Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet

Thứ ba - 28/09/2021 17:02
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 biến phức tạp, tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã tiếp nhận, giải quyết nhiều tin báo, trong đó có bị hại bị lừa đảo chiếm đoạt lên đến 2 tỷ đồng. Phương thức thủ đoạn hoạt động tuy không mới nhưng vẫn còn nhiều người bị lừa, thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó nổi lên là một số phương thức, thủ đoạn sau:
1. Giả danh cán bộ cơ quan chức năng
Các đối tượng sử dụng các số điện thoại có đầu số lạ: +0084, +067, +066... gọi điện cho nạn nhân giả danh là cán bộ đơn vị Viễn thông, Bảo hiểm, Công an, Viện kiểm sát,... thông báo nạn nhân nợ cước viễn thông, nợ tiền Bảo hiểm, thông báo vi phạm giao thông hoặc thông báo trong tài khoản nạn nhân nhận được hàng tỷ đồng nghi do liên quan đến tội phạm (hình sự, ma túy, rửa tiền...). Để tạo áp lực, các đối tượng liên tục gọi điện không cho nạn nhân tắt máy hoặc báo cho người khác, sau đó yêu cầu nạn nhân giữ bí mật và trực tiếp đến ngân hàng nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng cá nhân do chúng chỉ định (để chiếm đoạt) nếu không, sẽ ra lệnh bắt, tạm giam... Hoặc yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ CÔNG AN”, giao diện của ứng dụng này có cả hình ảnh “Công an hiệu” kèm dòng chữ “Bộ CÔNG AN” nhằm tạo lòng tin cho nạn nhân. Sau khi cài đặt thành công ứng dụng, máy điện thoại của nạn nhân bị các đối tượng chiếm quyền điều khiển, một số quyền quan trọng như nhận, đọc, soạn thảo tin nhắn, ghi danh bạ và lịch sử cuộc gọi đã bị các đối tượng theo dõi từ xa. Tiếp đó các đối tượng yêu cầu nạn nhân điền thông tin vào các ô, cột có nội dung cụ thể như: tên đăng nhập, mật khẩu, họ tên, số CMND, số điện thoại vấn tin tài khoản ngân hàng, so tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng... để kiểm tra thông tin, nhưng thực chất là đang yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng. Các đối tượng thực hiện các lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân sang các tài khoản ngân hàng khác rồi chiếm đoạt mà nạn nhân không hề biết.
 
lua dao

2. Giả danh người nước ngoài thành đạt
Thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram…) các đối tượng giả danh người nước ngoài thành đạt như Quân nhân, Bác sỹ... chủ động vào kết bạn làm quen, tán tỉnh, tạo lòng tin rồi thông báo gửi quà, ngoại tệ cao về Việt Nam cho nạn nhân. Sau đó, kết hợp với các đối tượng người Việt Nam để giả danh là cán bộ Thuế, Hải quan, sân bay hoặc nhân viên chuyển phát gọi điện yêu cầu nạn nhân gửi tiền đóng các khoản phí, thuế... qua các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để nhận bưu phẩm rồi chiếm đoạt.
 
b7d0425a

3.  Sử dụng đường link thu thập thông tin tài khoản ngân hàng
Trong giao dịch mua bán online, thông qua các bài đăng rao bán hàng hóa trên mạng xã hội facebook, zalo.. của nạn nhân (các chủ shop), các đối tượng đóng giả là khách đang cư trú ở nước ngoài chủ động liên hệ để mua hàng. Sau thỏa thuận giữa 02 bên, đối tượng đề nghị nạn nhân truy cập vào website do đối tượng cung cấp (website do các đối tượng tạo ra để thu thập thông tin của nạn nhân) và điền các thông tin theo yêu cầu như: tên ngân hàng, tên tài khoản, mật khẩu, mã OTP... để nhận tiền cọc, tiền hàng. Khi có được thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân, các đối tượng đăng nhập vào hệ thống ngân hàng rồi thực hiện chuyển khoản toàn bộ số tiền có trong các tài khoản đó đến các tài khoản khác của đối tượng và chiếm đoạt. Một trong nhũng đường link có đường dẫn là: https://www.westems-unions.com/un; https://www.xacthuckieuhoi.247.weebly.com hoặc htttps://www...weeby.com
 
thu doan lua dao

4. Sử dụng đường link thu thập thông tin tài khoản mạng xã hội
Để chiếm quyền (hack) tài khoản facebook của nạn nhân, các đối tượng lấy thông tin họ tên, hình ảnh của 1 tài khoản facebook chính chủ sau đó tạo ra facebook ảo rồi kết bạn với những người trong danh sách bạn bè và yêu cầu kích vào website do chúng tạo ra để tham gia bình chọn (website giả mạo do các đối tượng tạo ra nhằm thu thập thông tin của nạn nhân, các website này có giao diện gần giống với giao diện các chương trình giải trí nổi tiếng trên các kênh truyền hình của VTV như “Tài năng nhí”, “Giọng hát Việt”....). Để hoàn thành việc bình chọn, đối tượng yêu cầu nạn nhân xác nhận tài khoản facebook bằng cách nhập tên đăng nhập, mật khẩu (tại bước này đối tượng sẽ thu thập thông tin của nạn nhân). Khi có được thông tin trên, các đối tượng tiến hành đăng nhập, đổi mật khẩu và chiếm quyền tài khoản facebook của nạn nhân, sau đó nhắn tin mượn tiền các tài khoản trong danh sách bạn bè và yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt.

5. Giả danh nhân viên ngân hàng, Lazada, Shopee…
Các đối tượng giả danh nhân viên của các ngân hàng, nhân viên Lazada, Shopee,… gọi điện, nhắn tin cho nạn nhân, thông báo nạn nhân là khách hàng may mắn đã trúng được giải thưởng lớn như (sồ tiền lớn, xe máy giá trị cao), yêu cầu nạn nhân nộp các khoản phí để làm thủ tục nhận giải thông qua các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để thực hiện chiếm đoạt tài sản.
 
6. Thu đoạn chiếm quyền sử dụng (hack) sim điện thoại rồi đăng ký vay tiền qua mạng internet.
Các đối tượng giả danh nhân viên tổng đài, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng Mobifone, Vinafone, Viettel,...gọi điện thoại yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp để được chuyển đổi từ mạng 3G thành 4G và nhận quà tặng miễn phí. Thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa và số điện thoại của khách hàng chuyển quyền sử dụng sang sim mới của đối tượng. Lúc này đối tượng tiến hành đăng ký các khoản vay trên mạng internet của các công ty tài chính như Công ty Fe credit.
- Đối tượng sử dụng trên 5 số điện thoại khác nhau nhá máy cho điện thoại nạn nhân, phát hiện có cuộc gọi nhỡ nạn nhân sẽ điện thoại lại. Tiếp đó đối tượng sử dụng CMND giả đến các địa điểm giao dịch của nhà mạng với lý do mất điện thoại và cung cấp 5 số điện thoại liên hệ gần nhất để làm mới sim. Lúc này sim điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa và số điện thoại của khách hàng chuyển quyền sử dụng sang sim của đối tượng. Sau khi chiếm đoạt được số điện thoại các đối tượng tiến hành các khoản vay tiền trên mạng internet.
 
7. Vay tiền qua mạng internet bằng cách tải và cài đặt các ứng dụng (app) trên điện thoại
Đặc điểm của loại hình cho vay này rất đơn giản, nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần thế chấp tài sản. Người vay chỉ cần gửi hình ảnh CMND/CCCD, khuôn mặt, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ, Zalo, Facebook,., chỉ sau thời gian ngắn tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Quá trình vay tiền cần cài đặt ứng dụng (app) trên điện thoại và phải chấp thuận các điều khoản như được phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tin nhắn, hình ảnh trên điện thoại di động phục vụ việc đòi nợ sau này. Lúc này bên cho vay sẽ thu thập toàn bộ các thông tin gồm số điện thoại, Zalo, Facekbook của người thân, đồng nghiệp, bạn bè của người vay để sử dụng cho các mục đích đòi nợ sau này.
Đến hạn nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên đòi nợ sẽ tiếp tục giới thiệu các ứng dụng (app) khác để người vay tiếp tục vay trả cho nợ trước. Từ chỗ chỉ vay của 1 ứng dụng (app) sau đó phải vay tiếp của nhiều ứng dụng khác dẫn đến số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hằng ngày. Khi người vay không có khả năng chi trả, thì các đối tượng gọi điện thoại cho người thân để quấy rối, đăng hình ảnh xúc phạm trên mạng xã hội facebook, zalo để đòi nợ.
 
8. Giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) là hình thức đầu tư tài chính trá hình Forex, là giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như: hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán. Nếu dự đoán đúng sẽ có lợi nhuận theo tỉ lệ sàn đưa ra, nếu dự đoán sai sẽ mất toàn bộ số tiền giao dịch. Hầu hết hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân như Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, AresBO, Bhianex, Fxtradingmarket, GardenBO, Hitoption, WolfBroker … trên không gian mạng tại Việt Nam đều có dấu hiệu tổ chức kinh doanh, điều hành theo mô hình đa cấp trái phép, lừa đảo và chiếm đoạt tài sản người tham gia. Để đánh bóng tên, tuổi, một số đối tượng tự nhận là “chuyên gia đọc lệnh, hot girl tỉa nến, thợ đục sàn” tạo nhóm kín chia sẻ kinh nghiệm cho nhà đầu tư, đăng nhiều tin bài trên các trang mạng xã hội thể hiện là người giàu có, thu nhập cao, kiếm hàng triệu đồng một ngày, đi xe sang hay du lịch đắt tiền và không quên nhấn mạnh những thành quả đạt được là nhờ đầu tư Forex.

  * MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
- Thứ nhất, cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài; tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. 
- Thứ hai, tuyệt đối không mua, bán, cho mượn giấy chứng minh thư nhân dân, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. Không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.
- Thứ ba, tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: facebook, zalo, viber,… kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.
- Thứ tư, cảnh giác, thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác; hạn chế việc công khai ngày sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn.

Tin, ảnh: NL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây