Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy của Ban chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ ba - 06/01/2015 10:50 2.414 0
Sáng ngày 30/12/2014, Ban Chỉ đạo các chương tình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân phối hợp với VKSND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại VKSND thành phố Hà Nội.
Đồng chí Trần Đức Phong, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân, Vụ trưởng Vụ THQCT và KSĐT án ma túy (Vụ 1C) phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Trần Đức Phong, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân, Vụ trưởng Vụ THQCT và KSĐT án ma túy (Vụ 1C) phát biểu tại Hội nghị
Chủ trì và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Đức Phong, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân, Vụ trưởng Vụ THQCT và KSĐT án ma túy (Vụ 1C); cùng dự hội nghị có các Thành viên trong tổ giúp việc Ban chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân. Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố Hà Nội: Ban Nội chính, Tòa án, Công an; các đồng chí Lãnh đạo VKSND thành phố, đại diện Lãnh đạo VKSND các quận, huyện cùng tập thể cán bộ, Kiểm sát viên VKSND thành phố Hà Nội.


 
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Nga, Trưởng phòng Tổng hợp, Thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phổ biến các văn bản của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
 
Tại Hội nghị, thành viên Tổ giúp việc Ban chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân trình bày những văn bản mới về công tác phòng chống ma túy gồm: Quy định về việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong ngành KSND; Kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành KSND; Về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Trong đó nổi bật một số nội dung như:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015 và Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 trong ngành Kiểm sát nhân dân. Xác định rõ công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp đã nêu trong Chỉ thị số 21/CT-TW, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; ngăn chặn có hiệu quả ma túy xâm nhập vào Việt Nam. Tập trung giải quyết cơ bản tình hình phức tạp về ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống ma túy ở các địa phương.

Công tác phòng, chống ma túy cần được lồng ghép với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tội phạm và các chương trình kinh tế xã hội khác nhằm phát huy có hiệu quả tối đa các nguồn lực.

Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về ma túy. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy trọng điểm, phức tạp. Thông qua kiểm sát các vụ án ma túy, tập trung phát hiện vi phạm, thiếu sót để kiến nghị với cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước và có biện pháp phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy.

Tiếp tục tăng cường đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó tập trung vào tuyến biên giới, tuyến hàng không, cửa khẩu...  Chú trọng phát hiện, xử lý các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả việc trồng cây có chứa chất ma túy.

Viện kiểm sát các cấp cần đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy với nhiều hình thức phong phú, chú ý tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu vùng xa. Chú trọng tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới tới cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân nhân dân nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy. Có chính sách động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy và quản lý đối tượng sau cai nghiện ma túy có hiệu quả nhằm kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy. Tăng cường công tác quản lý hành chính, tuyên truyền giáo dục ở các khu vực trọng điểm về ma túy, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nghiện ma túy.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự (Chương “Các tội phạm về ma túy”) và Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BCA-VKSTC-TATC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII - Bộ luật hình sự năm 1999 để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy đạt hiệu quả cao.

Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác phòng, chống ma túy với Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), các nước nằm trên tuyến vận chuyển, sản xuất ma túy... Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với các nước có chung đường biên giới, đấu tranh có hiệu quả với hành vi thẩm lậu ma túy vào Việt Nam. Tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Tiếp tục tăng cường trang bị phương tiện và điều kiện đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về ma túy. Huy động các nguồn lực phục vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy từ Ủy ban nhân dân địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.
 
 

 
Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Tại Hội nghị, đồng chí Trần Đức Phong, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các trương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành KSND, Vụ trưởng Vụ 1C trình bày Báo cáo tham luận về những khó khăn vướng mắc trong công tác giải quyết các vụ án ma túy, trong đó nổi bật một số vấn đề như:

 
Toàn cảnh Hội nghị
 
 - Tội phạm diễn biến phức tạp, liều lĩnh, gia tăng ở nhiều địa phương nhưng lực lượng phòng, chống còn mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Ma túy vận chuyển chủ yếu qua khu vực biên giới (địa bàn hiểm trở) lực lượng chuyên trách rất mỏng. Khó khăn trong việc phối hợp giữa các nước có chung đường biên giới. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ma túy tại Việt Nam sau đó trốn sang Lào trở thành đầu mối vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

- Tệ nạn ma túy ở địa bàn thành phố chưa được giải quyết triệt để dẫn đến tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng.

Phương tiện đấu tranh phòng, chống ma túy còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh như: Thiếu máy soi, chiếu tại cửa khẩu, sân bay máy móc giám định ma túy. Một số vụ án còn chậm có kết luận giám định do chưa có mẫu chuẩn, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, phải gia hạn thời hạn tạm giữ đến khi có kết quả giám định.Tại nhiều địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đảm nhiệm việc giám định các chất ma túy, nhưng chỉ giám định được một số chất ma túy như thuốc phiện, heroin, methaphetamin còn việc giám định hàm lượng các chất ma túy và giám định các loại ma túy khác thì không đủ điều kiện về phương tiện, mẫu vật so sánh nên phải trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án. Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của Viện kiểm sát các cấp nhìn chung là yếu và thiếu. Trong khi đó bọn tội phạm ngày càng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi cùng với các phương tiện phạm tội tinh vi, hiện đại thì trang thiết bị của ngành Kiểm sát chưa đáp ứng được để có thể đấu tranh phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, các trang thiết bị phư­ơng tiện đi lại, thông tin liên lạc cũng như­ các phư­ơng tiện hoạt động nghiệp vụ còn thiếu, không đáp ứng được yêu cầu nhanh, nhạy, chính xác, kịp thời của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Cùng với những vướng mắc nêu trên, thời gian qua trong quá trình giải quyết án ma túy còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp luật như:

Hệ thống các quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ, các văn bản hướng dẫn dưới luật chưa đầy đủ, kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện BLHS còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn diễn biến tình hình tội phạm. BLHS quy định nhiều tội danh trong cùng một điều luật với chế tài, khung hình phạt chung cho tất cả các hành vi phạm tội là chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc định tội danh và quyết định hình phạt chính xác, công bằng vì tính chất, mức độ, nguy hiểm của mỗi hành vi không giống nhau. Văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa rõ ràng, kịp thời và thống nhất, một số văn bản không còn phù hợp với hành vi phát sinh trong xã hội dẫn đến việc áp dụng BLHS còn xảy ra quan điểm không thống nhất nhau cần được hướng dẫn cụ thể như để xác định khoản thu lợi bất chính của bị can, bị cáo trong vụ án ma túy. Việc xác định phạm tội nhiều lần đối với tội phạm ma túy phần lớn chỉ dựa vào lời khai bị can, bị cáo nhưng không có vật chứng cụ thể dẫn đến việc định khung hình phạt chưa thật sự mang tính thuyết phục.

Trong nhiều vụ án ma túy, ngoài hành vi phạm tội bị bắt quả tang, các bị can còn khai trước đó đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, các cơ quan tố tụng rất khó xác định chính xác trọng lượng chất ma túy các bị can đã tham gia mua bán, vận chuyển, tàng trữ vì các bị can chỉ khai là bao nhiêu bánh heroin, không xác định chính xác là bao nhiêu gam. Do đó, có trường hợp các cơ quan tố tụng lấy trọng lượng của 01 bánh có trọng lượng thấp nhất trong các bánh đã bị thu giữ khi bắt quả tang, có trường hợp lại lấy trung bình cộng của các bánh đã bị thu giữ khi bắt quả tang để làm cơ sở xác định khối lượng buộc tội đối với các bị can, bị cáo.

* Vướng mắc do thực hiện Thông tư liên tịch số 17

+ Các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép ma túy tổng hợp thường xuyên tổ chức thành nhóm (có cả đối tượng thành niên và chưa thành niên). Khi CQĐT bắt giữ các đối tượng khai nhận là cùng góp tiền, cùng bỏ công sức mua ma túy để sử dụng. Theo quy định của TTLT số 17 thì không xử lý hình sự được mà chỉ xử phạt hành chính, hình thức xử lý này mang tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa không lớn dẫn đến tình trạng phạm tội qua từng năm không giảm.

+ Hiện nay các dụng cụ, phương tiện dùng để sử dụng trái phép chất ma tuý rất đa dạng, phong phú từ đơn giản đến phức tạp, tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh để sử dụng và từng loại ma tuý (có khi là bộ dụng cụ thuỷ tinh với nhiều chi tiết tạo thành, có khi chỉ là những tờ giấy cuộn, hoặc những bộ kim tiêm...), nhưng trong Thông tư liên tịch số 17 chưa quy định đầy đủ và chưa mang tính chung nhất, nên việc xử lý rất lúng túng.

+ Hiện nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn thế nào là quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô. Vì theo quy định của Luật, trọng lượng quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô bị truy cứu trách nhiệm hình sự có sự khác biệt và chênh lệch nhau lớn.

+ BLHS mô tả các chất ma túy, liệt kê một số loại: lá, hoa, quả cây cần sa và Thông tư liên tịch số 17 hướng dẫn cũng chỉ nêu tương tự như trên, chưa đủ, còn thiếu hạt cây cần sa nên không đảm bảo căn cứ xử lý tội phạm đối với hành vi này.

* Khó khăn, vướng mắc do quy định của Công văn số 234/TANDTC

Việc chậm sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17, dẫn đến Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 hướng dẫn thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 “về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999” đã dẫn đến khó khăn như:

Sau khi có văn bản số 234 phần lớn Tòa án các cấp ở địa phương đã trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra bổ sung với lý do giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy. Viện kiểm sát đã hoàn thành cáo trạng truy tố các bị can phạm tội về ma túy nhưng chưa giám định được hàm lượng chất ma túy, khi chuyển hồ sơ thì Tòa án không nhận gây tồn đọng số lượng lớn các vụ án phạm tội về ma túy ở Viện kiểm sát. Mặt khác, khi bắt quả tang, bắt khẩn cấp gặp nhiều khó khăn vì không thể xác định ngay được hàm lượng chất ma túy để xử lý hình sự hay hành chính cũng như việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam.

Thực tiễn giải quyết án ma túy cho thấy nhiều vụ án đã xử lý từ việc điều tra “truy xét”, không thu giữ được chất ma túy nên không có vật chứng để giám định; các đối tượng trước đây bị khởi tố theo trọng lượng truy xét qua lời khai, bỏ trốn bị truy nã nay bắt được để xử lý, việc trưng cầu giám định hàm lượng là bất cập; không thể xử lý được các đối tượng là chủ mưu cầm đầu trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Một số vụ phạm tội Tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, trọng lượng ma túy thu được rất ít, đã tổ chức giám định loại, trọng lượng trước đây, nay không còn đủ lượng để giám định hàm lượng. Do đó, thời gian vừa qua, một số địa phương đã không xử lý các vụ án truy xét.

* Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, giải tỏa những bế tắc trong thời gian qua, Vụ 1C đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn như sau:

Thứ nhất, đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên.

Thứ hai, đề nghị lãnh đạo liên ngành pháp luật Trung ương khẩn trương chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 17.

Thứ ba, đề nghị đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản thay thế công văn số 234 theo hướng:

- Quy định rõ 03 trường hợp bắt buộc phải xác định hàm lượng trên cơ sở đó quy ra trọng lượng ma túy để truy tố, xét xử đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 17.

- Quy định giám định hàm lượng khi cần căn cứ để xác định ma túy giả.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tạo điều kiện tốt nhất cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, giảm nguy cơ tái nghiện và tiếp tục phạm tội ma túy.

Thứ năm, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; kiên quyết triệt phá các đường dây mua bán trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ sáu, phối hợp với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam, trong đó đặc biệt là nước bạn Lào tăng cường đấu tranh chống tội phạm ma túy để kịp thời truy bắt các đối tượng phạm tội ma túy ở Việt Nam trốn sang Lào.

Thứ bảy, tăng cường lực lượng phòng, chống ma túy; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm hiệu quả đấu tranh cao. Đồng thời, có chế độ khen thưởng, đãi ngộ kịp thời cho các lực lượng làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Viện trưởng VKSND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Viện kiểm sát thành phố Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án ma túy do có CV số 234 của ngành TAND ban hành về việc giải quyết đối với các vụ án ma túy. Tại Hội nghị này, rất nhiều vướng mắc, khó khăn đã được Kiểm sát viên, Viện kiểm sát thành phát biểu và được Lãnh đạo Vụ 1C VKSND tối cao, Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội giải đáp, góp phần không nhỏ trong công tác giải quyết các vụ án ma túy ở thành phố Hà Nội hiện nay. Với những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, Lãnh đạo ba ngành thành phố đã tổ chức họp, đề ra một số biện pháp trước mắt xử lý các vụ việc về ma túy theo Hướng dẫn số 1503 của liên ngành thành phố; tuy nhiên đây mới là giải pháp tạm thời trước mắt. Thời gian tới, khi chưa có hướng dẫn chính thức của liên ngành trung ương đối với công tác giải quyết các vụ án ma túy thì các khó khăn, vướng mắc sẽ ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Do vậy, tại Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Viện trưởng VKSND Tp. Hà Nội thay mặt ngành Kiểm sát Hà Nội cũng như lãnh đạo liên ngành thành phố đề nghị Ban chỉ đạo ngành VKSND tối cao về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hôi; lãnh đạo Vụ 1C sớm có hướng dẫn cụ thể hơn để công tác giải quyết các vụ án ma túy được thực hiện đúng pháp luật.

Tin, ảnh: Thu Hương

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây