Một vài suy nghĩ về trách nhiệm của Cộng tác viên với nhiệm vụ tuyên truyền về ngành Kiểm sát hiện nay

Thứ sáu - 05/06/2015 08:35
(Kiẻm sát online) - Để góp phần thiết thực vào việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 23/8/2012 của Viện trưởng VKSND tối cao “Về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành kiểm sát nhân dân”, là một Cộng tác viên có thời gian nhất định cộng tác với các báo và Tạp chí trong và ngoài ngành Kiểm sát, nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi có một vài suy nghĩ về vai trò trách nhiệm của Cộng tác viên với nhiệm vụ tuyên truyền về Ngành trong giai đoạn hiện nay và rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Về vai trò, trách nhiệm của Cộng tác viênCác Cộng tác viên đều được Lãnh đạo cơ quan, đơn vị lựa chọn, giới thiệu đưa vào danh sách Cộng tác viên của ngành. Đó là sự tin tưởng và gửi gắm của cơ quan nơi Cộng tác viên công tác. Cộng tác viên chỉ là kiêm nhiệm, có thể cơ quan đơn vị chưa có cơ chế động viên khen thưởng kịp thời, nhưng hơn ai hết mỗi Cộng tác viên phải ý thức được trọng trách của mình - Đó là người viết về cơ quan, đơn vị mình, là cầu nối giữa cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành mình với độc giả. Nếu Cộng tác viên không có sự cố gắng, không thấy rõ trách nhiệm của mình, không tự học hỏi, tự nâng cao khả năng và hiệu quả cộng tác của mình với Ban biên tập, với Tòa soạn, với Biên tập viên của các báo và Tạp chí thì Cộng tác viên không thể phát huy được khả năng. Nếu mọi kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị không được tuyên truyền (làm tốt mà không nói lên được, có làm mà không nêu được); hoặc nếu trong thời gian dài mà Cộng tác viên không có bài gửi đăng thì có thể nói Cộng tác viên chưa thể hiện rõ trách nhiệm của mình. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc Cộng tác viên đã phụ lòng tin của cơ quan nơi mình công tác khi họ quyết định lựa chọn, giới thiệu mình.

- Về bám sát nội dung tuyên truyền: Việc tuyên truyền về ngành đã được xác định rõ trong Chỉ thị về nhiệm vụ công tác hàng năm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Định hướng về công tác tuyên truyền hàng năm của Báo và Tạp chí của ngành đều có nội dung rõ ràng và được gửi tới từng cơ quan đơn vị. Vì vậy Cộng tác viên phải nắm bắt được và lấy đó làm Kế hoạch cho nhiệm vụ tuyên truyền của mình để thực hiện một cách chủ động và linh hoạt ở những thời điểm nhạy cảm khác nhau.

- Về việc chọn địa chỉ gửi bài phù hợp nội dung bài viết: Bài viết của Cộng tác viên phải bám sát tôn chỉ, mục đích của tờ báo và Tạp chí mà Cộng tác viên chọn gửi. Nếu không làm tốt được việc này thì cũng đồng nghĩa với việc gửi bài viết nhầm địa chỉ. Cùng với việc viết và gửi bài, mỗi Cộng tác viên cần phải biết được chính xác địa chỉ liên hệ với Biên tập viên hoặc với Ban biên tập Tòa soạn để gửi bài và kiểm tra bài đã gửi đến đúng địa chỉ chưa. Tránh trường hợp bài gửi đi nhưng không đến kịp thời và không đến đúng địa chỉ nơi Cộng tác viên muốn gửi hoặc đã gửi nhưng thư thất lạc.

- Về việc lưu trữ bài đã đăngĐây là công việc mà mỗi Cộng tác viên cần quan tâm để lưu trữ kết quả tuyên truyền của mình. Thông thường các Cộng tác viên chỉ quan tâm tới bài có được đăng hay không để đón đọc. Khi có bài được đăng thì số báo và Tạp chí đó có thể được chuyển cho người khác cùng đọc và chia sẻ nên cũng vì lý do đó mà số báo hoặc tạp chí đó không được lưu giữ lại, bị thất lạc hoặc nếu có lưu giữ nhưng lại lưu giữ cả tờ báo. Thời gian trôi qua, có thể vô tình chúng ta không nhớ chính số báo đó có bài viết của mình và rồi vô tình chính chúng ta hay người khác đã làm cho số báo, tạp chí đó bị thất lạc. Vì vậy theo kinh nghiệm của tôi là cắt luôn bài báo kèm theo số và ngày của tờ báo hoặc tạp chí đã đăng để dán vào một quyển sổ có kích cỡ phù hợp. Cách lưu giữ đó là bằng chứng chân thực và sinh động nhất để Cộng tác viên gom nhặt những kỷ niệm và bài viết của mình.

- Về cơ chế động viên, khen thưởngCộng tác viên chỉ là kiêm nhiệm. Công việc của Cộng tác viên là thầm lặng. Kết quả của Cộng tác viên là những bài được đăng, nhưng không hẳn trong cơ quan, đơn vị đã có nhiều người cùng đọc. Tôi được biết hiện nay Viện kiểm sát tối cao đã cấp kinh phí chi cho hoạt động tuyên truyền, nhưng không phải mọi đơn vị đều đã có cơ chế rõ ràng trong việc sử dụng kinh phí động viên, khen thưởng Cộng tác viên mỗi khi có bài viết được đăng. Thiết nghĩ việc cấp kinh phí chi cho Cộng tác viên có bài viết tuyên truyền về hoạt động của ngành là cần thiết rất được Lãnh đạo các đơn vị quan tâm để động viên Cộng tác viên kịp thời. Chúng ta cần có sự quan niệm và đối xử tương xứng giữa lao động của Cộng tác viên kiêm nhiệm cũng như một phóng viên thực thụ bởi vì không ai hiểu về ngành và việc làm của ngành ta, đơn vị ta bằng chính các Cộng tác viên mà chúng ta đã đào tạo, chọn cử. Qua đó ngành cũng nên phát động và đẩy mạnh phong trào "Kiểm sát viên nói về Ngành, viết về ngành Kiểm sát".

Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam, tôi xin mạo muội nêu một số điều rút ra qua kinh nghiệm Cộng tác viên của mình để bạn đọc cùng tham khảo. Xin chúc tất cả các bạn yêu nghề báo, đã và đang đến với nghề làm báo dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư hãy yêu nghề và hết lòng với nghề vì sự nghiệp báo chí của chúng ta đồng thời góp phần trí tuệ nhỏ bé của mình cho tờ báo mà chúng ta yêu thích ngày càng phát triển.

Tin, ảnh: Phan Thanh Bình

Nguồn tin: Kiểm sát Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây