Bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII

Thứ sáu - 23/11/2012 10:43
Sau 1 tháng làm việc, sáng nay (23/11), Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường để biểu quyết thông qua một số Luật, Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII diễn ra từ 22/10 - 23/11

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII diễn ra từ 22/10 - 23/11


Khai mạc ngày 22/10, sau 1 tháng làm việc khẩn trương,  Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 với các chỉ tiêu cụ thể như  GDP tăng khoảng 5,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%, bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động…

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, theo đó, điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2013.

Trước ngày bế mạc kỳ họp, hôm qua, 22/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Điểm đáng chú ý mức thu nhập khởi điểm chịu thuế được "chốt" là 9 triệu đồng. Luật có hiệu lực hiện từ ngày 1/7/2013. Sau khi áp dụng luật thuế mới, theo dự kiến của Chính phủ, số người nộp thuế sẽ giảm từ 3,87 triệu hiện nay xuống còn 1 triệu người.

Một nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri đối với kỳ họp này là quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Ngày 21/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, theo đó, việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hàng năm, kể từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013. 49 chức danh ở cấp Trung ương sẽ được lấy, bỏ phiếu tín nhiệm.

Hoạt động lập hiến là nội dung rất quan trọng của kỳ họp, với hai ngày thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi.

Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến nhân dân đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia góp ý xây dựng bản Hiến pháp, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Quốc hội yêu cầu việc lấy ý kiến nhân dân phải được các cơ quan Nhà nước các cấp, tổ chức Trung ương, tổ chức chính trị- xã hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí... tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, thành viên tổ chức mình và các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các hình thức lấy ý kiến nhân dân gồm: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tại địa chỉ htttp://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng

Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng với 94,98% tổng số đại biểu tán thành, theo đó, giữ nguyên phạm vi đối tượng phải kê khai, minh bạch tài sản và thu nhập.

Giải trình về quy định này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản phải phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và kiểm soát hiện nay của Nhà nước thì mới bảo đảm tính khả thi.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng tập trung sửa đổi những vấn đề liên quan đến Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tại khoản 2 Điều 55 và Điều 73 Luật hiện hành; về công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; trách nhiệm giải trình tài sản tăng thêm; xác minh tài sản; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác khác của cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng.

Luật đã bổ sung một số lĩnh vực cần phải được công khai, minh bạch như trong lĩnh vực văn hóa, thông tin; nông nghiệp và nông thôn; thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách dân tộc… đồng thời đã chỉnh lý lại, quy định rõ, cụ thể hơn về các lĩnh vực phải công khai, minh bạch của Luật hiện hành.

Trên thực tế, trong điều kiện Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập, tài sản của mọi đối tượng trong xã hội nên tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản như quy định của Luật hiện hành để tập trung làm cho thật tốt và sẽ tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để mở rộng diện phải kê khai khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật này.

Đối với các đề nghị mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai. UBTVQH cho rằng, việc yêu cầu kê khai tài sản với các đối tượng này là khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn vì trường hợp bố mẹ, con, anh chị em ruột đã thành niên là cán bộ, công chức, viên chức thì họ đã phải kê khai theo quy định. Còn trường hợp họ không phải là công chức, viên chức, theo quy định của pháp luật hiện hành họ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình, kể cả việc họ có kê khai hay không kê khai.

Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung đối tượng này vào dự án Luật. Hơn nữa, trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn có thể điều tra những người liên quan, kể cả người thân của cán bộ, công chức, viên chức mà không nhất thiết phải kê khai.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm đối với những đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình.

Đối với vấn đề kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (đang được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành), UBTVQH cho rằng đây là vấn đề liên quan nhiều đến thể chế, chính sách và quy định trong hệ thống pháp luật Nhà nước nên cần phải nghiên cứu toàn diện, kỹ lượng. Do đó, Luật giao Chính phủ chuẩn bị đề án trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tìm phương án cho cơ quan phòng, chống tham nhũng

Trước một số ý kiến đề nghị thành lập và quy định cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước trong Luật này, UBTVQH cho rằng đây là vấn đề đổi mới quan trọng có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, sâu sắc, nghiên cứu đồng bộ với việc sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Vì vậy, UBTVQH giao cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đề xuất phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới mà chưa quy định cụ thể cơ quan này trong Luật.

Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban), tiếp thu ý kiến của hầu hết đại biểu Quốc hội, Luật không quy định tổ chức này trong Luật Phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo quy định của pháp luật đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.
 

Nguồn tin: Theo chinhphu.vn


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

LIÊN KẾT
vksndtc
kiem sat online
Bao ve Phap luat
chinhphu
tthue
tinhuy