Ban cán sự Đảng VKSNDTC ban hành Kế hoạch thực hiện NQ Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (khóa XI)

Thứ sáu - 15/06/2012 10:24
Ngày 11/5/2012, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch số 15 - KH/BCSĐ về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (sau đây viết tắt là Nghị quyết Trung ương 4) trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Toàn cảnh một phiên họp Hội nghị  Trung ương
Toàn cảnh một phiên họp Hội nghị Trung ương
Kế hoạch của Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao  nhằm các mục đích, yêu cầu sau: Một là, làm cho cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành nhận thức đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết Trung ương 4, nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng về một số vấn đề cấp bách cần phải làm ngay để xây dựng Đảng, từ đó thống nhất ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trên mỗi cương vị, mỗi lĩnh vực công tác. Hai là, xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, cách làm, thời gian phải hoàn thành, phân công trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ba là, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên trong Ngành phải nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra với quyết tâm chính trị cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết tốt nhất những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong Ngành hiện nay, trong đó tập trung làm tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình để phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong hoạt động của từng tổ chức đảng, từng đảng viên. Sau học tập Nghị quyết Trung ương 4, phải tạo ra được chuyển biến thật sự trong nhận thức và hành động của từng cá nhân, tập thể, tạo nên sức mạnh chung của toàn Ngành nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2012 và các năm tiếp theo, góp phần tích cực vào việc thực hiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện tốt các mục đích, yêu cầu nói trên, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ rõ trong kế hoạch những nhiệm vụ cụ thể và phương pháp tiến hành mà toàn ngành Kiểm sát cần thực hiện tốt trong thời gian tới; cụ thể như sau:

Một là, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Theo đó, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu cần tập trung quán triệt kỹ ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, đó là:

Vấn đề thứ nhất, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Vấn đề thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vấn đề thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân cũng chỉ rõ, trong ba vấn đề nêu trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Để giải quyết tốt ba vấn đề trên, cần thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, cần tập trung làm tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, của đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4.

Với phương châm "trị bệnh cứu người", cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, không nể nang, né tránh để xác định cho được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của cơ quan, đơn vị, đề ra biện pháp khắc phục. Tự mỗi cá nhân, có sự góp ý và lấy ý kiến của tập thể, phải nêu cho được những việc cần sửa chữa, khắc phục để kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải chân thành, thẳng thắn, với ý thức xây dựng, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Trong quá trình kiểm điểm phải bình tĩnh, sáng suốt phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để xác định đúng tính chất, mức độ của thiếu sót, khuyết điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và đề ra biện pháp để khắc phục có hiệu quả những thiếu sót, khuyết điểm. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành ngay, làm kiên quyết, kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó. Hết sức tránh việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình qua loa, chiếu lệ, hình thức, không có tác dụng thiết thực, nhưng đồng thời cũng phải nêu cao cảnh giác, chú ý thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng cơ hội này để kích động, xuyên tạc gây rối nội bộ. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên trong việc thực hiện kiểm điểm...

Hai là, thực hiện giải pháp về kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Trong đó, tập trung kiểm điểm, làm rõ những biểu hiện và mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gắn với kiểm điểm việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đây là nội dung trọng tâm cần được kiểm điểm kỹ, chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm cụ thể là gì, của ai? ở đơn vị nào? mức độ đến đâu? vì sao chậm được khắc phục? trách nhiệm của tập thể? trách nhiệm của cá nhân? biện pháp để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm...

Ba là, thực hiện giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng. Theo đó, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp ủy, cán bộ chuyên trách công tác Đảng trong cơ quan, đơn vị...

Tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực mà cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành đã đề ra: "Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", đảm bảo thiết thực, phù hợp với đặc điểm của chi bộ, cơ quan, đơn vị...

Bốn là, thực hiện nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Theo đó, cần khẩn trương hoàn thành một số đề án về tổ chức, cán bộ, trình các cấp có thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng Ngành, ví dụ như đề án: "Thời hạn và cơ chế bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên"; "Cải tiến chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành Kiểm sát";...

Năm là, thực hiện giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức cánh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên... Đề cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, tính chiến đấu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên..

Tin, ảnh: Huy Nguyên - Bảo Châu

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây