Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2014 cụm các tỉnh miền Trung

Thứ ba - 01/07/2014 20:39
Ngày 26/6/2014, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm 2014 của VKS các tỉnh khu vực Miền Trung. Về dự Hội nghị có đại biểu các VKS các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, Viện THQCT và KSXX phúc thẩm tại Đà Nẵng; đại diện Văn phòng và một số các Vụ thuộc VKSTC. Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo sơ kết công tác Kiểm sát 6 tháng đầu năm 2014 của  khu vực các tỉnh miền Trung do Phó Chánh Văn phòng VKSTC Nguyễn Công Đức trình bày nêu rõ:

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tại khu vực duyên hải miền Trung, cùng với sự phức tạp căng thẳng về chính trị, an ninh lãnh hải, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng; có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể: Tội phạm về tham nhũng: đã khởi tố 30 vụ (chủ yếu là các tội: Tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai… tăng 15,4% cùng kỳ năm trước (trong khi trên toàn quốc tỷ lệ này giảm 10,1%). Số lượng vụ án khởi tố tăng 6,9% về số vụ so với cùng kỳ năm 2013, tăng cao hơn tỷ lệ toàn quốc 5% (6.017 vụ/9.982 bị can). Án về sở hữu, trật tự quản lý kinh tế tăng 18% trong khi cả nước tăng 11%... Tội phạm về trật tự an toàn xã hội có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn cũng đã xuất hiện những vụ gây rối gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ gây rối, phá hoại tài sản ở Khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). Án ma túy có giảm nhưng ở các tỉnh có đường biên giới với CHDCND Lào vẫn xảy ra nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn vào trong lãnh thổ…
 

 
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị

Quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của VKS trong tiến trình cải cách tư pháp, các quy định mới của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Viện Kiểm sát các tỉnh duyên hải miền Trung đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện; chức năng thực hành quyền công tố ngày càng được thể hiện rõ hơn; tỷ lệ trả hồ sơ giảm, các trường hợp phải đình chỉ do không phạm tội giảm; chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2013. Các đơn vị làm tốt công tác này, gồm: VKS Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định...; Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp, số lượng kiến nghị, kháng nghị tăng, hạn chế những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam được tiến hành chặt chẽ hơn. Đã giải quyết 4.719/4.829 trường hợp bắt, tạm giữ, trong đó có 4.688 vụ chuyển xử lý hình sự, đạt tỷ lệ 99,3% (cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc 7,7%). Các đơn vị đã kiên quyết hơn khi thực hiện quyền năng trong hoạt động kiểm sát, không phê chuẩn lệnh bắt hoặc hủy quyết định tạm giam, tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết, góp phần hạn chế những sai sót, vi phạm trong lĩnh vực này.

Các lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án hình sự, hai cấp kiểm sát trong khu vực đã khẩn trương quán triệt thực hiện các giải pháp “nhằm chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm”. Kết quả đánh giá cho thấy trách nhiệm công tố của VKS trong giai đoạn điều tra được tăng cường và ngày càng được thể hiện rõ nét….

Công tác xây dựng ngành: các đơn vị đã triển khai các nhiệm vụ: Cải cách tư pháp; Quản lý,chỉ đạo, điều hành; công tác tổ chức, cán bộ, công tác tài chính và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất… có nhiều tiến bộ; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; nội bộ các đơn vị đoàn kết, chất lượng công tác nghiệp vụ được nâng lên. Quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, quan hệ với cấp ủy ở nhiều địa phương thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu công tác…

Về mặt tồn tại, trong 6 tháng đầu năm 2014 một số đơn vị vẫn còn những hạn chế như: Chưa quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp đã được đề ra trong Chỉ thị công tác đầu năm của Viện trưởng VKSND tối cao, nhất là trong công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Còn để xảy ra oan sai. Một số địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu công tác của ngành, của Quốc hội giao. Kỹ năng tranh tụng của một số KSV tại Tòa chưa đạt yêu cầu. Một số đơn vị còn thiếu chặt chẽ trong việc kiểm sát bản án, số lượng kháng nghị phúc thẩm còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với bản án, quyết định bị cấp phúc thẩm sửa, hủy; việc chuyển bản án, quyết định cho cấp phúc thẩm chưa đầy đủ hoặc quá hạn, chất lượng kháng nghị phúc thẩm dân sự giảm so với cùng kỳ năm trước. ..

Trong kết luận Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 toàn ngành cần tập trung: hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội đã giao cho ngành Kiểm sát thực hiện trong năm 2014. Thực hiện hiệu quả chủ trương “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa”, giảm và hạn chế đến mức thấp nhất việc oan, sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan xử lý hiệu quả các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp; thực hiện tốt Chỉ thị 03, 04 của Viện trưởng VKSND tối cao, kịp thời phát hiện các thiếu sót, vi phạm để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng, số lượng các bản kiến nghị, kháng nghị; chủ động phát hiện các vụ việc có dấu hiệu xâm phạm các hoạt động tư pháp để xử lý đảm bảo tăng cường pháp chế trong các hoạt động tư pháp; chuẩn bị kế hoạch để tổ chức triển khai Luật tổ chức VKSND ngay sau khi được Quốc hội thông qua; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành, coi đây là cơ hội để tạo ra sự chuyển biến thực sự về công tác kiểm sát… Các đơn vị phải tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lãnh đạo VKS hai cấp, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo VKS hai cấp; tham mưu cho cấp ủy bố trí cán bộ lãnh đạo tham gia cấp ủy các địa phương, quan tâm luân chuyển để đào tạo, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu cán bộ, thiếu chức danh tư pháp;  tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết TW 4 của Đảng và Chỉ thị số 03 của Bộ chính trị  về thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật; công tâm và bản lĩnh; kỷ cương và trách nhiệm”.

Tin, ảnh: Thanh Quang

Nguồn tin: Theo http://kstv.vn/ (Truyền hình Kiểm sát nhân dân)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây