Phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2012

Chủ nhật - 08/01/2012 20:23 3.327 0
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2012 đã vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị,   Chủ tịch nước   Trương Tấn Sang nói: ..."Năm qua, trong tình hình tội phạm gia tăng và diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, đối tượng, lĩnh vực phạm tội rất đa dạng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt những kết quả rất tích cực. Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao chất lượng các hoạt động này, đã góp phần thúc đẩy giải quyết được một số vụ án lớn, phức tạp, trong đó có các vụ án tham nhũng lớn, được dư luận nhân dân đánh giá cao. Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp để phê chuẩn việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam được tiến hành chặt chẽ, đúng pháp luật, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan sai người vô tội; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng hồ sơ các vụ án và để nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại các phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ, công khai, tạo cơ sở cho Toà án ra các bản án, quyết định có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, ngành Kiểm sát nhân dân đã đề cao trách nhiệm, chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp. Qua kiểm sát, đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, thi hành án và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, bảo đảm các hoạt động này tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong năm qua, ngành Kiểm sát đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức xây dựng Ngành theo Kết luận số 79-KL/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.

Với những kết quả đó, Viện kiểm sát đã góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vào thành tựu chung của đất nước đạt được năm 2011.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà ngành Kiểm sát đã đạt được trong năm qua..."

Về định hướng nhiệm vụ, trọng tâm công tác năm 2012 của ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo: "Năm 2012 là năm thứ hai toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011 – 2015) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2011 – 2020). Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo lộ trình của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp, ngành Kiểm sát phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về mọi mặt, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Một là: Ngành Kiểm sát cần phải tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, bảo đảm việc khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, việc điều tra, xử lý của Cơ quan điều tra có căn cứ, đúng pháp luật; kiểm sát chặt chẽ việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án và bị can để đảm bảo mọi hành vi phạm tội và người phạm tội được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; trong đó, hết sức quan tâm tới việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này. Đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án trọng điểm, các vụ án dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Phát huy trách nhiệm và nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Tăng cường công tác giám sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính. Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện sai phạm, kịp thời kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, nâng cao chất lượng các kháng nghị. Thực hiện tốt công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án, việc xem xét đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp...

 Viện kiểm sát các cấp cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính nhân dân trong hoạt động kiểm sát. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp phải dựa vào nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, tích cực đấu tranh với những vi phạm dân chủ hoặc dân chủ cực đoan, đi đôi với giữ gìn kỷ cương phép nước. Viện kiểm sát các cấp phải lắng nghe ý kiến và thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp của các cơ quan, tổ chức và các đoàn thể quần chúng.

Hai là: Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo Nghị quyết 49-NQ/TW, Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, bảo đảm phù hợp với hệ thống tổ chức của Toà án, đồng thời để thực hiện tốt yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững vàng về chính trị, tinh thông về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ; đồng thời, chăm lo giáo dục, rèn luyện về phẩm chất đạo đức cho cán bộ Kiểm sát, thực hiện có kết quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Bác là "Cán bộ Kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Cán bộ Kiểm sát phải thực sự là những cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên", là tấm gương về tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có bản lĩnh và quyết tâm cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Ba là: Khẩn trương tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, tập trung vào tổng kết, đánh giá các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Từ kết quả tổng kết, đề xuất cụ thể với Đảng, Nhà nước các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, xác định rõ hơn vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát phù hợp với các định hướng, nội dung của Cương lĩnh và các Văn kiện của Đại hội XI, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và các luật về lĩnh vực tư pháp theo sự phân công của Quốc hội.

Bốn là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong toàn ngành Kiểm sát theo Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức Đảng trong ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, làm hạt nhân lãnh đạo mọi mặt hoạt động của ngành. Cùng với làm tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành, ngành Kiểm sát nhân dân cần tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên trong Đảng, trong bộ máy nhà nước ở các cấp, các ngành, các địa phương; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu cao. Tại hội nghị hôm nay, có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương, thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đảng các cơ quan Viện kiểm sát trên địa bàn làm tốt công tác xây dựng Đảng; chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các ngành có liên quan ở địa phương tăng cường cán bộ cho cơ quan kiểm sát, cơ cấu lãnh đạo Viện kiểm sát tham gia cấp ủy địa phương, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cơ sở vật chất, giúp các Viện kiểm sát hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho..."

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây