Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình mới

Thứ năm - 28/01/2016 10:51
Ngày 27/01/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng, chống tham nhũng và sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh: Kiemsat online))
Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh: Kiemsat online))
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao tới 64 điểm cầu tại Viện kiểm sát quân sự trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí Lãnh đạo Viện tỉnh, các đồng chí Trưởng, Phó phòng trực thuộc, Viện trưởng VKSND cấp huyện và các kiểm sát viên trung cấp cùng tham dự.

Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới. Tại hội nghị, có 8 tham luận phát biểu của các đơn vị, tất cả tham luận đều nhất trí cao với các báo cáo được trình bày tại hội nghị; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, qua đó nêu những kiến nghị, đề xuất, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng tại đơn vị, địa phương.



Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC đánh giá cao sự nỗ lực của toàn Ngành trong công tác phòng chống tham những, đồng thời cũng chỉ rõ một số tồn tại cần khắc phục, đó là: tại một số đơn vị công tác phối hợp giải quyết án ở giai đoạn đầu kiểm sát điều tra chưa được chặt chẽ; chưa quản lý chặt chẽ công tác giải quyết tố giác tin báo tội phạm nên có nhiều đơn vị tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm chưa đạt yêu cầu, còn để tỷ lệ tin báo tố giác quá hạn; trong các vụ án điều tra về tham nhũng vẫn chưa bám sát, gắn chặt với hoạt động điều tra nên có nhiều vụ phải trả hồ sơ nhiều lần, có vụ phải cải, sửa, hủy ở cấp phúc thẩm; các kiến nghị phòng ngừa trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội còn ít; tỷ lệ thu hồi tài sản trong án tham nhũng còn thấp, chưa ưu tiên cho công tác quản lý tài sản ở giai đoạn điều tra, còn để xảy ra tình trạng tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Đồng chí Phó viện trưởng cũng đã chỉ đạo phương hướng đấu tranh, phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, đó là:

- Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm.

- Thứ hai, tất cả các tồn tại đã được chỉ ra đề nghị các đơn vị VKSND cấp tỉnh, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao căn cứ vào đó để xây dựng cho đơn vị mình các khâu đột phá, cụ thể đó là: công tác quản lý giải quyết tin báo tội phạm chưa tốt, còn bỏ lọt tội phạm và tình trạng giải quyết tin báo quá hạn; nâng cao chất lượng hoạt động điều tra bằng chất lượng kết quả các yêu cầu điều tra; xử lý vụ án đúng người đúng tội, không oan, không lạm dụng những qui định của Bộ luật TTHS, BLHS để đình chỉ miễn TNHS; trong giải quyết án tham nhũng cần tăng cường quản lý và thu hồi sản, khi giải quyết án phải tranh tụng dân chủ, tiến bộ và đối với mức án phải kiểm sát được toàn bộ án treo và cải tạo không giam giữ.

- Thứ ba là theo dõi, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, quản lý chặt chẽ và thực hiện tốt Chỉ thị 05 của đồng chí Viện trưởng về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong Ngành kiểm sát nhân dân, phòng chống tham nhũng ngay cả trong nội bộ ngành, tích cực tăng cường  thanh tra, kiểm tra các cấp.

- Thứ tư là phải thống nhất công tác phối hợp 2 chỉ thị 50-CT/TW và chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị, đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành 7 đạo luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Thứ 10, Quốc hội Khóa XIII; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, xây dựng pháp luật theo phân công của Quốc hội, nâng cao tự học tập chuyên môn nghiệp vụ; nghiên cứu pháp luật, đề xuất với trung ương về cơ chế chính sách đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả, cụ thể là cơ chế đối với người đấu tranh phòng chống tham những, cơ chế  bảo dảm đối với cho người tố cáo, tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình mới.

Tin, ảnh: Nguyễn Liêm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây