Một số nội dung mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Chủ nhật - 24/06/2012 20:21

Một số nội dung mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, với nhiều quy định mới, mức xử lý rất nặng so với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2013.

Một số nội dung chú ý:
- 3 lĩnh vực được phạt cao tối đa gấp 2 lần mức phạt chung:
    + Mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt tiền chung đối với cùng hành vi vi phạm được quy định trong 3 lĩnh vực là: Giao thông đường bộ, Môi trường và An ninh trật tự, an toàn xã hội và chỉ áp dụng tại khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (đoạn 2 khoản 1 Điều 23 và khoản 3 Điều 23). Tuy nhiên, không phải ở các khu vực này đều áp dụng mức phạt tối đa cao gấp 2 lần so với quy định chung mà tùy theo điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội đặc thù của từng địa phương.
- Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực:
      + Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực từ 50 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, từ 100 nghìn đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
      + Mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực mới chưa được quy định tại Luật này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chỉ tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do lỗi cố ý:
      + Về hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 25): được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thời hạn đình chỉ hoạt động từ 1 - 24 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
      + Về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Điều 26): tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung và ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
      + Về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (Điều 125) chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết (như để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt...). Việc tạm giữ tang vật, phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành. Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần thì sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
- Bán dâm chỉ bị phạt tiền, bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh
      Việc bỏ biện pháp này là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý; hành vi của họ chưa đến mức phải áp dụng biện pháp hạn chế quyền tự do mà chỉ cần phạt tiền như đối với người mua dâm theo quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm là phù hợp.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây