Rút kinh nghiệm qua công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của các Viện kiểm sát nhân dân địa phương

Thứ hai - 12/11/2012 18:50 2.336 0

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 1, tổng hợp một số vụ án đã giải quyết ở cấp phúc thẩm để rút kinh nghiệm.
Thời gian qua các kháng nghị cơ bản đảmbảo cả về nội dung và hình thức; nhiều kháng nghị đã phát hiện chính xác vi phạm của cấp sơ thẩm trong việc định tội danh, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tổng hợp hình phạt…để yêu cầu cấp phúc thẩm khắc phục. Do đó tỷ lệ kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận tăng đáng kể so với cùng kỳ. Chất lượng công tác kháng nghị được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được đòi hỏi chức năng, nhiệm vụ của Ngành, yêu cầu của Cải cách tư pháp.
*Điển hình một số kháng nghị phúc thẩm chất lượng tốt, như:
Vụ Trần Văn Huy, phạm tội “Giết người”:
 Khoảng 7 giờ sáng ngày 4/1/2011 Trần Văn Huy, Nguyễn Khắc Lượng, Nguyễn Khắc Trường đều sinh năm 1993, cùng đến dự tiệc cưới anh Ngọc con trai ông Du. Khoảng 29giờ 30 cùng ngày Lượng dùng xe máy chở Hải, Trường về, Huy ở lại. Ra cổng nhà ông Du, xe máy bị đổ. Anh Hoàng Văn Hưng đứng gần đó nói: Bọn Kim bí nát rượu. Lượng và Trường nói lại anh Hưng. Huy ra can ngăn. Lượng chở Hải, Trường đi khoảng 300 mét, nói: “ Quay lại xem thằng đó là thằng nào, xem nó có dám chửi nữa không, nếu chửi thì đánh cho nó một trận”, rồi cho xe quay lại. Đến nơi, anh Hưng vẫn đứng đó. Lượng dựng xe, xông đến tát vào mặt anh Hưng. Anh Hưng dùng gạch ném lại Lượng.Trường nhặt gậy, gạch ném anh Hưng. Huy đi ra, thấy anh Hưng bỏ chạy thì cùng Lượng, Trường, Hải đuổi anh Hưng vào nhà ông Du. Tại nhà ông Du, Trường hất bàn và ném gạch vào anh Hưng nhưng không trúng.Trường dùng chân đạp vào mặt anh Hưng. Huy dùng dao nhọn mang theo từ trước đâm vào bụng anh Hưng hai nhát. Lượng dùng ghế nhựa đập vào đầu anh Hưng. Gây án xong cả bọn bỏ chạy. Anh Hưng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, nhưng đến 22giờ cùng ngày thì chết. Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố Huy, Lượng, Trường đồng phạm tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.
Tòa án sơ thẩm áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Văn Huy 18 năm tù về tội “Giết người”; áp dụng khoản 1 Điều 245, điểm b, p khoản1, khoản 2 Điều 46 (áp dụng thêm Điều 69, Điều 74 với bị cáo Trường), xử phạt: Bị cáo Nguyễn Khắc Lượng 24 tháng tù, bị cáo Nguyễn Khắc Trường 15 tháng tù, cùng về tội “ Gây rối trật tự công cộng”.
Qua kiểm sát bản án thấy: Các bị cáo không bàn bạc đánh anh Hưng, nhưng hành vi cùng đuổi anh Hưng, cùng lần lượt dùng vũ lực tấn công anh Hưng của bị cáo, thể hiện các bị cáo đều thống nhất ý chí đánh anh Hưng một trận như ý định ban đầu của Lượng và Trường. Khi tấn công anh Hưng, các bị cáo Lượng và Trường đương nhiên phải biết hành vi của mình nguy hiểm đến mức nào đối với tính mạng và sức khỏe của anh Hưng, nhưng các bị cáo vẫn tấn công quyết liệt và không cần biết hậu quả sẽ xẩy ra với anh Hưng như thế nào. Thực tế chết người xảy ra thì hành vi phạm tội của các bị cáo Lượng và Trường đương nhiên phải xác định là đồng phạm với Trần Văn Huy về tội “Giết người” mới đúng pháp luật và chính xác. Án cấp sơ thẩm quá chú trọng đến nguyên nhân dẫn đến cái chết trực tiếp cho anh Hưng là hai nhát dao của Huy đâm anh Hưng, nên đã quyết định tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Lượng và Trường như trên là không đúng bản chất vụ án, không đúng pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân Tp. Hà Nội đã kháng nghị một phần về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Khắc Lượng và Nguyễn Khắc Trường, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét xử lại, sửa bản án sơ thẩm, xét xử các bị cáo Nguyễn Khắc Lượng, Nguyễn Khắc Trường về tội: “ Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.
Kháng nghị được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã chấp nhận sửa án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Nguyễn Khắc Lượng 5 năm tù, Nguyễn Khắc Trường 3 năm tù, đồng phạm về tội “Giết người”. Vụ án trên được xét xử đúng pháp luật, không sai, không lọt tội.
Vụ: Lê Văn Minh phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy
Phạm nhân Lê văn Minh là phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại trại giam Tân Lập, Phú Thọ về các tội “Giết người” và “Trốn khỏi nơi giam”. Khoảng 8 giờ ngày 15/4/2011 qua kiểm tra, cán bộ trại đã phát hiện Minh cất giấu trong người một gói herooin, qua giám định có trọng lượng là 2,17 gam. Minh đang chấp hành hình phạt tù Chung thân của bản án hình sự sơ thẩm số 42 ngày 27/3/1996 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Ngày 5/1/2010 Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù Chung thân của Minh xuống mức 20 năm. Đến ngày 12/1/2011 Minh được giảm tiếp 6 tháng.
Án sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 194, Điều 45; khoản 2 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 50, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt Minh 3 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Tổng hợp với phần còn lại của bản án số 42 ngày 27/3/1996 trên là 18 năm 2 tháng 20 ngày, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung 21 năm 2 tháng 20 ngày, thời hạn tù tính từ ngày 15/4/2011.
Qua kiểm sát bản án hình sự thấy: Thời gian thực tế Lê Văn Minh đã chấp hành hình phạt tù từ thời điểm bị cáo chấp hành bản án số 42/ HSST ngày 27/3/1996, đến thời điểm bị bắt tạm giam ngày 25/5/2011 vì phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” thì Minh còn phải chấp hành hình phạt tù của bản án trên là ba năm, bảy tháng 20 ngày tù. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định thời gian thực tế Lê Văn Minh đã chấp hành án là từ thời điểm được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù Chung thân xuống 20 năm tù để tổng hợp hình phạt là không chính xác (Tòa án cấp sơ thẩm đã nhầm lẫn ở chỗ: Cho rằng mức án tù 20 năm được giảm từ mức Chung thân xuống của hình phạt, là thời gian còn lại phải thi hành án của Minh. 20 năm tù là hình phạt thay cho hình phạt Chung thân. Minh đã thi hành từ 27/3/1996 đến 25/5/2911 chỉ còn ba năm, bảy tháng 20 ngày tù). Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú thọ đã kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về quyết định tổng hợp hình phạt.
Kháng nghị trên đã được Tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao chấp nhận xét xử, quyết định sửa án sơ thẩm: Áp dụng Điều 51 Bộ luật hình sự tổng hợp hình phạt ba năm tù về tội “ Tàng trữ trái phép chất ma túy”, buộc Lê Văn Minh phải chấp hành hình phạt chung là 6 năm 7 tháng 20 ngày tù.
Bản án trên được xét xử đúng pháp luật, khắc phục việc xác định sai thời hạn khi tính thời gian còn phải chấp hành hình phạt tù của Lê Văn Minh trước khi tổng hợp hình phạt với tội mới, tránh cho bị cáo phải chấp hành oan 14 năm 5 tháng tù do nhầm lẫn của Tòa án cấp sơ thẩm.
*Bên cạnh đó, còn một số địa phương chưa chú trọng công tác này nên không kháng nghị vụ nào, khi số lượng án phúc thẩm bị sửa, hủy do kháng cáo còn chiếm tỷ lệ 35% trên số bản án xét xử phúc thẩm, cụ thể:
a.Một số bản án sơ thẩm có sai lầm trong việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự hoặc quyết định hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hậu quả của tội phạm, nhưng Viện kiểm sát cấp sơ thẩm không kháng nghị phúc thẩm. Qua kiểm sát bản án sơ thẩm, Viện phúc thẩm đã kháng nghị 5 vụ/10 bị cáo. Cụ thể như:
Vụ Đoàn Văn Bộ, Đỗ Văn Hoan, vận chuyển trái phép 45 bánh hêroin, trọng lượng 14.987,8gam. Toà án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 4 Điều 194 Bộ luật hình sự, xử phạt Đoàn Văn Bộ và Đỗ Văn Hoan hình phạt: Chung thân, về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Hồ sơ thể hiện các bị cáo đã vận chuyển số lượng herooin đặc biệt lớn; Các bị cáo đều có tiền án được xóa án tích. Cấp sơ thẩm chưa đánh giá hết tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và hậu quả hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra, nên quyết định phạt tù: Chung thân, là không phù hợp. Viện phúc thẩm 1 đã kháng nghị một phần bản án, về quyết định hình phạt theo hướng tăng mức hình phạt với các bị cáo. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm, xử phạt các bị cáo Đoàn Văn Bộ, Đỗ Văn Hoan mức án tử hình về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.
b. Viện kiểm sát hai cấp chưa vận dụng đúng các quy định của Điều 33 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự nên Viện phúc thẩm 1 phải rút kháng nghị trước khi xét xử phúc thẩm một số vụ. Ví dụ: Vũ Văn Nghĩa và Đinh Ngọc Bình cùng nhau góp vốn mở văn phòng mua bán bất động sản. Thời gian từ 10/ 2010 đến 2/2011 Bình, Nghĩa bàn nhau thống nhất mua hai bộ hồ sơ giả gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bìa hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân. Sau đó, Bình, Nghĩa nhờ Phạm Hồng Đức, Đỗ Huy Sơn đóng giả hai hộ chủ sử dụng của hai mảnh đất trên và bán cho anh Đinh Văn Quý, chị Nguyễn Thị Thanh Nga, chiếm đoạt 1.448.000.000đồng.
Án sơ thẩm áp dụng khoản 4, 5 Điều 139, điểm g khoản 1 Điều 48, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 (riêng bị cáo Bình được áp dụng thêm điểm o khoản 1 Điều 46), Điều 47, Điều 53 Bộ luật hình sự, xử phạt Vũ Văn Nghĩa, Đinh Ngọc Bình, mỗi bị cáo 10 năm tù, thời hạn từ ngày bắt tạm giam 7/4/2011; phạt bổ sung mỗi bị cáo 15.000.000đ để xung công quỹ nhà nước….
Viện kiểm sát cấp sơ thẩm đã kháng nghị một phần bản án, đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức” quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự và không áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, tăng hình phạt đối với các bị cáo Vũ Văn Nghĩa, Đinh Ngọc Bình.
Qua nghiên cứu hồ sơ và kiểm sát bản án hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm, thấy: Nghĩa và Bình đã lợi dụng mở văn phòng mua bán bất động sản, bàn bạc cùng nhau lừa đảo bán đất cho người khác chiếm đoạt tài sản của họ. Tài liệu điều tra không đủ căn cứ xác định ai trong các bị cáo là chủ mưu, phân công công việc cho bị cáo khác.
Như vậy, các bị cáo này phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Án sơ thẩm không áp dụng tình tiết “ Phạm tội có tổ chức” là đúng pháp luật. Các bị cáo đã ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, bồi thường cho người bị hại, khắc phục hậu quả hành vi phạm tội do mình gây ra là: 1.202.000.000đ (trên tổng số tài sản chiếm đoạt là 1.448.000.000đ), nên án sơ thẩm cho các bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ tại các điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là phù hợp.
Án sơ thẩm đã đánh giá đúng ý nghĩa việc khắc phục sự thiệt hại do hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, đặc biệt là việc cơ bản khắc phục toàn bộ số tài sản đã chiếm đoạt, nên áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, nên xử phạt bị cáo dưới mức khởi điểm của khung hình phạt thuộc khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự là đúng pháp luật. Do vậy, Viện phúc thẩm 1 đã rút kháng nghị này của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm vì không có căn cứ và thiếu thuyết phục.

Tin, ảnh: Thái Hưng

Nguồn tin: www.vksndtc.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây