Hội thảo cải cách Viện kiểm sát ở một số nước trên thế giới - Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Thứ năm - 24/11/2011 21:29
Ngày 22/11/2011, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức Hội thảo cải cách Viện kiểm sát ở một số nước trên thế giới - Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội thảo
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao và các đại biểu dự Hội thảo

Dự Hội thảo có PGS,TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các chuyên gia trong và ngoài nước; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội; một số Viện kiểm sát địa phương và đại diện một số cơ sở nghiên cứu và đào tạo.

Toàn cảnh Hội thảo

 Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, công cuộc đổi mới của nước ta đã đặt ra yêu cầu tiếp tục phát huy dân chủ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để đáp ứng yêu cầu đó, Đảng ta đã xác định cải cách tư pháp là chủ trương mang tính chiến lược nhằm xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp là đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm xác định rõ mô hình, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, từng cấp tư pháp; bảo đảm tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp vận hành được trôi chảy, có hiệu quả và hiệu lực cao; trong đó, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là một nội dung quan trọng của tiến trình cải cách tư pháp.

Từ năm 2005 đến nay, các Văn kiện lớn của Bộ chính trị Trung ương Đảng đã đề ra phương hướng cải cách tư pháp đối với Viện kiểm sát nhân dân, cụ thể là: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định, trước mắt, Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án. Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra.



 Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể phát biểu khai mạc Hội thảo

 Tiếp đó, Kết luận số 79 ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: "Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như hiện nay".

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định: "Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với tổ chức của Tòa án, bảm đảm tốt hơn các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra".

Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Đảng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai xây dựng đề án nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố nhằm luận giải, làm rõ các chủ trương của Đảng về cải cách Viện kiểm sát; xác định phương hướng và nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát, Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của Viện kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp.


Các đại biểu dự Hội thảo


Trong quá trình nghiên cứu về đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu cải cách đã hình thành hai nhóm quan điểm chính:

Loại quan điểm thứ nhất cho rằng, trong điều kiện cụ thể của nước ta, Viện kiểm sát cần tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp như Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và Kết luận số 79 của Bộ Chính trị đã xác định; Viện kiểm sát các cấp cần xây dựng kế hoạch để thực hiện đồng bộ các biện pháp đổi mới về tổ chức bộ máy, về phương thức công tác kiểm sát và xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát theo tinh thần cải cách tư pháp để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo các yêu cầu đặt ra trong các Nghị quyết của Đảng.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần xem xét lại chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; trong tố tụng hình sự, việc điều tra, truy tố đều là hoạt động buộc tội. Vì vậy, thay cho việc kiểm sát điều tra Viện kiểm sát chỉ đạo điều tra để thực hiện chức năng buộc tội; trong xét xử, Viện kiểm sát vừa buộc tội vừa kiểm sát xét xử là chưa hợp lý, ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án. Do đó, cần chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, đồng thời thành lập Viện kiểm sát như một cơ quan giám sát chung của Quốc hội có vị trí độc lập tương đối.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể khẳng định, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát phải trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và truyền thống lịch sử của Việt Nam; đồng thời, phải tiếp cận những yêu cầu chung có giá trị phổ biến về chế định cơ quan công tố đã được hầu hết các nước thừa nhận, như cơ quan Công tố là cơ quan duy nhất quyết định việc truy tố, cơ quan Công tố độc lập trong việc thực hiện nhiệm vụ công tố, không chịu bất cứ sự hướng dẫn hoặc can thiệp nào từ bên ngoài; đề cao trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra và gắn công tố với hoạt động điều tra. Do đó, tiếp thu những yếu tố hợp lý của của các nước trên thế giới về chế định cơ quan Công tố và những truyền thống kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn của cơ quan Công tố, Viện kiểm sát ở Việt Nam hơn 60 năm qua sẽ là cơ sở định hướng cho việc hoàn thiện mô hình Viện kiểm sát trong thời gian tới. Các Nghị quyết, Chỉ thị gần đây của Đảng đều khẳng định, chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát theo hướng xây dựng một nền công tố mạnh có vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động điều tra; đồng thời, khẳng định vị trí độc lập của Viện kiểm sát trong hệ thống Bộ máy nhà nước ta.

Phó Viện trưởng mong muốn, các chuyên gia trong và ngoài nước, các đại biểu dự Hội thảo, trên cơ sở những kinh nghiệm và hiểu biết đưa ra ý kiến của mình về những vấn đề mà bản thân quan tâm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia ngoài nước trình bày về cải cách Viện kiểm sát ở các nước: Nga, Hungari, Ucraina, Trung Quốc, Bungari, Ba Lan và Cộng hòa Séc; các chuyên gia Việt Nam trình bày về đề xuất đổi mới tổ chức và hoạt động Viện kiểm sát ở Việt Nam từ kinh nghiệm của các nước trên; theo đó, các chuyên gia Việt Nam cho rằng, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát theo hướng hoàn thiện mô hình hiện có; Viện kiểm sát phải là một hệ thống cơ quan độc lập trong Bộ máy nhà nước; tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát ở một số nước trên thế giới để các chuyên gia nước ngoài chia sẻ thêm.

Tin, ảnh: Văn Công

Nguồn tin: Theo Kiểm sát online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây