Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Dự Hội nghị còn có ngài Nisoka, Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản. Đại diện lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng: Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Cơ quan kiểm lâm, Hải quan, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế; Đại diện các cơ quan của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Cơ quan thi hành án, Hội luật gia, Sở tư pháp, Cơ quan giám định, định giá. Về phía Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm các đồng chí: Lãnh đạo VKSND tỉnh; các Trưởng phòng, các Phó Trưởng phòng, các Kiểm sát viên thuộc khối hình sự thuộc VKSND tỉnh; Viện trưởng VKSND các quận, huyện trực thuộc.
Bộ luật tố tụng hình sự được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004, đã từng bước thể chế hoá các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam qua các thời kỳ và tiếp thu được các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trong hoạt động tố tụng hình sự. Kể từ đó đến nay, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, quá trình thi hành Bộ luật những năm qua cho thấy, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Hội nghị “Khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003” là để lắng nghe ý kiến của các Ban, Ngành trong tỉnh Thừa Thiên Huế về những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, trên cơ sở đó kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nhằm góp phần thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn tư pháp hình sự thời gian qua.

 
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy – Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát – Viện KSND tối cao trình bày về những vấn đề cần trao đổi, thảo luận

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày các tham luận về “Những vướng mắc trong thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra và kiến nghị hoàn thiện đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; “vướng mắc về nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và kiến nghị hoàn thiện đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”; “vướng mắc về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án và kiến nghị hoàn thiện”; “vướng mắc về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và kiến nghị hoàn thiện”. Sau các tham luận, Hội nghị đã được nghe các phát biểu của Đại diện cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Đoàn luật sư tỉnh, Hội luật gia, …về những vướng mắc trên thực tế giải quyết vụ án hình sự ở một số qui định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về  quản lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; về các chế định đối với người chưa thành niên phạm tội, về việc xử lý vật chứng, về các thời hạn tố tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003; về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa cho bị can, bị cáo,..  
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe ngài Nisoka, Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản giới thiệu về hệ thống các cơ quan tư pháp tại Nhật bản, những điểm khác nhau giữa pháp luật tố tụng hình sự của Việt Nam và Nhật Bản để các đại biểu tham khảo, nghiên cứu.

 
Đồng chí Trần Đại Quang – Phó Viện trưởng VKSND Thừa Thiên Huế phát biểu bế mạc Hội nghị
 
Phát biểu Bế mạc Hội nghị, đồng chí Trần Đại Quang, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chân thành cảm ơn sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của tất cả các đại biểu các Ban Ngành trong tỉnh, các nhà hoạt động thực tiễn, đã dành thời gian và tâm huyết để đóng góp những ý kiến hết sức quý báu trong quá trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đồng thời đề nghị với các đại biểu trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu, phát hiện thêm những vấn đề vướng mắc, bất cập của pháp luật và những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn và gửi ý kiến góp ý cho Viện Khoa học kiểm sát - Viện kiểm sát nhân dân tối cao để tổng hợp, báo cáo với Lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương, đồng thời báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Liêm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây