Hội thảo khoa học về nguyên tắc “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”

Thứ tư - 19/03/2014 15:57 1.758 0
Sáng ngày 13/3/2014, tại VKSNDTC đã diễn ra Hội thảo khoa học vấn đề cụ thể hóa nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử” trong BLTTHS. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) dự và chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS. TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án TANDTC, Chán án Tòa án Quân sự Trung ương; ông Matsumoto Takeshi, Cố vấn trưởng Dự án JICA Nhật Bản tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Bộ, ban, ngành: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Cùng dự còn có Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKSND TP. Hà Nội và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập BLTTHS (sửa đổi).
 

 
Các đại biểu dự Hội thảo

Hội thảo đã nghe đại diện Viện khoa học kiểm sát trình bày tóm tắt bản đề xuất sửa đổi một số nguyên tắc tranh tụng trong xét xử của BLTTHS theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013. Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định mới của BLTTHS theo hướng bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
 
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát trình bày một số đề xuất, sửa đổi các quy định của BLTTHS

Nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” được quy định trong Hiến pháp năm 2013 là cơ sở đảm bảo tranh tụng kể từ khi Toà án thụ lý hồ sơ vụ án cho đến khi có bản án kết tội của Toà án có hiệu lực pháp luật, trên cơ sở đó Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc trong Dự thảo BLTTHS như: Về sự có mặt của bị cáo tại phiên toà; về sự có mặt của KSV tại phiên toà; về sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà; về quyền của KSV và người tham gia tố tụng yêu cầu triệu tập những người khác tham gia phiên toà; về quyền của bị cáo hỏi những người tham gia tố tụng khác; về nội dung của bản án; về sự gặp mặt, trao đổi giữa người bào chữa và bị can, bị cáo…

Ban soạn thảo cũng nêu lên một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về quy định của BLTTHS liên quan đến việc đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử như: Về trình tự và phạm vi xét hỏi; về triệu tập Điều tra viên đến phiên toà; về việc Kiểm sát viên rút quyết định truy tố tại phiên toà; về giới hạn của việc xét xử.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề cập nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề mới được Ban soạn thảo nêu ra trong bản đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS, bao gồm: Về sự có mặt của bị cáo tại phiên toà; về sự có mặt của KSV tại phiên toà; về sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà; về quyền của Kiểm sát viên và người tham gia tố tụng yêu cầu triệu tập những người khác tham gia phiên toà… Các ý kiến cũng đã đi sâu phân tích bản chất của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, và mối quan hệ giữa nguyên tắc tranh tụng với các nguyên tắc khác, trong đó có nguyên tắc bảo đảm quyền con người của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Hiến pháp 2013, đồng thời đề xuất các điều kiện để đảm bảo nguyên tắc được thực hiện từ khi Toà án thụ lý hồ sơ vụ án cho đến khi có bản án kết luận tội của Toà án có hiệu lực pháp luật.
 
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) phát biểu

Phát biểu kết thúc Hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ của đại biểu dự Hội thảo, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học Hội thảo đã thu được nhiều kết quả tích cực điều đó được thể hiện thông qua nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao với các ý kiến đã thảo luận trong Hội thảo; về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau đồng chí đề nghị Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu bổ sung đưa nguyên tắc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” thể chế hóa đầy đủ vào các điều luật BLTTHS (sửa đổi) trước khi gửi các Bộ, ngành cho ý kiến vào tháng 12/2014.
 

Tin, ảnh: Song Ngư

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây