Sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch về trả hồ sơ điều tra bổ sung

Thứ ba - 10/12/2013 07:06
Sáng ngày 04/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện TTLT về trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo do đồng chí Trần Đức Phong, Vụ trưởng Vụ 1C trình bày tại Hội nghị cho thấy, khi chưa có TTLT, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn do việc hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất, dẫn đến tình trạng trả hồ sơ một cách thiếu căn cứ, làm kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, giảm hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
 
 

Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn phát biểu khai mạc

Sau khi Thông tư số 01/2010/TTLT/VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 ban hành, có hiệu lực pháp luật, chất lượng giải quyết án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng được nâng lên rõ nét, tỷ lệ trả hồ sơ năm sau giảm hơn năm trước; các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Ở nhiều địa phương, các Điều tra viên, Kiểm sát viên đã có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, phân loại và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Kiểm sát viên và Thẩm phán có sự chủ động phối hợp trao đổi đối với những vụ án dự kiến phải trả hồ sơ, qua đó đã hạn chế những trường hợp không cần thiết phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
 
 

Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Thông tư liên tịch, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán ở một số địa phương còn chưa có sự thống nhất đối với một số quy định của Thông tư do Thông tư chưa quy định cụ thể những chứng cứ mà VKS không thể tự bổ sung được; chưa quy định việc thu thập chứng cứ chứng minh độ tuổi của bị can, bị cáo để truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa xác định chứng cứ xác định lý lịch tư pháp của bị can, bị cáo.
 
Vụ trưởng Vụ 1 VKSNDTC Nguyễn Mạnh Hiền
phát biểu tham luận
Công tác phối hợp triển khai thực hiện một số quy định trong Thông tư giữa các cơ quan tố tụng một số địa phương chưa đồng đều, thống nhất từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có nơi chưa triệt để, dẫn đến có trường hợp thiếu sót, nhưng không phối hợp chặt chẽ để bổ sung, tăng cứu tài liệu, chứng cứ dẫn đến lạm dụng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Mặt khác, do tổ chức và hoạt động của các Cơ quan điều tra chưa hợp lý, nhất là gắn hoạt động trinh sát với điều tra dẫn đến việc điều tra, lập hồ sơ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều thiếu sót, hạn chế; chưa thực hiện đúng việc phân cấp về thẩm quyền điều tra giữa Cơ quan điều tra ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Số lượng Điều tra viên ở một số địa phương còn thiếu, trong khi khối lượng công việc nhiều và phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, đồng thời, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một số Điều tra viên chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến chất lượng, hiệu quả điều tra vụ án và lập hồ sơ chưa cao, thời hạn điều tra bị kéo dài.
 
Hội nghị đã nghe 12 ý kiến tham luận từ các đơn vị, các tham luận đều tập trung phân tích và đề nghị một số vấn đề như: Đề nghị bỏ quy định Thẩm phán có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với các trường hợp không thuộc các trường hợp đã được cụ thể hóa tại Thông tư để tránh việc Thẩm phán tùy tiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho VKS và tạo ra quan điểm khác nhau giữa CQĐT, VKS, TA. Quy định cụ thể Tòa án trả hồ sơ đúng hay trả hồ sơ sai trong trường hợp kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi quyết định truy tố, VKS có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho TA. Xem xét bổ sung để thống nhất cách tính tỉ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án VKS đã truy tố sau đó có bị can khác ra đầu thú và phục hồi điều tra, TA đã trả hồ hơ cho VKS với lý do “truy tố thêm bị can trong cùng vụ án”, VKS chấp nhận và TA tính đây là vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, Thông tư ra đời đã kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc trong nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ khi có Thông tư, nhận thức của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác giải quyết án hình sự được nâng lên rõ rệt, hạn chế tỷ lệ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là án trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm thủ tục tố tụng. Trách nhiệm của VKS trong hoạt động điều tra được nâng cao, các vụ án được giải quyết đúng đắn, kịp thời, đúng thời hạn. Để thực hiện Thông tư có hiệu quả hơn, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn lưu ý, các đơn vị trong ngành Kiểm sát cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cơ quan điều tra ngay khi có tin báo, tố giác về tội phạm để nắm chắc thông tin, quản lý tốt các thông tin. Phải phối hợp tốt ngay trong các bộ phận của cơ quan VKS các cấp, đồng thời, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra thật chính xác. Đối với những vụ án phức tạp, Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án phải trao đổi và báo cáo với Lãnh đạo Viện kiểm sát từng cấp để xử lý giải quyết. Cũng tại Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn giao nhiệm vụ cho Vụ 1C và Viện Khoa học Kiểm sát tiếp tục tổng hợp những vướng mắc trong vấn đề nhận thức về trả hồ sơ điều tra bổ sung trình Lãnh đạo VKSNDTC đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương xem xét giải quyết để chất lượng giải quyết các vụ án đảm bảo đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội.

 

Tin, ảnh: Trần Tùng

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây