Hiện nay, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, hệ thống cơ quan Viện kiểm sát được tổ chức theo đơn vị hành chính, gồm có Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi tắt là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) và các Viện kiểm sát quân sự các cấp (bao gồm: Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương (gọi tắt là Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu) và Viện kiểm sát quân sự khu vực).
Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014) Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân (điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014) là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm:
- Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội;
- Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014) là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm:
- Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật;
- Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ;
- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh;
- Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.