Chuyển đổi số là khâu công tác đột phá của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024

Thứ năm - 01/02/2024 16:45 810 0
Sáng 30/01/2024, VKSND tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm và triển khai công tác Văn phòng tổng hợp, thống kê tội phạm; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đặc biệt Chuyển đổi số được coi là khâu công tác đột phá của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 và những năm tiếp theo.
Chuyển đổi số là khâu công tác đột phá của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024
Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 đã nêu rõ: “Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của VKSND, xác định là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025 của toàn Ngành, giao cho người đứng đầu các cấp Kiểm sát chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số, bảo mật để đem lại kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính và một số hoạt động nghiệp vụ chính của Ngành lên môi trường số”. 
Xác định năm 2024 là năm bứt phá để tiến tới hoàn thành các mục tiêu phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm tính khả thi, có hiệu quả và phù hợp khả năng thực hiện của các đơn vị.
Quan điểm chỉ đạo của VKSND tối cao là coi chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị của toàn ngành Kiểm sát nhân dân: Không đơn vị nào đứng ngoài cuộc, không ai đứng ngoài cuộc. Quan điểm xuyên suốt là lấy cán bộ, công chức làm trung tâm, từ đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi số chi tiết và cụ thể, triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Mục tiêu của công tác chuyển đổi số năm 2024 là nhằm đổi mới căn bản và toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành; từ tư duy, nhận thức đến hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn. Việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng trở thành nhu cầu thiết yếu, tự giác của Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức trong Ngành.
Mục tiêu cụ thể của ngành là 100% văn bản trao đổi, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của Ngành), 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành được định danh số; 100% các cuộc họp trực tuyến từ điểm cầu VKSND tối cao có phương án cho phép xem trực tiếp trên các thiết bị di động; 100% đơn khiếu nại, tố cáo, đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong lĩnh vực quản lý hành chính và trong lĩnh vực tư pháp của ngành Kiểm sát được theo dõi, quản lý trên môi trường mạng (trừ những vụ việc có tính chất mật được thực hiện theo quy định của pháp luật và của Ngành); hình thành nền tảng Bàn làm việc số của ngành Kiểm sát nhân dân; ứng dụng trợ lý ảo trong hoạt động hành chính, nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; 100% các cơ sở thực hiện hỏi cung bị can được trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh. Hình thành trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của ngành Kiểm sát nhân dân; triển khai mạng diện rộng (WAN) dùng chung và hoàn thành kết nối kỹ thuật với Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư.
Để đạt được mục tiêu trên, VKSND hai cấp cần phải thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Một là phải nâng cao, thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, phải xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số của Ngành ở tất cả các cấp từ lãnh đạo đơn vị đến tất cả công chức, người lao động và phải chủ động tham gia thực hiện. Không đơn vị nào đứng ngoài cuộc, không một ai đứng ngoài cuộc. 
Người đứng đầu các đơn vị phải là tấm gương điển hình thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, là người đi đầu trong công tác chuyển đổi số tại đơn vị, trực tiếp phụ trách, chỉ đạo về công tác công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại đơn vị mình; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chương trình, kế hoạch công tác năm của đơn vị.
Hai là cần hoàn thiện môi trường pháp lý, ban hành các quy định về trách nhiệm của công chức trong việc thực hiện số hóa tài liệu hồ sơ vụ án; các quy định về kỷ luật cập nhật thông tin số liệu; quy định về việc tiếp nhận văn bản và tài liệu; quy định về việc thanh tra, kiểm tra; về chế độ chế độ thi đua khen thưởng và kỷ luật trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại VKSND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi đã có quy định cụ thể thì không một ai có thể chệch ra ngoài guồng máy đang hoạt động.
Ba là đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Trong điều kiện trang thiết bị còn thiếu thốn như hiện nay thì cần thiết phải đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả về các thiết bị đã được trang bị; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị bảo đảm sự hoạt động ổn định của hệ thống.
Bốn là đảm bảo nhân sự thực hiện công tác chuyển đổi số. Trong điều kiện hiện nay, cấp huyện chưa có công chức chuyên về công nghệ thông tin, vì vậy các đơn vị cần lựa chọn bố trí công chức có kiến thức về công nghệ thông tin kiêm nhiệm làm nòng cốt để thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị mình. Để thực hiện thành công thì các đồng chí làm công tác này phải nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi thêm để tự nâng cao mình và hướng dẫn cho các đồng chí khác đơn vị, các lớp học, lớp bồi dưỡng chỉ là sự gợi mở hướng đi, trang bị kiến thức tổng quát mà thôi.
Năm là cần làm tốt công tác kiểm tra và khen thưởng. VKSND tối cao và VKSND tỉnh đã phát động Phong trào thi đua chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong Phong trào thi đua; nhân rộng, lan toả các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay. Đồng thời kết quả thực hiện mục tiêu chuyển đổi số tại các đơn vị cũng được xem là một trong những tiêu chí ưu tiên trong đánh giá, bình xét thi đua của cá nhân, đơn vị cuối năm.

Tin, ảnh: Nguyễn Liêm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây